Một tổ chức nhân đạo quốc tế chuyên giúp đỡ nông dân vùng Ðồng bằng sông Cửu Long nay đã đảm nhiệm thêm một công tác mới. Đó là giúp đỡ các phụ nữ và trẻ em sang Kampuchia rồi thất vọng quay trở về. Huy Phương đã đến Cần Thơ nói chuyện với người cầm đầu tổ chức này.
Tổ chức Heifer là một tổ chức quốc tế có trụ sở chính tại thành phố Little Rock, bang Arkansas của Hoa Kỳ. Tổ chức phi chính phủ này có văn phòng tại nhiều nước, trong đó có 7 nước tại Châu Á.
Tại Việt Nam chương trình Heifer đã có mặt tại Cần Thơ từ 17 năm nay. Trong những năm đầu, chương trình này làm việc với khoa Nông nghiệp trường đại học Cần Thơ, nhằm tăng cường khả năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ công tác phát triển nông nghiệp vùng Ðồng bằng sông Cửu Long.
Từ 3 năm qua, Heifer mới chính thức giúp đỡ các nông dân nghèo trong vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, sau khi đã khắc phục được những mối nghi ngại của chính quyền địa phương đối với các tổ chức phi chính phủ.
Tổ chức Heifer giúp trực tiếp cho nông dân. Mỗi hộ gia đình nông dân được cấp phát gia súc mang về nuôi để thu lợi, và sử dụng số lời này vừa để cải thiện đời sống gia đình, vừa để góp phần phát triển kinh tế xã hội trong xã, trong huyện và tỉnh.
Heifer chỉ đặt điều kiện đối với người nông dân được giúp đỡ, là khi nào con gia súc được cấp phát mà đẻ con, thì người nông dân đó phải nạp con gia súc con đó lại cho Heifer để tổ chức này đem cấp phát cho các nông dân khác, để cho chương trình ngày càng phát triển. Và người nông dân cũng cảm thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm đối với chương trình, trách nhiệm đối với chuyện phát triển cộng đồng, và tạo được sự tín nhiệm lẫn nhau.
Tính đến nay, chương trình đã giúp đỡ cho 7800 hộ nông dân. Các loại gia súc cấp phát gồm có heo, bò sữa, bò thịt, dê, và gà vịt.
Người cầm đầu chương trình Heifer Việt Nam là ông Châu Bá Lộc, một Giáo sư của trường đại học Nông Nghiệp Cần Thơ nay đã về hưu.
Giáo sư Lộc cho biết Trong thời gian gần đây, một số phụ nữ trong vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đã tìm cách sang bên Kampuchia để kiếm những cơ hội tốt hơn, nhiều người đã bị lừa và đi vào con đường maị dâm. Trước tình hình đó, tổ chức Heifer đã kiêm nhiệm thêm vai trò giúp đỡ các thiếu nữ thuộc diện này.
Giáo sư Lộc cho biết rất khó có thể biết chính xác đã có bao nhiêu phụ nữ đã bị dụ dỗ sang Kampuchia để hành nghề mại dâm. Có người đã ở lại luôn bên Kampuchia. Có người trở về quê một cách âm thầm, vì vấn đề sĩ diện, không muốn bà con họ hàng biết trong thời gian qua mình đã làm gì. Còn những ai tìm đến với Heifer thì tổ chức này sẵn sàng giúp đỡ.
Và như vậy căn nguyên của tệ nạn phụ nữ hoặc bé gái Việt Nam bị dụ dỗ sang Kampuchia là vì kinh tế.
Giải quyết được vấn đề kinh tế thì mới hy vọng chấm dứt được tệ nạn này.
Huy Phương, tường trình từ thành phố Cần Thơ.