Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy một loại thuốc ngừa bệnh thủy đậu, còn được gọi là trái rạ, có từ 10 năm nay rất hữu hiệu. Cuộc nghiên cứu cho thấy một tỉ lệ nhỏ trẻ em được cho dùng loại thuốc ngừa này vẫn bị bệnh, nhưng đấy chỉ là những trường hợp bệnh nhẹ và ít gây lây nhiễm cho các trẻ khác, ngay cả trong trường hợp sống cùng một nhà và tiếp xúc gần gũi với nhau. Sau đây là các chi tiết trong bài tường trình của TTV David McAlary.
Chú bé Connor Nichols ở California rất thích chơi đùa và hôn em bé gái Kate của chú.
Mẹ cuả hai bé này, bà Jeannette Nichols, cho biết hai anh em rất quấn quít với nhau. Điều tự nhiên là bà lo ngại về vấn đề vệ sinh, sức khỏe cho bé Kate khi bé gái Kate mới chập chững biết đi lấy ly cuả anh uống hay dùng chung muỗng nĩa hoặc bàn chải răng của anh.
Lúc nào hai cháu cũng đùa nghịch với nhau và làm gì mà vi trùng từ thằng anh lại chẳng lan qua con em và ngược lại.
Rất khó có thể bảo vệ cho con trẻ khỏi bị lây lan vi trùng từ người khác, nhưng thuốc ngừa có thể giúp làm được chuyện này. Một cuộc nghiên cứu được tờ báo của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ cho công bố thấy rằng loại thuốc ngừa bệnh tbủy đậu (tức trái rạ) được đem ra sử dụng vào giữa thập niên 1990 rất hữu hiệu trong việc bảo vệ con trẻ khỏi bị lây nhiễm, ngay cả trong một gia đình mà chứng bệnh có điều kiện để lây lan dễ dàng. Ngừời cầm đầu cuộc nghiên cứu là chuyên gia y tế công cộng, bà Jane Seward, làm việc tại trung tâm Kiểm Soát Bệnh của chính phủ Hoa Kỳ.
Nếu như các trẻ đã được chủng ngừa có tiếp xúc gần gũi với ca bệnh trái rạ, thì cứ 4 trong 5 em không bị lây. Còn 1 em có bị lây bệnh đi chăng nữa thì cũng nhẹ hơn rất nhiều so với trường hợp không được chích ngừa.
Bà Seward và các đồng nghiệp đã phân tích các dữ kiện về bệnh thủy đậu(trái rạ) thu thập được từ năm 1997 đến năm 2002 tại khu vực có tên là Antelope Valley, một cộng đồng có khoảng 300 ngàn dân gần thành phố Los Angeles.
Những nhà khảo cứu đặc biệt chú trọng đến ảnh hưởng của loại thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa đối với sự lây nhiễm giữa các trẻ em thường hay chơi đùa, tiếp xúc với nhau cả ngày. Bà Seward cho biết kết quả cho thấy là các trẻ được chích ngừa có bị bệnh đi chăng nữa cũng chỉ lây bệnh ở mức độ bằng một nửa các trẻ không được chích ngừa mà thôi.
Thuốc chủng này công hiệu 100% trong việc phòng các ca bệnh nặng, công hiệu từ 92 đến 100% phòng những ca bệnh từ nhẹ đến nặng, và 80% công hiệu cho tất cả mọi hình thức của bệnh thủy đậu (trái rạ).
Mặc dù bệnh trái rạ(thủy đậu) không được coi là một chứng bệnh nghiêm trọng về mặt y tế công cộng, tổ chức Y Tế Thế Giới cho biết hầu như tất cả mọi trẻ nhỏ hoặc trong lứa tuổi vị thành niên trên khắp thế giới đều đã có lần bị nhiễm vì chứng bệnh này có mức độ lây lan rất cao và vì thế chúng ta không thể coi nhẹ hệ quả kinh tế và xã hội của nó khiến cho nhiều nguờ phải nghỉ học hay nghỉ làm nhiều ngày. Trước khi có thuốc chủng ngừa bệnh thủy đậu, hằng năm chứng bệnh này giết hại 100 người tại Hoa Kỳ.
Trung tâm Kiểm Soát Bệnh ghi nhận rằng thuốc ngừa có phần chắc là biện pháp kiểm soát được bệnh trái rạ. Còn thuốc chữa trị chứng bệnh này rất đắt và thường chỉ được dùng sau khi bệnh nhân đã bị lây vi trùng. Một phân tích mới đây tại Hoa Kỳ cho thấy là cho chủng ngừa bệnh trái rạ theo thông lệ có phần chắc có thể tiết kiệm được gấp 5 lần số tiền đầu tư .
Chưa có những cuộc nghiên cứu tương tự ở các quốc gia đang phát triển, và tổ chức Y Tế Thế giới thừa nhận rằng chứng bệnh này ít được chú ý đến ở những nước đang phải đối phó với gánh nặng của những chứng bệnh nghiêm trọng hơn như AIDS, lao và sốt rét. Nhưng cuộc nghiên cứu cũng nêu lên rằng hệ quả về y tế công cộng của chứng bệnh trái rạ cũng có thể gia tăng trong vùng có tỉ lệ nhiễm siêu vi HIV cao.
Tại cộng đồng gần thành phố Los Angeles, bà Jeannette Nichols dự định sẽ đem hai con nhỏ của bà là Connor và Kate đi chích ngừa bệnh trái rạ.
Càng ít bị bệnh bao nhiêu thì càng tốt cho con trẻ bấy nhiêu.