Đường dẫn truy cập

Tác động của vấn đề ly hôn đối với những người con trong các cuộc hôn nhân tan vỡ tại Hoa Kỳ. - 2004-06-25


Trong câu chuyện phụ nữ kỳ này, Minh Phượng thuật lại bài viết của biên tập viên Faiza Elmasry của đài Tiếng nói Hoa Kỳ nói về tác động của vấn đề ly hôn đối với những người con trong các cuộc hôn nhân tan vỡ tại Hoa Kỳ.

Ít nhất phân nửa các cuộc hôn nhân tại Hoa Kỳ bị tan vỡ, khiến hơn 18 triệu trẻ em sống với các cha mẹ ly hôn. Xã hội thường coi các trẻ em của các cuộc ly hôn này là những nạn nhân kém may mắn của những gia đình tan vỡ, có nhiều phần sẽ trở thành những tâm hồn bị rối loạn về tình cảm không thể nào tiến vào các quan hệ thân mật. Nhưng còn những người con đã lớn của các cuộc ly hôn thì sao? Những em này thực sự có cảm nghĩ ra sao về việc cha mẹ chúng xa nhau. Kinh nghiệm của việc sắp xếp cuộc đời, và việc thêm những họ hàng về phía cha mẹ ghẻ của chúng ảnh hưởng ra sao đối với các em? Theo biên tập viên Faiza Elmasry thì việc ly hôn không bao giờ dễ chịu đối với bất cứ gia đình nào, nhưng những người đã từng trải qua kinh nghiệm đó cho rằng việc này không nhất thiết hủy hoại cuộc đời của những đứa trẻ hay phá tan nền tảng gia đình.

Amy là mẹ của hai đứa con, mới có 6 tuổi lúc cha mẹ cô ly hôn.

"Tôi có một vài kỷ niệm. Chẳng phải mối hờn giận gì. Tôi chỉ muốn được gặp cha tôi nhiều hơn. Ông ấy dọn qua tiểu bang khác và chúng tôi chỉ gặp ông ấy chừng 4 lần mỗi năm."

Sau cuộc ly hôn, Amy và người chị sống với mẹ. Vài năm sau, mẹ cô đi một bước nữa. Và cha cô cũng vậy. Cô Amy kể tiếp:

"Cha tôi có thêm 2 đứa con, Thế là tôi có một em trai và một em gái cùng cha khác mẹ. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một cách gọi, chứ tôi coi chúng như em ruột. Chúng sống với cha tôi và người mẹ ghẻ của tôi."

Cô Amy nói rằng cha cô luôn luôn muốn cô và chị cô tham gia vào các dịp quan trọng trong gia đình mới của ông. Cô cho biết cô và chị cô không bao giờ cảm thấy phải thỏa hiệp vì cha mẹ cô không đặt hai chị em cô vào giữa cuộc xung đột của hai bên.

"Nhiều người cứ hỏi tôi có bực bội hay không. Tôi không cảm thấy điều đó. Tôi cảm thấy rất may mắn là có tới 4 cha mẹ. Tôi được đi du lịch gấp đôi bạn bè của tôi vì cả hai cặp cha mẹ đều đưa chúng tôi đi nghỉ mát và họ đi nghỉ vào những ngày khác nhau. Tôi được dịp tiếp xúc với rất nhiều điều tuyệt diệu."

Khi những đứa con đã lớn cảm thấy như thế, thì có nghĩa là cha mẹ đã chia tay một cách êm đẹp, theo như nhận xét của bà Constance Ahrons, tham vấn hôn nhân.

"Một cuộc ly hôn được cho là êm đẹp khi những đứa con giữ được quan hệ với cả hai bên cha mẹ và gia đình của họ sau khi ly hôn. Ngay cả 20 năm sau khi cha mẹ ly hôn, những đứa con đã lớn chỉ muốn cha mẹ thuận hòa với nhau ở một mức nào đó. Chúng chỉ cần không bị đặt giữa các cuộc xung đột. Chúng chỉ muốn phải nghe mẹ nói xấu cha hay cha nói xấu mẹ khi nói chuyện với chúng.”

Cách đây 25 năm, bà Ahrons đã phóng vấn mấy chục cặp vợ chồng cũ và những người phối ngẫu mới của họ để viết cuốn sách có tựa đề là Cuộc Ly Hôn Tốt Đẹp. Mới đây, bà lại nói chuyện với 173 người nay đã lớn, nhưng chỉ là những đứa trẻ vào lúc bà phỏng vấn cha mẹ chúng khi vừa ly hôn. Ý kiến và kinh nghiệm của những người này được ghi trong cuốn sách mới của bà có tựa là, Chúng tôi vẫn là một gia đình: Những gì trẻ em nói về cuộc ly hôn của cha mẹ. Bà Ahrons nói tiếp :

"Đa số các gia đình vẫn là những gia đình. Bề ngoài có khác, nhưng vẫn là gia đình. Đa số trẻ em lớn lên không có vấn đề gì. 78% nghĩ rằng việc cha mẹ ly hôn là một quyết định tốt. Ba phần tư số trẻ nghĩ rằng cha mẹ chúng thoải mái hơn sau khi chia tay và chúng cũng cảm thấy thoải mái hơm. Nghĩa là chỉ có khoảng 20% số trẻ mãi 20 năm sau vẫn còn chịu ảnh hưởng tai hại của cuộc ly hôn."

Trong cuốn sách, bà Constance Ahrons xác định và phân tích những quan niệm sai lạc thông thường nhất về vấn đề ly hôn. Theo bà, một trong các quan niệm đó là những người cha không còn can dự vào đời sống của những người con. Bà giải thích:

"Chúng tôi nhận thấy rằng hơn 50% những đứa trẻ có quan hệ tốt hơn với cha chúng vì cuộc ly hôn. Chúng có cơ hội liên hệ với cha một cách độc lập. Và nhiều người cha rất thích có cơ hội gần con cái khi họ không phải cãi cọ với vợ cũ hay vợ mới vào lúc đó."

Trong khoảûng thời gian 25 năm kể từ khi cha mẹ chúng ly hôn, gần như tất cả những người trong nhóm được khảo cứu đều đã có cha mẹ ghẻ và những người em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Bà Ahrons cho biết tiếp:

"Chúng tôi nhận thấy gần như quá 60% những đứa trẻ có quan hệ tốt với cha ghẻ của chúng, tuy không phải là ngay tức thời. Và đó là điều quan trọng. Quan hệ đó phát triển một cách dần dà. Và khoảng 50% có quan hệ tốt với mẹ ghẻ. Có một số điểm khác biệt giữa những anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, và những anh chị em ghẻ. Cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha luôn luôn ít tuổi hơn những đứa con đã qua cuộc ly hôn. Vì thế nhiều trẻ thường nói, "Ôi, tôi thực may mắn có thêm em gái hay em trai." Anh chị em ghẻ thì kén chọn hơn trong quan hệ với nhau. Một số thì đi lại với nhau tốt, một số thì không."

Bà Constance Ahrons nói rằng ly hôn là một quá trình bắt đầu từ lâu trước khi ký giấy tờ chính thức, và còn kéo dài mãi mãi. Ngay cả nhiều năm sau, khi cuộc chia tay dường như đã là chuyện xa xưa, một số trẻ vẫn còn đau khổ. Nhưng bà Ahrons cho biết cuộc khảo cứu của bà cho thấy có nhiều phần là những đứa trẻ trong các cuộc ly hôn sẽ không sao và thường sẽ thông cảm và tôn trọng các cố gắng của cha mẹ chúng muốn giữ các liên hệ gia đình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG