Chứng đột quị có thể xảy ra khi chất béo đóng ở vách động mạch làm nghẽn sự lưu thông của máu trong cơ thể. Chẳng bao lâu các tế bào não phải chết vì máu không lên được đến não. Mỗi năm chỉ riêng tại Hoa Kỳ không thôi có chừng 150 ngàn người chết vì đột quị, nghẽn mạch máu. Nghẽn động mạch là nguyên nhân thứ ba đưa tới tử vong tại Hoa Kỳ. Nhiều nguời khác không chết thì não bộ của họ cũng bị hư hại vĩnh viễn.
Động mạch cổ bị nghẽn thường là nguyên nhân chính gây đột quị. Cách chữa trị từ trước tới nay vẫn là giải phẫu. Bác sỹ mổ và nạo mỡ bám ở vách động mạch. Một cách chữa trị khác được một số các quốc gia sử dụng là đặt một lò xo vào động mạch cổ, giúp nong động mạch để máu lưu thông dễ dàng. Phương pháp này gọi là Carotid Artery Stenting.
Mời quí thính giả nghe Lan Phương phỏng vấn bác sỹ Phạm Văn Cao, chuyên khoa về tim, đã hành nghề nhiều năm tại miền nam California, về phương pháp này.
Lan Phương: Xin bác sỹ vui lòng giải thích cho thính giả của đài biết về phương pháp Carotid Artery Stenting (đặt lò xo nong động mạch cổ)
Dr. Phạm Văn Cao: Carotid Artery Stenting là một phương thức đặt một loại lò xo (stent) để nong động mạch cổ (carotid arteries) khi các mạch máu này đã bị nghẽn đáng kể gây ra tình trạng óc không có đủ máu để hoạt động (cerebral ischemia) hay đưa đến các biến chứng gây ra các tai biến mạch não và cơn óc thiếu máu tạm thời (cerebral vascular accident and transient ischemic attacks).
Phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ tương đối hiện đại, đã được bắt đầu thử nghiệm từ giữa thập niên 90’s. Phương thức này thường được làm trong bệnh viện, dùng một ống dò (catheter) luồn vào trong động mạch dưới háng đi lên chỗ động mạch cổ đã bị nghẹn, rồi dùng một loại lò xo (stent) để nong và giữ cho chỗ động mạch bị nghẹn nở ra để cho máu có thể lưu thông dễ dàng hơn.
Trong lúc làm phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ, bệnh nhân thường không cần phải đánh thuốc mê và có thể xuất viện sớm hơn là trong trường hợp phải dùng phương cách mổ động mạch cổ (carotid endarterectomy).
Lan Phương: Thưa bác sỹ tại sao phương pháp này lại chưa được cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm cho áp dụng tại Hoa Kỳ, và so với phương pháp mổ thì lợi và hại của nó như thế nào ?
Dr. Phạm Văn Cao: Phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ tương đương với phương thức đặt lò xo để nong động mạch tim (coronary artery angioplasty and stenting) trên phương diện kỹ thuật (technically) nhưng nó có vài khác biệt trong lãnh vực áp dụng y lý thực hành (clinical applications).
Sau một thời gian thử nghiệm và theo dõi qua các chương trình khảo cứu như SAPPHIRE, ARCHER, MAVERICK, SHELTER, BEACH, CABARET vân vân, và nhất là so sánh với phương thức mổ động mạch cổ, các kết quả vẫn còn chưa được rõ ràng để có thể kết luận xem phương thức nào hoàn toàn có lợi hơn cho bệnh nhân.
Quan trọng hơn nữa là các kết quả khảo cứu này vẫn chưa đề xướng được rõ ràng các tiêu chuẩn thực hành (clinical application guidelines) để xác định trong những hoàn cảnh và trường hợp bệnh lý nào, kể cả tuổi tác hay có các bệnh liên đới, và nhất là các đặc tính nghẹn của các động mạch cổ và sự cần thiết cho việc nong động mạch cổ sau khi các biến chứng như tai biến mạch não đã xẩy ra, để cho áp dụng phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ này so với những phương thức chữa bệnh khác.
Vì các lý do trên, trong tháng tư vừa qua, cơ quan FDA (Food and Drug Administration) vẫn còn chưa hoàn toàn đồng ý cho phép áp dụng phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ, ngoại trừ trong những trung tâm đã được chỉ định để làm khảo cứu về phương thức này.
Để giải thích rõ ràng hơn những lý do tại sao cơ quan FDA vẫn còn chưa cho phép thực hành phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ, như hiện nay đã đang được áp dụng trong vài quốc gia khác, tôi xin đưa ra vài nhận xét tổng quát như sau:
Trên phương diện kỹ thuật, phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ hãy còn có nhiều trở ngại kỹ thuật và biến chứng mà các khảo cứu hiện tại vẫn còn chưa hoàn toàn giải quyết được. Dù gần đây đã có một vài tiến bộ quan trọng, nhất là trong lãnh vực bảo vệ óc (neuroprotection) trong lúc đặt lò xo nong động mạch cổ để có thể giảm thiểu được các biến chứng máu đông hay vữa chạy thẳng lên óc.
Vài thí dụ như dùng PercuSurge hay Angioguard để đút qua chỗ động mạch cổ đã bị nghẹn một cái lọc (filter) hay các bóng để bít lại động mạch (occlusion balloons) mục đích để giảm thiểu biến chứng máu đông hay vữa chạy thẳng lên óc.
Mới gần đây hơn, có phương pháp Parodi Anti Embolism System dùng để tạm thời cho máu trong động mạch cổ có thể chẩy ngược lại qua cái lọc, thay vì phải đút cái lọc hay các bóng để bít lại động mạch qua chỗ đã bị nghẹn, ngõ hầu có thể giảm thiểu các biến chứng máu đông hay vữa chạy thẳng lên óc được nhiều hơn nữa. Tuy nhiên phương pháp này hiện hãy còn quá rườm rà và sẽ còn cần phải canh cải sửa đổi nhiều hơn nữa.
Trên phương diện áp dụng y lý thực hành, tiêu chuẩn cho các phương thức chữa bệnh động mạch cổ bị nghẹn vẫn còn chưa được xác định rõ ràng, như so với bệnh động mạch tim bị nghẹn. Cơ quan FDA thường cẩn thận hơn các quốc gia khác, thành thử họ vẫn còn đợi cho kết quả của các chương trình khảo cứu xác định rõ ràng hơn các tiêu chuẩn thực hành. Do đó, đến giai đoạn này, cơ quan FDA vẫn còn chưa cho phép áp dụng phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ, ngoại trừ trong những trung tâm đã được chỉ định để làm khảo cứu về phương thức này.
Vì những lý do trên, chúng tôi khuyên thính giả chưa nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào phương thức mới này vội. Nếu quí vị nào chẳng may hiện đã có bệnh này rồi, thì nên phải tham khảo ngay với các bác sĩ chuyên môn để trung thực cân nhắc và uyển chuyển quyết định cách chữa trị dựa trên các dữ kiện và trường hợp riêng của từng cá nhân.
Thêm vào nữa, các dữ kiện nghiên cứu hiện đã có được của cả ngành tim lẫn ngành các bệnh mạch máu đều đã chứng tỏ là phương thức chữa bệnh có hiệu quả nhiều nhất vẫn là phương pháp ngừa bệnh.
Ngừa bệnh bằng cách giảm thiểu các lý do đưa đến bệnh tim và các mạch máu và chữa bệnh bằng thuốc, kiêng cữ và hoạt động vẫn có lợi nhiều hơn là đợi cho bệnh đến quá nặng rồi phải dùng phương thức đặt lò xo để nong động mạch cổ hay các phương cách mổ gì khác.