Lời dẫn: Ông Abdul Qadeer Khan, người được tôn vinh là cha đẻ của chương trình hạt nhân Pakistan, đã gây chấn động khắp nước hôm thứ Tư, khi ông xuất hiện trên đài truyền hình Pakistan để nhận trách nhiệm về các hoạt động phổ biến bí mật vũ khí hạt nhân cho Iran, Libya và Bắc Triều Tiên trong các thập niên 1980 và 1990. Mặc dù sau đó, theo đề nghị của Nội Các Pakistan, Tổng Thống Pervez Musharraf đã ân xá cho ông Khan, song lệnh ân xá không tiết giảm được tính nghiêm trọng của những hệ quả do việc phổ biến vũ khí hạt nhân gây ra trên thế giới. Một số chi tiết về vụ xì-căng-đan này và hệ quả của nó, sẽ được phân tích trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây.
“Thật là với một nỗi đau buồn, ray rứt sâu xa cùng với hối tiếc, mà tôi đã quyết định xuất hiện trước mặt quý vị để có thể -một phần nào- chuộc lại lỗi lầm đã gây thống khổ và đau buồn cho nhân dân Pakistan, vì những biến cố thật hết sức đáng tiếc đã xảy ra trong hai tháng qua. Tôi nhận thức rất rõ về tính quan trọng thiết yếu của chương trình hạt nhân Pakistan đối với nền an ninh quốc gia, và đối với niềm tự hào dân tộc của chúng ta, cũng như những cảm xúc nó có thể gợi lên trong tâm tư quý vị. Đồng thời tôi cũng nhận thức được rằng bất cứ diễn biến không hay, biến cố nào hoặc mối đe dọa nào có thể tác động đến khả năng phòng thủ đất nước cũng gây những quan tâm lớn lao nhất cho tinh thần dân tộc.
Với những lời lẽ đó, nhà khoa học Abdul Qadeer Khan, một vị anh hùng dân tộc dưới con mắt của nhân dân Pakistan, và có lẽ người hùng của rất nhiều tín đồ Hồi giáo khác trên thế giới vì là cha đẻ của quả bom hạt nhân “Hồi giáo” đầu tiên, đã ra nhận tội trước quốc dân Pakistan. Ông Khan nói:
“Tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm về những hành động của tôi, và xin quý vị hãy niệm tình tha thứ. Tôi xin hứa, thưa các anh chị em thân mến của tôi, rằng những hoạt động đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa trong tương lai.”
Như giới phân tích đã tiên đoán trước đó, sau khi nhận tội, ông Abdul Qadeer Khan đã nhanh chóng được Tổng Thống Pervez Musharraf ân xá, theo đề nghị của Nội Các chính phủ Pakistan. Nhân dịp này, Tướng Pervez Musharraf giải thích về vị thế của ông, và các điều kiện đã đẩy ông Khan ra thú tội:
“Tất cả những gì tôi đã làm, chỉ nhằm mục đích tìm cách che chở ông Khan. Thế nhưng đến lúc nào đó, chúng ta phải cố gắng cân bằng những đòi hỏi của quốc tế với hành động muốn che chở ông. Chúng ta không thể che chở một anh hùng dân tộc mà phương hại đến cả một quốc gia.”
Được hỏi, thế những động cơ nào đã đưa đến sự thể các bí mật hạt nhân của Pakistan, một bí mật quốc gia được canh phòng và bảo vệ nghiêm ngặt bởi quân đội Pakistan, lại bị tiết lộ ra nước ngoài trong suốt một thời gian trải dài trên hai thập niên như thế, Tổng Thống Musharraf trả lời:
“Động cơ của thiên hạ à, thì tiền bạc, chứ còn gì nữa. Đó là sự thật!”
Và, lập lại lời khẳng định của ông Khan trong bản thú tội, Tổng Thống Pakistan không quên giải thích thêm:
“Sự thật là chính phủ Pakistan không có can dự gì vào vụ này. Quân đội Pakistan cũng thế. Chỉ có giới truyền thông mới nói như thế mà thôi.”
Quả vậy, lời nhận tội của nhà khoa học vật lý nguyên tử hàng đầu Pakistan, và sự kiện ông được Tổng Thống Pakistan ân xá, không có nghĩa là vụ xì-căng-đan hạt nhân đã được xếp lại để cho chìm vào qúa khứ.
Sau khi ông Khan xuất hiện trên màn ảnh truyền hình Pakistan, thú nhận rằng trong những năm của thập niên1980 và 1990, ông và các đồng sự đã chuyển giao công nghệ hạt nhân bí mật cho Iran, Libya và Bắc Triều Tiên, nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích hoặc bày tỏ quan tâm sâu xa về hệ quả của việc Pakistan phổ biến bí mật hạt nhân cho các nước thuộc thành phần bất hảo, chẳng hạn như Bắc Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hoài nghi về chuyện ông Abdul Qadeer Khan là người duy nhất phải nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm về vụ xì-căng-đan này. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Khan đã bị buộc vào thế phải đứng mũi chịu sào, vì nếu trên toàn lãnh thổ Pakistan, chỉ có một người duy nhất có thể nhận trách nhiệm đã làm một chuyện động trời đến như thế, mà vẫn thoát khỏi bị trừng phạt, thì người đó phải là ông Khan.
Chỉ có ông, trong tư cách là một vị anh hùng dân tộc, cha đẻ quả bom hạt nhân đầu tiên của Pakistan, mới có thể nhận tội đã phổ biến vũ khí hạt nhân cho Bắc Triều Tiên, cho Libya và Iran, mà không bị khép tội phản bội đất nước và trừng trị một cách tương xứng với tội trọng đó.
Một số nhà phân tích nghi ngờ ông Khan đã vơ hết tội vào thân để bảo vệ quân đội và chính phủ Pakistan, dựa trên một sự thu xếp có lợi cho mọi đàng. Một mặt, ông Khan nhận tội nhưng không bị trừng phạt, và được phép rút lui vào hậu trường, về hưu trong danh dự, để thụ hưởng cái gia tài có lẽ không nhỏ, gầy dựng trên các hoạt động đầu cơ trục lợi mà ông đã nhúng tay vào trong suốt 15 năm qua. Tên tuổi ông đã được bảo đảm một chỗ đứng vẻ vang trong lịch sử Pakistan, như cha đẻ quả bom hạt nhân đầu tiên của đất nước, mà lại là quốc gia Hồi giáo đầu tiên trên thế giới có bom hạt nhân. Mặt khác, quân đội và chính phủ Pakistan, từ Tướng Pervez Musharraf trở xuống, không hề hay biết gì về vụ việc này, không có can dự dính líu gì vào việc phát tán công nghệ hạt nhân cho các nước bất hảo, và như vậy, trong tư cách là đồng minh kiên cường của Hoa Kỳ trong cuộc chiến diệt trừ khủng bố toàn cầu, chương trình hạt nhân Pakistan sẽ tiếp tục được bảo đảm tính độc lập, khỏi sự soi mói của quốc tế.
Bộ Trưởng Ngoại Giao của Aán độ, nước láng giềng và đối thủ của Pakistan trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân vùng Nam Á, đã mô tả vụ xì-căng-đan phổ biến công nghệ hạt nhân ở Pakistan là một vấn đề quan tâm của thế giới, và kêu gọi hãy mở một cuộc điều tra quốc tế vào vụ việc này, lời kêu gọi này đã gặp sự chống đối dữ dội từ Islamabad, mặc dù Pakistan tuyên bố sẽ hợp tác với Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế, nhưng nước này đã khẳng định sẽ không cho phép các cuộc thanh sát của quốc tế.
Về phía Hoa Kỳ, trong khi cơ quan tình báo trung ương Mỹ khoe rằng CIA có công trong việc phá vỡ mạng lưới buôn bí mật hạt nhân của ông Abdul Qadeer Khan, Washington đã tỏ thái độ miễn cưỡng, không muốn tăng sức ép lên chính phủ của Tổng Thống Musharraf, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến diệt trừ khủng bố, mà chỉ tập trung vào công tác ngăn chận các hoạt động phổ biến công nghệ hạt nhân trong tương lai.
Trong những ngày sắp tới, có lẽ chúng ta sẽ được biết nhiều hơn về hệ quả vụ xì-căng-đan này, kể cả tại Malaysia, nơi con trai đương kim Thủ Tướng Badawi bị cáo buộc có dính líu tới các hoạt động phổ biến công nghệ hạt nhân, và đặc biệt là hệ quả của vụ việc này đối với cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, sắp sửa diễn ra tại Bắc Kinh.