Chỉ vài tháng sau một vụ tranh chấp dữ dội với Hoa Kỳ về vụ xuất khẩu cá basa, Việt Nam lại đang phải chuẩn bị cho một vụ tranh chấp quan trọng hơn nữa với giới nuôi tôm của Mỹ.
Thông tín viên Didier Lauras của Thông Tấn Xã AFP có bài cho hay các viên chức thuộc 8 tiểu bang sản xuất tôm của Mỹ đã gặp nhau tại thủ đô Washington để chuẩn bị cho một vụ kiện chống lại tình trạng bán tống bán tháo nhắm vào những nước mà họ cho là đã bán tôm vào nước Mỹ với giá thấp hơn giá thị trường.
Hiện nay các viên chức vừa kể nhắm vào 16 nước thuộc Á Châu và Châu Mỹ La Tinh, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, nước sản xuất nhiều tôm nhất thế giới. Vào lúc phiên họp giữa 8 tiểu bang vừa kể diễn ra, ông Eddie Gordon, chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất tôm ở miền nam nước Mỹ, kêu gọi các nhà sản xuất tôm, giới cung cấp, giới cho vay, các viên chức trong cộng đồng, các viên chức trong chính quyền và bất cứ ai quan tâm tới nền kinh tế và ngành sản xuất tôm của nước Mỹ tham gia cùng hiệp hội trong nỗ lực chung nhằm chặn đứng điều mà ông gọi là đường lối làm ăn buôn bán thiếu công bằng.
Hiệp hội chưa chọn ngày tháng rõ rệt nào để đưa ra lời khiếu nại chính thức, nhưng tin cho hay vụ kiện này có thể diễn ra trong vài tuần tới. Hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang chọn lựa các cố vấn quốc tế về pháp lý và đang mở chiến dịch thu góp tiền bạc để tài trợ cho vụ tranh chấp này.
Đối với Việt Nam, xuất khẩu hải sản là nguồn kinh tế quan trọng mang lại ngoại tệ nhiều thứ nhì cho nước cộng sản này, chỉ sau có dầu thô, và mang lại những nguồn lợi tức đáng kể cho một số vùng nông thôn trong nước.
Ông Nguyễn Văn Kích, người cầm đầu phân bộ về tôm trong hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản của Việt Nam, cho rằng người Mỹ có thể đưa vụ này ra nhắm vào Việt Nam vào khoảng đầu tháng Giêng dương lịch, và vì vậy hội của ông muốn có một số luật sư sẵn sàng để biện hộ cho Việt Nam.
Vụ kiện liên quan tới cá basa là vụ tranh chấp thương mại quan trọng đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi bản hiệp định thương mại song phương có hiệu lực hai năm trước đây. Giới sản xuất cá da trơn tại Hoa Kỳ đã nạp đơn chống nạn bán phá giá nhắm vào các nhà sản xuất và xuất khẩu cá basa của Việt Nam để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn tại Mỹ hiện có tới 18000 nhân viên và môt lợi tức trung bình là 590 triệu đôla mỗi năm.
Tháng 6 năm ngoái, Bộ Thương Mại Mỹ đã về phe với giới sản xuất cá da trơn tại Mỹ khi phán quyết rằng Việt Nam đã bán cá cho giới tiêu thụ Mỹ với giá dưới giá thị trường. Sau đó, Ủy Hội Mậu Dịch quốc tế của Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu loại phi lê cá Basa của Việt Nam lên tới 64%.
Vụ tranh chấp về cá basa đã mang lại cho Việt Nam một bài học về những ván bài thương mại quốc tế, và vụ tranh chấp về tôm này dường như lại còn phức tạp hơn thế nữa. Điểm phức tạp đầu tiên là hoa lợi của hai ngành này khác biệt hẳn nhau. Loại cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ mỗi năm chỉ là khoảng 60 triệu đôla, trong khi tôm xuất khẩu trị giá tới 500 triệu đôla.
Ông Kích nhận định rằng trong thị trường Mỹ, giá tôm của Việt Nam cũng tương đương với giá tôm của Mỹ và không hề có chuyện bán phá giá. Một số quan sát viên quốc tế đồng ý với nhận định này và cho rằng lời than phiền của Mỹ về cá basa và về tôm của Việt Nam không chính đáng.
Lẽ dĩ nhiên, phía Hoa Kỳ không đồng ý như vậy. Một chuyên viên Hoa Kỳ cho rằng vụ này rồi sẽ được đưa ra trước tòa và Việt Nam khó mà thắng được. Những vụ như vụ này sẽ khiến Việt Nam càng thấy cần phải nhanh chóng gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới để có cơ hội xin chống lại các phán quyết của tòa án.