Càng ngày càng có nhiều người Mỹ liên lạc với các nơi cung cấp dược phẩm ở nước ngoài để mua các thứ thuốc họ cần dùng, nhất là những thứ thuốc mà họ phải dùng trong dài hạn. Tại sao lại có sự kiện lạ lùng như vậy trong lúc thuốc men tại Hoa Kỳ thuộc loại có phẩm chất tốt nhất thế giới. Mời quí vị nghe chúng tôi trình bày một số các trường hợp điển hình về câu chuyện này trong Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay.
Y phí tại Hoa Kỳ ngày càng lên cao. Thuốc men là một trong những khoản chi lớn của các bệnh nhân. Giá thuốc tại nước Mỹ so với các quốc gia khác, kể cả những nước láng giềng sát vách là Canada và Mehico, đắt gấp bội. Đối với những người lợi tức thấp, những ai không có bảo hiểm y tế hoặc giới lớn tuổi chỉ sống nhờ vào tiền an sinh xã hội thì thuốc men là một gánh nặng cho họ.
Tờ nhật báo Washington Post ra ngày 23 tháng 10 đơn cử trường hợp ông William Brooks , bị chứng bệnh ngoài da vẫn phải dùng loại kem để thoa lên chỗ mặt bị ửng đỏ. Ông là một người may mắn có công ăn việc làm tốt và được hưởng bảo hiểm y tế rất tốt từ nơi ông làm việc. Toa thuốc ông mua được bảo hiểm trả cho phần lớn và ông chỉ phải trả có 14 đô la mà thôi. Thế nhưng ông ông Brooks vẫn không mua thuốc ở Mỹ. Ông chỉ cần đi thêm vài chục thước ngang qua biên giới vào thành phố Los Algodones, nước Mehico thì mua toa thuốc này ông chỉ phải trả có 6 đô la.
Ông Brooks là một trong hàng ngàn người Mỹ bước qua biên giới để sang Canada hay Mehico nua thuốc. Có người chẳng cần đi đâu, họ ngồi nhà đặt mua qua các tiệm thuốc tây trên Internet.
Theo những người mua thuốc từ nước ngoài và như các Website bán thuốc qua internet quảng cáo, người ta thấy giá thuốc ở các quốc gia láng giềng rẻ hơn thuốc Mỹ trung bình từ 42% đến 88%.
Ngay cả đến những thứ thuốc sản xuất chính cống tại Mỹ cũng bán với giá hạ hơn rất nhiều nếu mua tại Canada. Lý do tại sao giá thuốc tại Mỹ lại cao như vậy ? Các công ty bào chế được phẩm tại Hoa Kỳ phải đổ tiền ra để nghiên cứu, tìm tòi các thứ thuốc mới trong một thời gian dài, rồi phải chờ đợi, thí nghiệm thật lâu mới được cơ quan kiểm soát thực phẩm và được phẩm chấp thuận cho bán trên thị trường, công nhân cao, phải chi nhiều tiền cho quảng cáo và nhất là tại Hoa Kỳ chính phủ không có chính sách kiểm soát giá thuốc như ở Canada hay các nước Châu Âu. Dược phẩm tại Hoa Kỳ cứ tự ý tăng giá vùn vụt, cứ 5 hay 6 năm, thuốc men tại Hoa Kỳ lại lên giá gấp đôi không giống như ở các quốc gia công nghiệp phát triển khác.
Giáo sư Alan Sager dạy tại học viện Y Tế công Cộng thuộc đại học Boston kiêm đồng giám đốc của chương trình cải tổ y tế, cho rằng quay sang mua thuốc của nước ngoài với giá rẻ là một giải pháp an toàn cho người dân Mỹ.
Đấy là lý do mà rất đông dân Mỹ quay sang mua thuốc từ nước ngoài. Chiếu theo luật lệ hiện hành tại Mỹ thì những thứ thuốc phải kê toa mua ở nước ngoài bị coi là bất hợp pháp. Nhưng việc thực thi luật lệ đối với cá nhân mua thuốc từ các nước ngoài đem về dùng cho chính họ vẫn rất dễ dãi. Các nhân viên hải quan không tịch thu thuốc của hành khách đi ngang qua cửa khẩu vì họ không muốn lấy đi thuốc men của người đang phải cần đến.
Giáo sư Alan Sager nói rằng nếu như nguồn thuốc men với giá hạ từ Canada vào bị chặn đứng thì áp lực từ phía dân chúng sẽ tăng cao và bùng nổ, trừ phi có được một hành động chính trị thận trọng và nhặm lẹ để chính phủ và công chúng cùng làm việc với các công ty sản xuất dược phẩm hầu thiết lập một cơ chế cho tất cả mọi người dân Mỹ có thể mua được thuốc men theo khả năng tài chính của họ. Các tiểu bang như Illinois, Iowa , Michigan, Massachusetts và Minnesota đang tính tới chuyện cho dân chúng mua thuốc với giá hạ hơn từ nước ngoài.
Trong khi đó thì các công ty dược phẩm Hoa Kỳ lại phản đối kịch liệt. Họ viện lẽ về phẩm chất thuốc từ nước ngoài không an toàn , có khi lại là thuốc giả, có khi thì thuốc đã quá hạn hoặc chuyên chở không đúng cách như bị để ở những nơi có nhiệt độ quá cao hay quá lạnh khiến thuốc men bị hư hoại không còn công hiệu nữa. Họ cũng chi rất nhiều tiền để vận động với các nhà làm luật.
Cuộc tranh chấp giữa giới tiêu thụ với các nhà sản xuất thuốc đang chờ được đem ra quốc hội phân xử. Vào tháng 7 một ủy ban đa số dân biểu thuộc cả hai đảng đã thông qua một dự luật cho phép dân Mỹ mua thuốc cần có đơn bác sỹ tại 25 quốc gia công nghiệp hóa, trong số này có cả Canada. Nhưng dự luật này vẫn bị chặn lại tại thượng viện, nơi 53 nghị sĩ, tức là nhiều hơn túc số đòi hỏi, đã cho biết họ chống lại dự luật này.