Đường dẫn truy cập

Thế giới chú tâm theo dõi vụ kháng án tại Việt Nam của ông Phạm Hồng Sơn. - 2003-08-25


Giữa lúc quốc hội Hoa Kỳ chuẩn bị những biện pháp trừng phạt các vụ vi phạm nhân quyền của Việt Nam, một người Việt tích cực hoạt động cho dân chủ và sử dụng mạng internet để bày tỏ những quan điểm bất đồng của mình đối với nhà cầm quyền bị kết án 13 năm tù về tội gián điệp sẽ kháng án vào ngày thứ Ba này. Theo Thông Tấn Xã Pháp AFP, vụ ông Phạm Hồng Sơn, 34 tuổi bị tòa hôm 18 tháng 6 vừa rồi cho là có tội trong những vụ tiếp xúc với những kẽ thời cơ chính trị và các lực lượng phản cách mạng ở hải ngoại, đã lôi kéo sự chăm chú theo dõi của quốc tế. Ông Sơn bị bắt tại Hà Nội hôm 27 tháng 3 năm 2002, vài tuần lễ sau khi dịch và cho phổ biến trên mạng internet một bài với nhan đề “ Dân Chủ Là Gì ? “ rút ra từ trang Web của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Sau một phiên xử chỉ kéo dài có 2 tiếng đồng hồ, bản án dành cho ông Sơn đã gây sự phẫn nộ trong giới ngoại giao ở ngay tại Việt Nam và cho các tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền. Ngay phía Hoa Kỳ cũng đã lên án bản án này. Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, trụ sở đặt tại thành phố New York, tố cáo chính phủ Việt Nam dùng vụ ông Phạm Hồng Sơn để gửi một tín hiệu dọa nạt tới bất cứ ai ở Việt Nam muốn dùng mạng internet để phổ biến tin tức ra nước ngoài. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã bác bỏ những lời chỉ trích này và nói rằng việc sử dụng mạng internet ở Việt Nam phải tuân theo luật pháp của Việt Nam, trong cấm chỉ việc tạo tình trạng bất ổn và gây mất trật tự xã hội. Nếu bản án dành cho ông Phạm Hồng Sơn được giữ nguyên thì sự kiện này sẽ khiến những người trong quốc hội Mỹ chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam có thêm lý do để tranh đấu.

Những người này đang đòi quốc hội Mỹ thông qua dự luật hạn chế những viện trợ không có tính cách nhân đạo cho Việt Nam ở mức của năm 2003, trừ trường hợp Việt Nam thỏa mãn một số điều kiện về nhân quyền. Giống như trong phiên tòa xử ông Sơn hồi tháng 6, giới ngoại giao và báo chí nước ngoài không được phép tham dự phiên kháng án của ông Sơn . Theo một nhà ngoại giao tây phương, sự kiện này cho thấy chính phủ Việt Nam không thể buộc ông Sơn một tội nào, và vì vậy chính phủ sẽ cảm thấy bối rối nếu để người nước ngoài chứng kiến sự kiện đó trong phiên tòa.

Hội Ân Xá Quốc Tế thì hy vọng vụ kháng án này sẽ tạo cơ hội để chính phủ Việt Nam sửa chữa một lỗi lầm và trả tự do cho ông Sơn, người mà Hội gọi là một tù nhân lương tri. Ông Sơn còn là 1 trong số 21 người bất đồng chính kiến năm ngoái ký tên vào một lá thư thỉnh nguyện, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện những cải cách chính trị bằng đường lối ôn hòa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG