Lời dẫn: Thưa quý thính giả, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy là Bắc Triều Tiên đã phát mãi ra nước ngoài nhiều loại vũ khí khác hơn là vũ khí quy ước. Giới phân tích và nhiều giới chức Hoa Kỳ quan ngại về vai trò của Bắc Triều Tiên trong việc phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới nói chung, và đặc biệt về mức độ hợp tác giữa Bình Nhưỡng và chính phủ Iran trong thời gian gần đây . Một số các chi tiết về vấn đề này sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây:
Thưa quý thính giả, phi trường Sunan nằm ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên là một trong những trung tâm giao thông tiêu điều nhất thế giới, đây là một tập hợp các cấu trúc xi măng thiếu thẩm mỹ, với điểm nổi bật duy nhất là tấm chân dung khổng lồ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, như đang từ trên bệ cao nhìn xuống một vùng phi đạo hoang tàn. Trong thời gian gần đây, cảnh trí không có gì là đẹp mắt này, đã thu hút sự chú ý của các vệ tinh do thám của Hoa Kỳ, vì sinh hoạt tại Sunan thường vẫn lặng lẽ bỗng trở nên tấp nập khác thường.
Từ giữa tháng Tư đến đầu tháng Bảy năm nay, ít nhất 6 lần, các vệ tinh Mỹ đã chứng kiến nhiều kiện hàng chứa trong các thùng gỗ được chất lên các máy bay vận tải IL-76 của Iran. Các chuyến bay đi đi về về giữa Sunan và Iran là một điều mới lạ, bởi vì thông thường mỗi năm chỉ có hai chuyến bay cất cánh từ Sunan trực chỉ Iran mà thôi. Nhưng điều làm cho các giới chức Mỹ càng quan ngại hơn, là kích thước và hình dạng của các kiện hàng, khiến người quan sát dễ dàng đoán được những gì được chứa trong các thùng gỗ ấy. Theo lời một viên chức chính phủ Mỹ, thì đó là những phi đạn cruise, các giới chức tại Washington chắc chắn về điều này đến nỗi đã chính thức khiếu nại với Trung Quốc, bởi vì các chuyến bay này phải sử dụng không phận của Trung Quốc trên đường bay đến Iran.
Việc Bắc Triều Tiên bán vũ khí ra nước ngoài không còn gây ngạc nhiên. Có ít nhất 6 quốc gia, kể cả Pakistan, Libya và Syria đã mua phi đạn cuả chế độ cầm quyền tại Bình Nhưỡng. Nhưng giới phân tích và các giới chức thuộc phe diều hâu trong chính phủ của Tổng Thống Bush ngày càng quan ngại hơn về hành động của một chế độ hầu như đã đến bước đường cùng, và có thể phổ biến các thứ vũ khí khác hơn là vũ khí quy ước ra nước ngoài. Họ lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang đổi chác kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân cho Iran, và qua đó thiết lập một liên minh giữa hai nước đã bị Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush nêu tên trong trục các nước bất hảo, một diễn biến đầy nguy hiểm đối với cộng đồng thế giới. Một nhà phân tích có nhiều uy tín, ông Joseph Bermudez nêu lên quan ngại này như sau:
Nếu tôi gửi được nguyên một chuyến bay chất đầy các bộ phận phi đạn, thì điều gì cấm cản tôi gửi theo một nhà khoa học trang bị với một ổ đĩa cứng cho máy tính?
Ông Yosef Bodansky, giám đốc Ủy Ban Quốc Hội đặc trách vấn đề khủng bố và Chiến Tranh không quy ước, nhận định:
Chúng tôi biết Bắc Triều Tiên và Iran có hợp tác với nhau trong lĩnh vực hạt nhân. Iran hiện có một chương trình hạt nhân quy mô dùng vào mục đích quân sự, và Bắc Triều Tiên đóng một vai trò thiết yếu trong chương trình đó.
Ông Bodansky trích dẫn nguồn tin tình báo Trung Đông cho thấy là sự hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Teheran đã khởi sự từ giữa thập niên 1990. Hội Đồng Kháng Chiến Quốc Gia Iran, một tổ chức đối lập Iran đặt trụ sở tại Paris, cáo buộc rằng các nhà khoa học Bắc Triều Tiên đã giúp Iran xây dựng một cơ sở hạt nhân có thể được sử dụng để chế tạo các vật liệu dùng trong việc sản xuất các vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 12 năm ngoái, cũng chính tổ chức này đã tiết lộ cơ sở dùng để tăng cường uranium tại Natanz, gây quan ngại trên thế giới về bản chất thực sự phía sau cao vọng hạt nhân của Iran.
Hoa Kỳ đang thu thập thêm bằng chứng về sự hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Teheran. Hồi tuần trước Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp cấm vận đối với công ty Changgwang Sinyong của Bắc Triều Tiên, cùng với 5 công ty Trung Quốc khác vì các công ty này đã bán công nghệ quân sự cho Iran hồi năm ngoái. Trong khi đó, tạp chí Time loan tin là Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách Kiểm Soát Vũ Khí và An Ninh Quốc Tế, ông John Bolton đã sang Trung Đông hồi tháng trước, một phần để thuyết phục các nước trong khối Ả Rập chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ về những hoạt động đáng nghi giữa Iran và Bắc Triều Tiên. Một viên chức Mỹ cho biết là các nhà ngoại giao Ả Râp tỏ ra lo ngại về việc Bắc Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Đông công nghệ hạt nhân, cùng với kiến thức và vật liệu phân hạt nhân.
Giới phân tích nhận định:
Iran và Bắc Triều Tiên hợp tác với nhau vì quyền lợi chung. Tại miền Bắc bán đảo Triều Tiên, một đất nước hầu như đã đi vào ngõ cụt, vũ khí là nguồn ngoại tệ duy nhất để bơm dưỡng khí vào nền kinh tế chỉ còn đang thoi thóp. Từ hồi năm ngoái, khi Hoa Kỳ hủy bỏ các chuyến tàu chở dầu sang Bắc Triều Tiên để áp lực Bình Nhưỡng phải hủy bỏ chương trình hạt nhân, miền Bắc đang trong tình trạng thiếu dầu hỏa trầm trọng, trong khi đó Iran có cao vọng hạt nhân, và có dư dầu hỏa để mang ra đổi chác với Bình Nhưỡng.
Các nguồn tin tình báo cũng cho rằng Bắc Triều Tiên đang tìm cách nâng cao trình độ kỹ năng để không những chế tạo bom hạt nhân, mà còn để chế tạo các đầu đạn hạt nhân tinh vi, đủ nhỏ để có thể gắn vào các phi đạn do họ chế tạo. Bình Nhưỡng không che đậy sự kiện họ sẵn sàng phát mãi kiến thức và vật liệu hạt nhân, trừ phi Hoa Kỳ cung cấp viện trợ và bảo đảm sẽ không tấn công Bắc Triều Tiên.
Đưa ra ánh sáng và ngăn chận hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân ra nước ngoài, có thể bằng cách chận tàu và phi cơ Bắc Triều Tiên, trên biển và trên không hoặc ngay cả trên bộ, là một thành tố chủ yếu trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Nhưng đây không phải là chuyện đơn giản, vì theo luật hàng hải quốc tế hiện hành, việc mua bán vũ khí, kể cả phi đạn, là hoạt động hợp pháp. Mới đây 10 nước đã chấp thuận và ủng hộ một đề nghị của Hoa Kỳ gọi là Biện Pháp An Ninh chống Hoạt Động phổ biến hạt nhân, trong một phiên họp diễn ra tại miền Bắc Australia.