Trong bản báo cáo kinh tế năm 2010, Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết các nền kinh tế Đông Á và Nam Á sẽ dẫn đầu công cuộc hồi phục của thế giới.
Báo cáo công bố hôm nay nói rằng kinh tế toàn cầu đang hồi phục và nếu những chính sách hỗ trợ được tiếp tục thì thế giới sẽ có được mức tăng trưởng khoàng 2,4% trong năm nay.
Vùng Đông Á dự kiến sẽ có tỉ lệ tăng trưởng GDP trung bình là 6,7%, tỉ lệ cao nhất thế giới, và sau đó là vùng Nam Á với tỉ lệ 5,5%.
Bà Tiziana Bonapace là một kinh tế gia cao cấp của Ủy ban kinh tế xã hội Á châu Thái bình dương của Liên hiệp quốc làm việc tại Bangkok. Bà cho biết như sau.
Bà Bonapace nói: "Tôi nghĩ rằng khu vực này được may mắn ở chỗ là đã bắt đầu đối mặt với vụ khủng hoảng tài chánh trong lúc kinh tế vĩ mô của họ có những yếu tố cơ bản rất mạnh mẽ. Hầu hết các nước trong vùng đã có thặng dư tài chánh khi cuộc khủng hoảng bắt đầu và nhiều nước có mức nợ công thấp hơn 60% của tổng sản phẩm quốc nội."
Nhiều nước Á châu đã nhanh chóng thực hiện những kế hoạch kích thích kinh tế sau khi vụ khủng hoảng toàn cầu bắt đầu hồi năm 2008.
Báo cáo này tán dương Việt Nam, Indonesia, và Trung Quốc về việc đã thành công thúc đẩy nhu cầu nội địa qua sự gia tăng tín dụng.
Trong khi đó, bản báo cáo cho biết các nền kinh tế lớn trong thế giới đã phát triển dự kiến sẽ có mức tăng trưởng 1,3% trong năm 2010.
Các nước đang phát triển sẽ hồi phục nhanh hơn, với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến ở mức 5,3%. Tuy nhiên báo cáo của Liên hiệp quốc ghi nhận rằng tại Á châu và Phi châu cuộc khủng hoảng tài chánh đã đẩy nhiều người tới chỗ phải nhận làm những công việc không có những bảo đảm xã hội. Liên hiệp quốc cho biết từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng số người lao động bị lâm cảnh nghèo túng đã tăng lên tới 64% trong năm 2009 từ mức 59% của hai năm trước đó.
Bà Bonapace cho rằng so với các nước đã phát triển, tình hình của khu vực Á châu Thái bình dương khả quan hơn nhiều.
Bà Bonapace nói tiếp: "Vào thời điểm này các chính phủ trong khu vực Á châu Thái bình dương không gặp phải áp lực mà các chính phủ ở các quốc gia phát triển đang đối phó. Đó là áp lực của tình trạng thâm hụt ngân sách và các khoản nợ công đang gia tăng với tốc độ đáng báo động. Vì vậy tôi nghĩ rằng tình hình ở khu vực này tốt đẹp hơn."
Liên hiệp quốc cho biết sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ không được nhanh chóng như mong muốn vì chi tiêu và đầu tư tiếp tục yếu kém và tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng.
Báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết phần lớn sự hồi phục này phát xuất từ những nỗ lực kích cầu của các chính phủ và trong trường hợp những biện pháp kích thích đó bị ngưng quá sớm thì thế giới có thể rơi lại vào tình trạng khủng hoảng.
<!-- IMAGE -->
Đọc nhiều nhất
1