Đường dẫn truy cập

Chính sách đối ngoại Mỹ sau 1 năm cầm quyền của TT Obama


<!-- IMAGE -->

Tổng thống Obama hứa hẹn một kỷ nguyên mới trong sự tham gia của Hoa Kỳ vào các vấn đề quốc tế, đồng thời phái các đặc sứ Mỹ đi nhiều nơi để giải quyết những vấn đề đối ngoại then chốt trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Tuy nhiên điều đáng nhớ nhất về năm 2009 là những cuộc tham khảo ý kiến kéo dài rất lâu của Tòa Bạch Ốc dẫn đến quyết định hồi đầu tháng 12, để tăng quân số của lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở thủ đô Washington, thông tín viên David Gollust của đài VOA điểm qua một năm chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.

Ngay từ đầu, Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã hứa sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại có tính hòa giải hơn.

Nói chuyện với các nhà báo sau khi được bổ nhiệm vào chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao ở Washington, bà Clinton giải thích chính sách đối ngoại của chính quyền Obama sẽ khác biệt như thế nào, so với chính sách đối ngoại của Tổng thống George W. Bush sắp mãn nhiệm vào lúc đó.

Ngoại trưởng Clinton nói: "Chúng tôi biết rằng nền an ninh của chúng ta, những giá trị của chúng ta, và các quyền lợi của chúng ta không thể được bảo vệ và thăng tiến chỉ bằng sức mạnh quân sự. Hoặc ngay cả chỉ với người Mỹ không mà thôi. Chúng ta phải theo đuổi một nền ngoại giao mạnh mẽ, sử dụng tất cả các công cụ mà chúng ta có thể tập hợp để xây dựng một tương lai với nhiều đối tác hơn và ít kẻ thù hơn."

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton chỉ định các đặc sứ dày kinh nghiệm về chính sách đối ngoại để giải quyết những vấn đề gai góc. Ông Richard Hobrooke trở thành đặc sứ Hoa Kỳ tại Pakistan và Afghanistan.

<!-- IMAGE -->

Và cựu thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện George Mitchell trở thành Đặc sứ Mỹ đảm trách vần đề tranh chấp giữa Israel với người Palestine.

Chính phủ của Tổng thống Obama lần đầu tiên tham gia toàn bộ vào các cuộc tiếp xúc với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời gửi đặc sứ Stephen Bosworth sang Bắc Triều Tiên hồi tháng 12 để thảo luận việc tái tục các cuộc hòa đàm tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, cho tới giờ chưa thấy có tiến bộ cụ thể tại bất cứ nước nào.

Ông Mitchell thực hiện nhiều chuyến đi thăm Trung Đông để thuyết phục Israel và người Palestine trở lại bàn thương thuyết. Thế nhưng cố gắng ấy cũng không thành công.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ giải pháp ngưng hoàn toàn việc xây cất các khu định cư Do thái ở các vùng chiếm đóng, một đòi hỏi của phía Palestine.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell đã đến thăm Miến Điện. Sau chuyến đi, giới lãnh đạo quân sự Miến Điện đã đưa ra một vài động thái hòa hoãn đối với lãnh tụ đối lập tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi, nhưng bà vẫn bị quản thúc tại gia.

Những động thái giang tay hòa hoãn với thế giới không được đền đáp ấy đã bị thành phần bảo thủ trong nước chỉ trích, họ nói rằng tân Tổng thống Mỹ tỏ ra ngây thơ về mặt chính trị.

Một giới chức dưới thời Tổng thống Reagan, ông Richard Perle, đặc biệt đả kích thái độ hòa hoãn với Iran vào lúc mà Tehran đang ra tay đàn áp những người biểu tình và các thủ lãnh đối lập.

Ông Perle nhận định: "Khi ta liên tục đến với Iran, một nước đang tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân, tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tại nhiều nơi, tiếp tục gây bất ổn trong khu vực Trung Đông, khi ta cứ liên tục đến với Iran, một chính quyền đang mạnh tay đàn áp công dân của chính họ, thì cuối cùng chúng ta sẽ bắt đầu đánh đi một thông điệp."

Tổng thống Obama nhấn mạnh trong lúc vận động tranh cử Tổng thống, ông đã từng chống đối chiến tranh tại Iraq.

Tuy nhiên trong tư cách Tổng thống, ông đã khiến một số ủng hộ viên cốt cán xa lánh ông vì quyết định đưa ra tháng 12 để tăng quân số của lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

<!-- IMAGE -->

Quyết định ấy được đưa ra sau một cuộc tái thẩm định chính sách kéo dài, bị cựu Phó Tổng thống Dick Cheney chỉ trích là "do dự, không quyết đoán."

Tổng thống Obama đã đáp lời những người chỉ trích ông trong một bài diễn văn đọc tại Trường Võ Bị Quốc Gia ở West Point.

Ông nói: "Thay vào đó, cuộc tái thẩm định chính sách đã cho phép tôi đặt ra những câu hỏi gai góc, và cân nhắc tất cả những giải pháp khác nhau. Trong tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội, tôi đã quyết định rằng gửi thêm 30.000 binh sĩ Mỹ sang Afghanistan phục vụ các quyền lợi sống còn của quốc gia. Sau 18 tháng, các binh sĩ của chúng ta sẽ khởi sự trở về nước."

Cách xử lý của Tổng thống Obama về vụ Tổng thống dân cử của Honduras, ông Manuel Zelaya bị lật đổ, cũng không được các chuyên gia đánh giá cao.

<!-- IMAGE -->

Đến cuối năm, ông Zelaya vẫn chưa hồi phục lại chức vụ, bất chấp những đòi hỏi ban đầu của Hoa Kỳ.

Và cuối cùng, những hành động của Tổng thống Obama về vấn đề biến đổi khí hậu tại hội nghị Copenhagen hồi tháng 12 đã không mang lại một thỏa thuận như các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh đã từng hy vọng.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích ca ngợi cố gắng của Tổng thống Barack Obama trong việc nhất quyết tìm cách giải quyết các vấn đề gay go.

Ông Will Marshall là một nhà phân tích làm việc cho Viện Nghiên cứu Chính sách Progressive Policy Institute tại thủ đô Washington

Ông nói: "Tôi tin rằng Tổng thống Obama nên được tính thêm điểm vì mức độ khó khăn của các vấn đề mà ông đương đầu và tìm cách giải quyết. Câu hỏi lớn nên đặt ra ở đây, theo tôi, là liệu đường lối cai trị đất nước của ông có đủ mạnh như những lời lẽ hùng biện mà ông đưa ra hay không?"

Ngoại trưởng Clinton đã đi khắp thế giới để tìm cách hàn gắn những quan hệ bị sứt mẻ, mặc dù những tuyên bố bà đưa ra tại Pakistan, chỉ trích tính quả quyết của nước này trong cuộc đấu tranh chống các phần tử chủ chiến, đã làm phật ý nhiều người.

Ngoại trưởng Clinton cổ võ cho một chiến lược mới, sử dụng điều mà bà gọi là "quyền lực mềm," theo đó viện trợ phát triển sẽ trở thành trụ cột chính của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, ngang hàng với sức mạnh quân sự và ngoại giao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG