Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Hoạt động tin tặc là trái luật


<!-- IMAGE -->

Trung Quốc tuyên bố hoạt động tin tặc nhắm vào Internet là đi ngược luật pháp của họ và rằng Trung Quốc hoan nghênh các công ty quốc tế hoạt động tại đây. Lời tuyên bố được đưa ra 1 ngày sau khi đại công ty Internet Google cho biết ý định rút ra khỏi Trung Quốc vì những vụ tấn công trên Internet và vì những yêu cầu kiểm duyệt bắt buộc. Thông tín viên VOA Stephanie Ho gởi về bài tường trình chi tiết từ Bắc Kinh.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã phải ứng đối với nhiều câu hỏi liên quan đến việc Google loan báo đang sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc vì những cuộc tấn công trên mạng và vì các qui luật kiểm duyệt của nước này.

Bà nói với các ký giả trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng, chính sách Internet của Trung Quốc là, “cởi mở”, đúng theo nguyên văn lời bà.

Bà Khương Du nói luật Trung Quốc nghiêm cấm các hoạt động tấn công trên mạng, kể cả hoạt động tin tặc. Bà cho biết Trung Quốc điều hành Internet theo đúng luật pháp và các biện pháp điều hành của họ tuân theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bà từ chối không bình luận về chi tiết vụ Google, mà chỉ nói một cách tổng quát là Trung Quốc hoan nghênh các công ty Internet quốc tế làm ăn tại Trung Quốc theo luật pháp.

Bà Khương Du cũng nhấn mạnh rằng luật Trung Quốc định rõ những loại nội dung nào và thông tin nào có thể được phổ biến trên Internet.

Các công ty Internet tại Trung Quốc được yêu cầu chặn lọc những nội dung mà Bắc Kinh coi là bất hợp pháp, như là những trang mạng do các nhóm bị đặt ngoài pháp luật tổ chức, chẳng hạn như nhóm Pháp Luân Công. Trung Quốc cũng ngăn chặn các trang mạng thuộc vị Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng là Đức Lạt Lai Lạt Ma cùng một số những trang mạng tin tức khác, như trang của VOA.

<!-- IMAGE -->

Hồi đầu tuần này, Google đã đưa ra lời loan báo bất ngờ là họ tính rời khỏi Trung Quốc vì những cuộc tấn công trên mạng, và vì họ không muốn chấp nhận điều hành một công cụ tìm kiếm bị chặn lọc tại Trung Quốc nữa.

Chính quyền Trung Quốc và công ty Google đang tranh cãi về vấn đề vừa nêu.

Trong một diễn tiến khác, hãng luật đại diện cho nhà sản xuất phần mềm CYBERsitterGipson, Hoffman và Pancione, cho biết đã bị xâm nhập vào mạng của mình trong tuần này, và các hoạt động xâm nhập đó xuất phát từ Trung Quốc .

Luật sư Greg Fayer ông là một trong những người đầu tiên tại hãng kể trên nhận được một email ông gọi là Trojan, là loại email cho phép người gửi khởi sự những hoạt động gian trá trên máy tính của người nhận.

Ông Fayer nói: “Tôi không thể nói nhiều về chuyện này bởi vì FBI đang tiến hành một cuộc điều tra, nhưng có một loạt email Trojan gửi tới cho nhiều thành viên của hãng chúng tôi, làm ra vẻ như do các thành viên khác trong hãng gửi tới, viện ra nhiều cớ, bảo họ hãy click lên những đường giây liên kết và nói :’Này, tôi muốn gửi cho ông một tập tin, nó quá lớn, vậy ông có thể nào click lên cái link này rồi tập tin sẽ tới với ông không?’”

Hãng luật của ông Fayer tuần trước đã giúp công ty CYBERsitter lập hồ sơ khởi kiện chính phủ Trung Quốc và 7 nhà chế tạo máy vi tính tại Trung Quốc đòi bồi thưòng 2 tỷ đôla về phần mềm bị đánh cắp.

Vụ kiện liên quan đến chương trình kiểm duyệt phần mềm Green Dam của Trung Quốc lẽ ra được khai trương tại đây hồi tháng 6. Công ty chế tạo phần mềm CYBERsitter, cũng từng là mục tiêu tấn công của tin tặc, đang tố giác các công ty Trung Quốc là sao chép hơn 3,000 dòng mật mã của CYBERsitter dùng cho phần mềm Green Dam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG