Từ cuối thập niên 40 trong mảng văn chương lao tù đã xuất hiện những tác phẩm viết về những trại tù, những lò thiêu của Đức Quốc-xã. Cho đến cuối thập niên 60 người đọc trên toàn thế giới lại được đọc những tác phẩm văn chương viết về chế độ ngục tù ở Liên-xô, khởi đầu và gây sự chú ý nhiều nhất là những tác phẩm của Alexander Soljenitzin. Điểm nổi bật của nhà văn này là đã nêu rõ được ngục tù đã là một hệ thống có tính tổ chức cao, được sử dụng như một cơ chế của chủ nghĩa toàn trị Cộng sản.
Và tiếp sau đó, cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 mọi người lại được biết nhiều hơn về hệ thống ngục tù lao cải ở Trung Quốc và Việt Nam. Sức mạnh của những tác phẩm viết về ngục tù, nhất là những quyển hồi ký, nằm ở việc kể lại những điều con người ở thế giới tự do bên ngoài không thể tưởng tượng được về mức độ tàn bạo con người đã đối xử với con người trong thế giới lao tù Cộng sản.
Nhưng một điểm khác cũng không kém quan trọng là: ngoài con số tù nhân đã bỏ mạng trong các trại tù, thiểu số sống sót khi lên tiếng về cuộc sống cực kỳ khắc nghiệt trong những năm dài bị cắt đứt với thế giới, đã nói lên được sự chịu đựng những cực hình cả về vật chất lẫn tinh thần vượt qua mọi giới hạn có thể nghĩ tưởng được để sinh tồn. Khả năng này là một phẩm chất tuyệt vời của con người trước những thử thách nhằm tiêu hủy nhân tính đồng thời cũng nói lên sự dã man thú vật của những kẻ thiết lập nên hệ thống lao tù Cộng sản.
Phần đông những tác phẩm trong mảng văn chương ngục tù này được viết dưới dạng tiểu thuyết hoặc nhật ký nên tính chất khả tín không cao. Chính vì lý do đó nên khi quyển hồi ký Đi Tìm Quê Hương của Cao Nhĩ Thái bản Anh văn ra đời lập tức được chú ý vì tác giả đã viết quyển sách kể ra những sự kiện ông đã sống trải trong những năm ngục tù lao cải dưới chế độ Cộng sản ở Trung Quốc trong những thập niên 60 và 70.
Cao Nhĩ Thái sinh năm 1935 ở Giang Châu, trước hết là một họa sĩ, một nhà phê bình hội họa, sau đó là một nhà văn và một học giả về tư tưởng mỹ học, có chân trong Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Học viện Khoa học Xã hội và Triết học Trung Quốc. Ông cũng là giáo sư triết học ở các đại học Hàng Châu, Tứ Xuyên và Nam Kinh.
Năm 1957, khi đó mới 22 tuổi, Cao Nhĩ Thái viết bài luận văn “Bàn Về Cái Đẹp” đăng tải trên một tạp chí văn học ở Bắc Kinh nhằm bày tỏ quan niệm cho rằng cái đẹp có tính chất chủ quan và tùy thuộc cá nhân. Bài luận văn này lúc đầu được tán thưởng rộng rãi nhưng cũng đã tạo ra dư luận tranh cãi sôi nổi. Sở dĩ bài luận văn này được đăng tải trên một tạp chí lớn ở Bắc Kinh vì vào thời gian này bắt đầu một giai đoạn “tan băng giá” ngắn ngủi tiếp theo là phong trào Trăm Hoa Đua Nở do họ Mao chủ xướng, khuyến khích trí thức và nghệ sị phản biện.
Nhưng đến khi giai đoạn tương đối cởi mở này chấm dứt, những đảng viên bảo thủ thuộc luồng chính đem bài luận văn của họ Cao ra phê bình, chỉ trích nặng nề, cho rằng họ Cao có tư tưởng hữu khuynh đi ngược với quan điểm chính thống của Đảng vì theo ý thức hệ Cộng sản chính thống cái đẹp phải có tính khách quan và tập thể. Và lập tức Cao Nhĩ Thái bị liệt vào thành phần hữu khuynh, bị bắt đi cải tạo ở vùng sa mạc Gobi.
Cao Nhĩ Thái đã tóm tắt tình cảnh họa phúc khôn lường này trong câu nói chua chát trong quyển hối ký của ông rằng “Một khoảnh khắc danh giá đã hóa thành 20 năm bất hạnh.” Trong chế độ toàn trị Cộng sản hai danh từ cải huấn và cải tạo có nghĩa rất khác nhau. Danh từ cải huấn được áp dụng cho những đối tượng vi phạm lỗi lầm đi lệch ý thức hệ chính thống nhưng có thể sửa sai được. Vì vậy tội cải huấn được coi là nhẹ và cải huấn có thời gian hạn định. Ngược lại “cải tạo” được áp đặt lên những đối tượng có quan điểm phản động, đi ngược hẳn quan điểm chính thống. Vì vậy “cải tạo” là một hình phạt nặng và thời gian cải tạo không có giới hạn. Có lẽ không mấy độc giả phương Tây nhận ra được sự khác biệt này.
Quyển hồi ký Đi Tìm Quê Hương được Cao Nhĩ Thái đăt thêm một tựa đề phụ là “Một Hồi Ký về một Trại Lao Cải Trung Quốc.” Bản Anh ngữ do Robert Dorsett và David Poland dày khoảng 260 trang không phải là bản dịch toàn bộ quyển sách bản tiếng Hoa của họ Cao mà chỉ là phần hồi ký từ năm 1959 cho đến cuối cuộc Cách Mạng Văn Hóa trong nguyên bản. Một nhà xuất bản ở Đài Loan dự định sẽ sớm xuất bản quyển sách này đầy đủ nguyên văn bản thảo của tác giả.
Trong quyển hồi ký Cao Nhĩ Thái đã kể lại tường tận cuộc sống lao cải. Người tù: họ bị bắt buộc làm đi làm lại không có ý nghĩa như đào hố và vét cạn nước trong hố. Công tác lao động tiếp tục miên viễn, từ sáng tinh mơ đến chiều tối, ngày này qua ngày khác bất tận. Người tù cải tạo ngoài đói ăn, lạnh cóng hay nóng cháy, bệnh tật, còn bị đánh đập hành hạ.
Cộng thêm vào sự thiếu thốn vật chất, người tù cải tạo còn bị hành hạ về mặt tâm lý. Sau một ngày lao động khổ sai, đến tối họ phải họp tổ kiểm thảo, thú tội về những sai lầm bản thân và tố cáo bạn tù. Để chứng tỏ việc học tập cải tạo có kết quả tốt, người tù bị buộc phải luôn luôn giữ nụ cười trên môi chứng tỏ mình hồ hởi. Việc này tạo nên sự căng thẳng trầm trọng về mặt tâm lý cho nên theo họ Cao vẻ mặt tươi cười hồ hởi giả tạo của người tù cải tạo trông chẳng khác gì một bộ mặt đưa đám của một người đang khóc.
Sự tàn khốc của kỹ thuật biến con người hoàn toàn bị cô lập, trở thành “một số không” tuyệt đối vì “Ngày lại ngày tới rồi qua, và tất cả những ngày tháng cộng lại hình như cũng chỉ giống như một ngày.” Thời gian của đời sống hoàn toàn bị hủy diệt. Một người bạn tù lớn tuổi nói với họ Cao “Hãy nhớ rằng vấn đề quan trọng không chỉ là tồn tại, mà là tìm ra được một mục đích để tồn tại.” Người tù này trước đây là một sử gia và ông đã tìm ra mục đích để không chết đi là thu tập những tài liệu sau này sẽ cung cấp cho các học giả trong tương lai.
Còn với họ Cao, “viết” là mục đích giúp ông không bị hủy diệt, dù viết và lưu trữ bản viết vô cùng nguy hiểm khi còn trong tù. Con số tù cải tạo bỏ mạng trong tù theo ghi nhận của họ Cao là khoảng 90%. Và ông là một người may mắn vì vốn là một họa sĩ nên năm 1959 Cao Nhĩ Thái được chuyển trại sang làm thợ vẽ ở Hàng Châu. Được thả năm 1962 Cao Nhĩ Thái không một xu dính túi nhưng may mắn đã xin được một việc làm cho một học viện chuyên bảo tồn và trùng tu những bức tranh Phật giáo trong những hang động Magao ở một địa điểm thuộc Tây Tạng. Chính nhờ cơ hội này họ Cao có điều kiện để tự do tư tưởng, có một cõi riêng tư cho đời sống tinh thần.
Cao Nhĩ Thái kể lại thời gian này như sau: “Tôi đọc và không biết từ lúc nào, tôi bắt đầu viết. Tôi viết về giá trị con người, về sự vong thân và quyết tâm của một con người. Tôi viết về sự theo đuổi cái đẹp, về tự do con người, và về cái đẹp như một biểu tượng của tự do. Tôi biết rằng tôi đang đùa với lửa nhưng tôi cóc cần, bởi ngoài chơi với lửa ra tôi không còn thể nào tìm được sự liên hệ với thế giới bên ngoài, với thời gian của tôi, với lịch sử nhân loại, và tôi biết được rằng tôi cần có mối liên hệ đó.”
Chơi với lửa như vậy kết quả họ Cao đã bị lửa thiêu đốt. Khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa lên cao điểm vào năm 1966 Cao Nhĩ Thái chịu chung số phận, phần đông những người cùng làm việc trong viện mỹ thuật này bị lôi ra hành tội, sau đó bị hạ công tác xuống làm công nhân quét dọn và hàng ngày bị đem ra phê bình kiểm điểm. Bị hành hạ đánh đập, thiếu dinh dưỡng nên họ Cao rụng gần hết răng và xương sống bị chấn thương đứng không nổi. Chính vì tai họa này Cao Nhĩ Thái đã đánh mất hết những tập bản thảo viết trước đây.
Đến năm 1972 họ Cao mới được chấm dứt chế độ lao cải và mãi tới năm 1978 mới chính thức được phục hồi, xin được chân giảng viên Mỹ thuật và Triết học ở Hàng Châu và Tứ Xuyên. Nhưng khi có phong trào đòi dân chủ của sinh viên và trí thức ở quảng trường Thiên An Môn, Cao Nhĩ Thái đã tích cực tham dự phong trào này và thêm một lần nữa, bị bắt giam rồi được thà vào năm 1992.
Sau khi được thả, họ Cao trốn sang Thượng Hải và năm 1993 đào tỵ, được cho tỵ nạn ở Mỹ. Hiện nay Cao Nhĩ Thái sống ở Los Angeles. Như trên đã nói, quyển hồi ký của Cao Nhĩ Thái được đánh giá cao vì đã nêu ra người thực việc thực trong các trại lao cải ở Trung Quốc trong những thập niên 60 và 70.
Bản tiếng Anh quyển hồi ký này tuy không dịch toàn thể quyển hồi ký nhưng hai dịch giả cũng đã cung cấp những chú thích diễn giải những biến cố, sự kiện có liên quan tới những tù nhân cải tạo giúp người đọc theo dõi được thực sự những gì đã xảy ra cho họ. Hai dịch giả cũng cho vào quyển hồi ký bài luận văn “Bàn về Cái Đẹp” của Cao Nhĩ Thái nay tác giả coi đó là một “bài nghiên cứu bất hạnh.”
Người đọc quyển hồi ký này nhận rõ tác giả không quá đà tạo cảm giác cường điệu khi viết về những nhục hình trong các trại cải tạo ở Trung Quốc. Trái lại, tác giả vẫn mang một niềm hy vọng đến cho độc giả và thành công trong việc chứng minh cụ thể rằng: trong những xứ độc tài toàn trị Cộng sản, văn học mỹ thuật vẫn được coi có sức mạnh nguy hại đối với chế độ, rằng từ trong bản chất, cuộc chiến đấu cho tự do của con người chống lại “bàn tay vô hình, cưỡng bức chỉ định những vai trò và nhiệm vụ” cho trí thức, nghệ sĩ là một cuộc chiến đấu không mệt mỏi.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.