Các thị trường Châu Á đang trỗi dậy đã và đang dẫn đầu trong quá trình hồi phục kinh tế thế giới và đà tăng trưởng của các nền kinh tế này tạo ảnh hưởng lớn trong khu vực. Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trong thập kỷ qua, giao thương giữa 2 quốc gia này đã tăng mạnh. Chỉ trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2006, thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng vọt 50% một năm.
Nhận định về 2 nền kinh tế này Giáo sư Fariborz Ghadar, Đại học Penn State nói: “Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Và Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.”
Thương mại phát triển mạnh giữa 2 đối tác thương mại này, dù tình trạng căng thẳng giữa 2 nước vẫn còn sau vụ tranh chấp biên giới đã làm nổ ra trận chiến hồi năm 1962.
Một điểm khác nữa là việc đức Đạt Lai Lạt Ma đang cư trú ở Ấn Độ cũng gây khó chịu cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, dường như ngày nay nhu cầu kinh tế được đặt nặng hơn bất đồng chính trị. Năm 2008 hai nước đã thỏa thuận tăng giao thương lên khoảng 20 tỉ đôla trong chuyến đến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Thủ tướng Singh tuyên bố: “Chúng tôi quyết định tăng thương mại song phương từ 40 tỉ đôla, vào khoảng năm 2010, lên 60 tỉ đôla.”
Thế mạnh của kinh tế Trung Quốc nằm trong lãnh vực sản xuất, và cơ sở hạ tầng; trong khi Ấn Độ mạnh về công nghệ và dược phẩm.
Phần lớn hoạt động thương mại diễn ra trong các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Mumbai, và Bangalore.
Giáo sư Anil Gupta, thuộc Trường Thương Mại, Đại học Maryland, đồng tác giả quyển “Getting China and India Right” nói rằng các công ty chuyển đến Trung Quốc và Ấn Độ đang nhận ra rằng họ cần thích ứng với yếu tố lợi tức tương đối không cao của phần lớn dân chúng trong 2 thị trường này. Lợi tức đầu người ở Trung Quốc tương đương với 1/15 của Hoa Kỳ và ở Ấn Độ là 1/30.
Ông Gupta nói: “Hãng xe hơi Tata đưa vào thị trường xe hơi Nano với giá 2 ngàn đôla một chiếc, nếu chúng ta so sánh với giá xe ở Mỹ, thì 2 ngàn đô chỉ đủ để sơn chiếc xe. Xe Nano đáp ứng tiêu chuẩn về độ va chạm mạnh và các tiêu chuẩn an toàn của Châu Âu, đây không chỉ là chiếc xe hơi rất nhỏ. Loại sản phẩm với giá cực thấp như vậy thực sự đòi hỏi sáng kiến.”
Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng trưởng một cách nhanh chóng, và theo Giáo sư Ghadar đà tăng trưởng đó tạo được ảnh hưởng rất lớn trong vùng.
Giáo sư Ghadar giải thích: “Trung Quốc còn hơn cả Ấn Độ về điểm này. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy ảnh hưởng từ Ấn Độ lan sang các nước như Việt Nam, Thái Lan v. .v. . Trong khi chi phí trong khu vực sản xuất ở Trung Quốc trở nên mắc hơn, đặc biệt ở trong các vùng duyên hải, chúng ta sẽ thấy hoạt động này chuyển sang các khu vực với chi phí thấp hơn, chẳng hạn như Việt Nam.”
Đối với phần lớn sản phẩm và dịch vụ, thị trường Trung Quốc lớn hơn Ấn Độ gấp 3 lần. Tuy nhiên Giáo sư Anil Gupta nói rằng trình độ tiếng Anh ở Trung Quốc vẫn còn khá yếu, ngay cả trong các thành phố.
Giáo sư Gupta nhận định: “Ở Ấn Độ, khá nhiều người nói tiếng Anh, tất nhiên là trong các thành phố. Điều này có nghĩa là một người biết tiếng Anh nào đó đến Ấn Độ sẽ tìm thấy một môi trường mà họ có thể len lỏi được. Họ có thể đọc báo, có thể nói chuyện với khách hàng, đọc các tài liệu.”
Mặc dù có những trở lực về chính trị, và khác biệt về văn hóa, giao thương Ấn-Trung đang tiến triển một cách nhanh chóng.
Giáo sư Gupta nói: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà tôi dám nói rằng sẽ là kỷ nguyên nhiều biến đổi nhất trên thế giới tính từ 200 năm qua.”
Theo Giáo sư Gupta, vào khoảng năm 2025, kinh tế Trung Quốc sẽ ngang với Hoa Kỳ và kinh tế Ấn Độ sẽ bằng với Nhật Bản.
<!-- IMAGE -->