Đường dẫn truy cập

Năm hữu nghị Việt-Trung mở màn với một cuộc khẩu chiến


Năm hữu nghị Việt-Trung mở màn với một cuộc khẩu chiến
Năm hữu nghị Việt-Trung mở màn với một cuộc khẩu chiến

<!-- IMAGE -->

Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và Hà Nội đã quyết định lấy năm 2010 làm “Năm hữu nghị Việt-Trung” để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, trong tuần lễ đầu tiên của năm mới đôi bên đã tranh cãi với nhau về kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng đảo Hải Nam thành đảo du lịch quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại Tây Sa – là quần đảo mà phía Việt Nam gọi là Hoàng Sa và bị Trung Quốc chiếm cứ vào năm 1974 sau một trận hải chiến kịch liệt với hải quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết về vụ tranh cãi này cùng với kế hoạch phát triển Hải Nam của Trung Quốc trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Các giới chức cao cấp của Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ những mối quan tâm cho rằng kế hoạch phát triển đảo Hải Nam mà Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hồi gần đây sẽ gây thêm căng thẳng cho vụ tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Tờ Trung Quốc Nhật báo trích lời ông Vệ Lưu Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, nói rằng “chúng tôi chỉ phát triển du lịch, kinh tế, xã hội trên lãnh thổ và lãnh hải của mình” và việc này sẽ không tạo ra “ảnh hưởng bất lợi nào cho những nước khác.”

Ông Vệ Lưu Thành tuyên bố như thế hôm thứ tư (ngày 6 tháng 1 năm 2001) vừa qua, hai ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, lên án kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng đảo Hải Nam thành đảo du lịch quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại Tây Sa – là quần đảo mà phía Việt Nam gọi là Hoàng Sa. Bà Nguyễn Phương Nga nói rằng hành động của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” và “gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.” Bà Nga nói thêm rằng “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này.”

Cũng trong ngày thứ tư, đại sứ của Trung Quốc tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp báo mà theo mô tả của báo chí địa phương là có mục đích “thông báo các sự kiện” và “đánh giá về tiến trình hợp tác 60 năm Trung-Việt.” Tại cuộc họp báo này, Đại sứ Tôn Quốc Tường cho biết rằng vấn đề trên biển là vấn đề nổi bật đang tồn tại trong quan hệ hai nước, nhưng đôi bên đã thiết lập cơ chế đàm phán và đang tiến hành thuận lợi. Ông Tường nói thêm rằng Việt Nam và Trung Quốc đều là nước xã hội chủ nghĩa, do đảng Cộng Sản lãnh đạo, “nên không có lý do nào không thể giải quyết được vấn đề tồn tại.” Vị Đại sứ của Trung Quốc đã nhắc lại đề nghị trước đây của giới hữu trách Bắc Kinh về vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông là “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác.”

Những phát biểu của ông Tôn Quốc Tường đã nhanh chóng gặp phải sự đả kích của dư luận người Việt trong và ngoài nước. Một số thính giả VOA đã gởi e-mail bày tỏ bất bình về điều mà họ gọi là thái độ trịch thượng của Trung Quốc và những hành vi xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Một tờ báo trên mạng có nhiều người đọc ở Việt Nam là TuanVietNam.net, do nhà nước kiểm soát, đã cho đăng một bài viết của một độc giả, tên Khương Duy, nói rằng “Nếu gác lại sự tranh chấp bằng vũ lực, quân sự, gác lại sự va chạm không đáng có giữa hải quân Trung Quốc với ngư dân Việt Nam thì thật đáng hoan nghênh. Song nếu gác lại những biện pháp giải quyết bằng con đường đàm phán song phương và đa phương, bằng những luận giải pháp lý khoa học và lịch sử về chủ quyền của các quốc gia có liên quan trên biển Đông thì có nên không?”

Ông Khương Duy cũng mạnh mẽ đả kích lời khuyên của ông Tôn Quốc Tường là báo chí Việt Nam nên “vì đại cục” mà tránh đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá. Một trang blog ở Việt Nam, không do nhà nước kiểm soát, là trang anhbasam.com, hôm thứ năm vừa qua cũng cho đăng một bài viết của ông Hồng Lê Thọ, chỉ trích bài học mà Đại sứ Tôn Quốc Tường nói tới trong cuộc họp báo. Bài viết nhan đề “Thông điệp mở đầu năm hữu nghị Việt-Trung: Những gáo nước lạnh ngổ ngáo!” có đoạn: “Đại sứ Tôn Quốc Tường nói một cách hùng hồn rằng ‘kinh nghiệm quí báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung-Việt là hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại – một lời khuyên của người đồng chí với 16 chữ vàng của Chủ tịch Giang Trạch Dân hồi đó đã gửi gắm hay đây là một thái độ trịch thượng, hàm ý Việt Nam không nên đấu tranh chống lại Trung Quốc trong những vấn đề song phương, trong đó có vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa? ‘Thất bại’ ở đây có nghĩa gì? Lại là ‘một bài học’ như Trung Quốc đã xua quân sang ‘trừng phạt’ nước ta vào năm 1979?”

<!-- IMAGE -->

Trong khi kế hoạch xây dựng đảo Hải Nam thành đảo du lịch quốc tế làm bùng ra những vụ tranh cãi với Việt Nam, các nhà lãnh đạo đảo này cho biết rằng còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể đạt được những mục tiêu mà Quốc vụ viện Trung Quốc đề ra trong văn kiện công bố ngày mồng 4 tháng 1.

Tại một cuộc họp ở Bắc Kinh, Tỉnh trưởng Hải Nam La Bảo Minh, nói rằng ý thức về môi trường và tinh thần phục vụ du khách của người dân Hải Nam cần phải được nâng cao rất nhiều.

Ông La nói: "Chúng tôi nhận được nhiều lá thư than phiền. Quả thực là có những lá thư đọc xong chúng tôi chẳng những cảm thấy đau lòng mà còn cảm thấy phẫn nộ. Chẳng hạn như việc bán hàng cho du khách với giá cắt cổ; bóp chẹt, lừa gạt du khách; bán cho du khách những món hàng giả mạo, những món hàng thiếu phẩm chất. Còn có những nhóm người chuyên tổ chức các tour du lịch trái phép, chuyên chở du khách trái phép để lường gạt, bóp chẹt du khách. Tuy đây là những sự việc liên quan tới một nhóm người rất ít và có tính chất cá biệt, nhưng nó gây thiệt hại nhiều cho quyền lợi của du khách và làm xấu đi hình ảnh của Hải Nam. Nếu Hải Nam chúng tôi không giải quyết vấn đề này thì chúng tôi không thể nào vượt qua ngưỡng cửa thấp nhất trên con đường xây dựng một hòn đảo du lịch quốc tế."

Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, ông Vệ Lưu Thành, cũng tán đồng ý kiến này và nói thêm rằng cần phải nâng cao trình độ của người dân nói chung và phẩm chất của nhân viên ngành du lịch nói riêng.

Ông Vệ nói: "Xin quí vị hãy cho chúng tôi một ít thời giờ. Chẳng hạn như vấn đề ngôn ngữ. Chúng tôi cần có một quá trình lâu dài để có được nhiều người nói rành tiếng Anh, tiếng Nga. Về những dịch vụ đi đôi với hoạt động phát triển du lịch, tôi nghĩ rằng điều này có quan hệ rất lớn với phẩm chất và trình độ học vấn của quần chúng nhân dân. Trên phương diện này, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện từng bước."

Theo tường thuật hôm thứ ba của hãng thông tấn Reuters, tiêu chuẩn phục vụ yếu kém và sự tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam là những trở ngại chính trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến Hải Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. Bài tường thuật nói thêm rằng vì số chuyến bay tới Hải Nam còn ít và việc cấp phát thị thực nhập cảnh thiếu linh hoạt, trong năm 2008 số lượt du khách đến đảo này chỉ ở vào khoảng 20 triệu, trong đó chỉ có 730 ngàn là khách nước ngoài, phần lớn là người Nga và Nam Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG