Đảo Phục Sinh (Easter Island, còn gọi là Rapa Nui) nằm ở đông nam Thái Bình Dương vốn nổi tiếng về các tác phẩm điêu khắc đá khổng lồ có tên là moai. Đây là các pho tượng người với những chiếc đầu khổng lồ so với các phần còn lại của cơ thể. Trong số các pho tượng moai đã hoàn thành và có thể di chuyển được, pho lớn nhất nặng tới 80 tấn. Một pho tượng đang được tạc dở dang còn nặng tới 270 tấn. Các pho tượng moai này được đặt rải rác ở khắp nơi trên đảo – cách xa so với mỏ khai thác đá nơi chúng được chế tác.
Khi mới được phát hiện, các tác phẩm này là một bí ẩn đối với thế giới. Người Âu phát hiện ra Rapa Nui vào khoảng thế kỷ thứ 18, khi đó dân số ước tính trên đảo này chỉ vào khoảng 3000 người. Điều khiến thế giới kinh ngạc là thổ dân ở đây không hề có một nền văn hóa đủ tầm để tạo ra các pho tượng này (họ không có các nghệ sĩ tạc tượng).
Thêm nữa, các pho tượng này đã được di chuyển đi rất xa so với nơi chúng được tạc. Điều này khó hiểu bởi vì với dân số nhỏ như vậy thổ dân không thể di chuyển các pho tượng khổng lồ, ít ra là không thể di chuyển nếu thiếu các công cụ như đòn bẩy, dây kéo và cây lăn. Trong khi đó, trên đảo Rapa Nui hầu như không có cây cối gì, vì thế không thể tạo ra được các công cụ giúp di chuyển các tượng moai. Chính thổ dân bản địa khi đó cũng tin rằng các pho tượng này đã tự mình đi khỏi khu mỏ đá để đến đứng trên các bờ biển.
Gần đây, các nghiên cứu khảo cổ và địa chất đã dần giải mã được bí ẩn trên đảo Phục Sinh. Theo các khám phá này, đảo Phục Sinh từng được che phủ bởi các cánh rừng cọ dày đặc hồi năm 400 (theo công lịch) khi người Polynesian lần đầu đặt chân lên Rapa Nui.
Ngay sau khi tìm ra đảo này, người Polynesian đã bắt đầu khai thác nguồn tài nguyên quý giá nhất mà hòn đảo này có được – các rừng cọ. Gỗ được dùng để đóng thuyền đánh cá, để làm củi đốt, và chim muông trên đảo là nguồn thức ăn bổ sung ngoài cá. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy trong thời kỳ đầu này, dân số trên đảo tăng rất nhanh do nguồn lương thực phong phú mà các cánh rừng đem lại. Việc kiếm ăn dễ dàng cũng khiến người dân có thời gian cho các hoạt động văn hóa, bao gồm cả điêu khắc và di chuyển các pho tượng moai khổng lồ.
Theo các bằng chứng khảo cổ, phần lớn các tượng moai được tạc trong thời gian từ 1100 và chấm dứt hẳn vào khoảng năm1500 (công lịch). Các cánh rừng cọ đã biến mất vào khoảng năm 1400 (công lịch). Dân số của Rapa Nui đạt mức cao nhất vào khoảng năm 1400 (với số dân xấp xỉ 10,000 người), sau đó giảm dần tới mức chỉ còn khoảng 3000 người vào thế kỷ 18 như đã nói ở trên.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy những bằng chứng về chiến tranh và nạn ăn thịt người trong thế kỷ 16. Đây là các kết quả của các cánh rừng bị đốn trụi, không còn gỗ để đóng thuyền đánh cá, đất nông nghiệp cũng bị xói mòn còn chim muông thì cũng biến mất hết. Nền văn hóa của Rapa Nui đi vào chỗ lụn bại, còn kinh tế thì kiệt quệ trong khi dân số tụt giảm dần do nạn đói và chiến tranh.
Người Polynesian đã phạm phải sai lầm gì? Về nguyên tắc, vì rừng cọ là một nguồn tài nguyên có khả năng tự tái tạo, người Polynesian có thể sống hòa thuận với thiên nhiên mà họ có. Khi dân số tăng nhanh hơn tốc độ tăng của tài nguyên thì lượng tài nguyên thu hoạch được theo đầu người sẽ giảm, dẫn tới tốc độ tăng dân số giảm đi. Điều này lại làm giảm sức ép đối với tài nguyên và tạo cơ hội cho tài nguyên tiếp tục tái tạo. Mối quan hệ cân bằng này, về nguyên tắc, có thể làm cho đảo Phục Sinh duy trì được một quy mô dân số ổn định chứ không đi đến chỗ gần như tuyệt diệt như đã thấy trong lịch sử.
Thêm vào đó, nếu người Polynesian có thể đạt được những tiến bộ công nghệ thì họ sẽ có năng suất sản xuất tăng dần theo thời gian, điều này làm họ bớt lệ thuộc hơn vào tài nguyên. Và vì thế có thể giúp cho nền văn minh của họ phát triển và thịnh vượng.
Thế nhưng rõ ràng là không có tiến bộ khoa học kỹ thuật nào trên đảo Phục Sinh trong suốt hơn một ngàn năm. Bên cạnh đó, các rừng cọ trên đảo Phục Sinh lại thuộc loại cọ Jubea Chilensis – là loại cọ có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trên thế giới. Mỗi cây cọ này cần 40 tới 60 năm để trưởng thành (trong khi các loại cọ khác như Coconut Palm chỉ cần 7 tới 10 năm).
Theo hai kinh tế gia James Brander và Scott Taylor, tốc độ tăng trưởng quá chậm của nguồn tài nguyên tái tạo này (và việc không có tiến bộ công nghệ) đã dẫn tới chỗ các nguồn tài nguyên không thể điều chỉnh kịp với tốc độ tăng dân số và vì thế đã dẫn tới thảm họa văn minh trên đảo Phục Sinh.
Trường hợp đảo Phục Sinh là một sự thật lịch sử, vì thế nó là một bài học to lớn đối với các nền kinh tế phát triển dựa vào việc bóc lột tài nguyên, đặc biệt là các nguồn tài nguyên không thể tái tạo.
Những nước nghèo và lạc hậu như Việt Nam buộc phải dựa vào việc bóc lột tài nguyên để tăng trưởng, tuy nhiên VN phải hiểu rằng chúng ta chỉ có duy nhất một cơ hội để làm đúng. Nếu phung phí các nguồn tài nguyên không thể tái tạo vốn rất ít ỏi của dân tộc trong khi không thể đổi mới cơ cấu kinh tế và nâng cao năng suất lao động thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội duy nhất mà chúng ta có được để phát triển.
Những nhà lãnh đạo quốc gia có trọng trách ra các quyết sách về khai thác tài nguyên cần phải hiểu rằng họ đang gánh vác trách nhiệm lịch sử đối với tương lai lâu dài của cả dân tộc trong mỗi phán quyết của mình.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1