<!-- IMAGE -->
Việt Nam đang khẩn cấp cần thêm điện năng để phát triển nền kinh tế đang tăng 5% bất chấp xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu. Dự kiến nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ tăng 10% mỗi năm cho tới năm 2030, và như thế nhu cầu năng lượng còn tăng nhanh hơn đà tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và tốn kém hơn. Tại một hội nghị về phát triển năng lượng gió tổ chức ở Hà Nội vào đầu tháng 11, hầu hết đều đồng ý phải đẩy mạnh phát triển năng lượng gió, là một nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, có lợi cho môi trường tại Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, và hãy còn nhiều khó khăn phức tạp trước khi Việt Nam có điều kiện để khai thác tiềm năng điện gió, và ít nhất trong trung hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục lệ thuộc vào than. Một số chi tiết về đề tài này sẽ được Hoài Hương trình bày trong Mục Khoa Học và Đời sống tuần này, mời quý vị theo dõi.
Một cuộc nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây cho thấy Việt Nam có khả năng sản xuất hơn 500 gigawatt điện từ các trang trại gió đặt trên đất liền hoặc ngoài khơi, cao gấp 10 lần nhu cầu dự phóng của cả nước vào năm 2020. Phần lớn nguồn điện năng ấy có thể xuất phát từ năng lượng gió.
Cho tới nay, 5 tua-bin gió Fuhrlaender FL1500 mới đã được dựng lên trên một đồi cát tại tỉnh Bình Thuận. Mỗi cột cao 85m, đường kính cánh quạt 77m, công suất 1,5 megawatt, tổng trọng lượng tua-bin và cột là 255 tấn, đây là những tua-bin gió hiện đại nhất ở Việt Nam.
Theo bài tường trình của phóng viên Matt Steinglass tường trình cho hãng thông tấn DPA thì trang trại gió tại Bình Thuận là một công ty hợp doanh giữa Công ty Năng lượng Gió Fuhrlaender AG của Đức và Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Việt Nam (REVN). Hiện REVN là một trong chỉ có 2 công ty loại này đang hoạt động ở Việt Nam. Công ty thứ nhì là Trang trại Gió Phương Mai 3 đặt tại Bình Định, khai trương hồi năm 2008.
Dự kiến trong năm 2010, một số trại gió khác cũng sẽ được đưa vào hoạt động tại thành phố Đà Lạt và ở Côn Đảo. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng về phần lớn công nghệ năng lượng gió ở Việt Nam vẫn là một tiềm năng chưa thực sự được khai thác.
Nói chung, giới hữu quan Việt Nam đã có nhận thức rõ rệt về tính nghiêm trọng của mối đe dọa do hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu gây ra. Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam nằm trong số các quốc gia có phần chắc sẽ bị tác động nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, phần lớn vì các vùng đất thấp tại đồng bằng sông Mekong và sông Hồng, là những khu vực có nguy cơ bị ngập nước, nếu như các dự báo về mực nước biển dâng cao chứng tỏ là chính xác.
Với nền kinh tế 85 tỉ đôla, Việt Nam không phải là một quốc gia chủ yếu góp phần đáng kể tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngược lại, Việt Nam còn tự coi mình là một phần trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải CO2. Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ Nhiệm Uûy ban Văn hóa Giáo Dục, Thanh Thiếu Niên và Nhi Đồng của Quốc Hội, nói Việt Nam phải làm toàn trách vụ của mình nếu muốn các nước khác thi hành phần trách vụ của họ.
Tuy nhiên ở Việt Nam, không chỉ có năng lượng gió, mà Việt Nam dường như cũng không đạt được bao nhiêu tiến bộ trong các công nghệ về năng lượng tái tạo khác. Các nỗ lực bảo vệ môi sinh cũng chỉ mới bắt đầu, và trong khi nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh chóng, thì dự báo cho Việt Nam là nạn ô nhiễm sẽ trở nên tệ hại hơn và khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng trong trung hạn.
Tại một buổi hội thảo về doanh nghiệp xanh tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 9 năm nay, các chuyên gia trong nhóm hội thảo phân tích lý do cho sự trì chậm việc khởi động các dự án về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ông Oliver Massman, một chuyên gia về năng lượng nói vấn đề có thể tóm gọn trong một câu hỏi đơn giản: Ai sẽ chi tiền cho lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam?
Ông Massman và những người có mặt trong buổi hội thảo giải thích rằng chính phủ Việt Nam duy trì giá điện thấp để giúp người tiêu thụ nghèo và các doanh nghiệp xuất khẩu. Tiền điện mà người tiêu dùng trung bình phải trả chỉ có 7 cent cho mỗi kilowatt-giờ, trong khi điện xuất phát từ các tua-bin gió không thể nào bán rẻ hơn 10 cent mỗi kw-giờ, nếu muốn sinh lợi.
Chính phủ Việt Nam không có đủ ngân quỹ để tài trợ cho công nghiệp năng lượng gió hoặc các năng lượng tái tạo khác trên quy mô lớn. Thay vào đó, để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về điện năng trong 5 năm tới, Việt Nam quay lại với một giải pháp cũ, nhưng là một nguồn năng lượng đáng tin cậy, đó là than. Việt Nam dự định trước năm 2015, sẽ tăng gấp 4 lần năng lượng làm từ than.
Theo truyền thống, điện năng của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ thủy đập hoặc nước, điều đó có nghĩa là các nhà máy điện không gây nhiều ô nhiễm. Tình trạng này có phần chắc sẽ thay đổi, nếu than được dùng để đáp ứng một phần lớn hơn nhu cầu điện lực của Việt Nam, trong bối cảnh tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên đến 19% trong năm tới, và 34% trước năm 2015.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhấn mạnh rằng các nhà máy sản xuất điện năng từ than sẽ sạch hơn. Ông Ngãi nói Việt Nam sẽ mua những công nghệ hiện đại nhất.
Quả vậy, một nhà máy điện sử dụng than tại thị xã Cẩm Phả, có triển vọng trở thành một khu công nghiệp điện lớn của Việt Nam trong tương lai, đang sử dụng công nghệ mới để cải thiện tính hiệu quả và giảm khí thải. Mặc dù vậy tác động nói chung của quyết định của Việt Nam dựa nhiều hơn vào than, chắc chắn sẽ đẩy mức ô nhiễm lên cao hơn và tăng lượng khí thải ra môi trường.
Đây là một khuynh hướng không mấy tích cực cho các thành phố đông dân như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là những thành phố nơi phương tiện di chuyển phổ biến của người dân là hàng triệu chiếc mô tô chạy bằng xăng dầu. Mức độ ô nhiễm tại các khu vực đông xe cộ tại các thành phố chính của Việt Nam đôi khi cao gấp 3 lần mức độ do Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đề nghị.
Ông Trần Viết Ngãi cho biết là một số trại gió khác đang được hoạch định và Việt Nam dự trù sẽ sản xuất 1000 megawatt điện năng từ năng lượng gió trước năm 2019. Tuy nhiên ông nói thêm rằng các biện pháp khích lệ các nhà đầu tư đổ tiền vào các dự án sản xuất điện gió còn tùy thuộc vào nỗ lực hình thành một kế hoạch phức tạp cho một thị trường tự do để tạo và phân phối nhiệt điện, và chấm dứt tình trạng độc quyền phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do nhà nước điều hành.
Kế hoạch ấy đã được hoạch định từ nhiều năm nay và hiện đang dậm chân tại chỗ, vì những khác biệt giữa một bên là đề nghị của Bộ Công nghiệp và Thương mại, và một đàng là đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong khi Hà Nội thừa nhận Việt Nam cần thi hành trách nhiệm của mình để ngăn chận hệ quả của biến đổi khí hậu, giới hữu trách Việt Nam cho rằng phần trách nhiệm ấy là không mấy đáng kể.
Phóng viên Matt Steinglass kết luận rằng một trong những tàn dư của nền kinh tế kiểu Xô-viết cũ là thói quen của chính quyền làm việc theo những kế hoạch 5 năm. Chỉ tiêu hiện nay của Hà Nội là nâng cao tỷ lệ năng lượng xuất phát từ các nguồn tái tạo trước năm 2020. Chỉ tiêu ấy chỉ có 5%.