<!-- IMAGE -->
Ấn Độ cho biết họ hài lòng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vừa qua tại Copenhagen, trong đó không đề ra những mục tiêu cụ thể cho việc cắt giảm khí thải carbon. Theo tường trình của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Delhi, Ấn Độ ca ngợi lập trường thống nhất của các nước đang phát triển tại hội nghị.
Hôm nay, Bộ trưởng Môi trường, ông Jairam Ramesh nói với Quốc hội Ấn Độ rằng một đường lối được phối hợp giữa Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi đã giúp họ ngăn chặn được điều ông gọi là “những nỗ lực không ngừng” của các nước giàu muốn áp đặt những mục tiêu có tính ràng buộc pháp lý về việc cắt giảm khí thải carbon.
Ông Ramesh nói rằng Ấn Độ có thể hài lòng rằng 4 nền kinh tế đang trỗi dậy, gọi là nhóm BASIC, đã thắng thế về vấn đề này tại Copenhagen.
Ông Ramesh nói: “Đây là một thành quả vô cùng quan trọng. Không có bất kỳ một sự đề cập nào đến một công cụ mới có tính ràng buộc pháp lý bởi vì đây rõ ràng là ý đồ của nhiều nước Âu châu.”
Ông Ramesh cho biết 4 nước đang trỗi dậy đã nổi lên như một lực lượng mạnh mẽ trong các cuộc thương nghị về biến đổi khí hậu, còn tiếp tục cho đến một cuộc họp thượng đỉnh khác được tổ chức ở Mexico vào năm tới.
Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen đã định ra một cam kết hạn chế tăng nhiệt địa cầu ở mức 2 độ. Nhưng nhiều người chống tình trạng biến đổi khí hậu lấy làm thất vọng bởi vì hội nghị đã không đề ra được các mục tiêu cụ thể giúp thế giới hạ thấp nhiệt độ.
Các nước đã phát triển muốn có những cam kết cắt giảm khí thải carbon từ phía những nước như Ấn Độ và Trung Quốc phải được đặt dưới sự giám sát của quốc tế. Nhưng các nước đang phát triển đã nhấn mạnh rằng những cam kết này vẫn mang tính cách tự nguyện.
Ông Ramesh nói với Quốc hội Ấn Độ rằng thỏa thuận chung quyết ở Copenhagen bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển.
Ông bầy tỏ sự hài lòng rằng cam kết của Ấn Độ về việc cắt giảm khí thải carbon sẽ không bị đặt dưới sự kiểm chứng của quốc tế.
Ông Ramesh nói tiếp: “Các hành động nhằm cải thiện của các nước đang phát triển sẽ được đặt dưới sự đo lường trong nước, báo cáo và kiểm chứng trong nước, qua các thủ tục nội bộ của từng nước.”
Ông Ramesh bầy tỏ sự tin tưởng rằng Ấn Độ có thể không những thực hiện lời cam kết là đến năm 2020 sẽ cắt giảm khí thải carbon từ 20 đến 25% so mới mức của năm 2005, mà còn có thể làm tốt hơn thế nữa.
Ông nói rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục theo một đường lối xây dựng đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Ấn Độ nằm trong số các nước có thể bị tác động tai hại bởi nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu. Nhưng, cũng như các nước đang phát triển khác, Ấn Độ lo sợ rằng cắt giảm khí thải carbon sẽ gây trở ngại cho nền kinh tế đang tăng trưởng của họ, và nhấn mạnh rằng chính các nước giàu phải gánh chịu trách nhiệm về việc cắt giảm khí có hiệu ứng nhà kính.