<!-- IMAGE -->
Các nhân vật tranh đấu dân chủ Việt Nam cho biết: trong lúc chuẩn bị tổ chức Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chính phủ ở Hà Nội đã gia tăng sự đàn áp đối với phong trào dân chủ. Mặc dù vậy họ cũng bày tỏ lạc quan là công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ sẽ có kết quả tốt trong năm tới vì tình hình hiện nay khiến cho nhà cầm quyền “không thể không thay đổi.” Mời quí thính vị theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.
Việc giới hữu trách Việt Nam bắt giữ hàng loạt các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ cùng với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định 97 khiến Viện Nghiên cứu Phát triển IDS phải tuyên bố tự giải thể để phản đối là hai trong số rất nhiều sự kiện mà các nhà dân chủ Việt Nam nêu lên để nói về sự gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội trong năm 2009. Một số các nhà quan sát tình hình cho rằng phong trào dân chủ tại quốc gia độc đảng này trong thời gian gần đây đã chựng lại vì giới hữu trách gia tăng những hoạt động trấn áp đối lập trong lúc chuẩn bị tiến hành Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tuy nhiên, một nhân vật bất đồng chính kiến đang cư ngụ ở Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cho rằng cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng và phong phú.
Tiếng sĩ Nguyễn Thanh Giang cho biết: "[Có nhiều] mâu thuẫn giữa lãnh đạo với công nhân, giữa lãnh đạo với nông dân, giữa lãnh đạo với trí thức, với nhà báo cho nên phong trào dân chủ nổi lên thành nhiều khối rất đa dạng. Các khối này không thống nhất với nhau thành một khối thống nhất, nhưng nổi lên như những khối cận kề nhau mà ta thấy rất nhiều. Chúng ta có thể thấy những khối như thế này - khối trí thức trẻ Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, khối các bloggers, khối IDS, khối bauxite, rồi khối đảng viên Cộng Sản kỳ cựu hoài niệm lý tưởng ban đầu, khối Công giáo, khối Phật giáo, v..v…"
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà hoạt động kỳ cựu trong phong trào dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong ở Mỹ, cho rằng những vụ bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ cùng với cái chết của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người có chủ trương cải cách, đã làm cho phong trào dân chủ Việt Nam trong năm 2009 dường như bị chìm xuống. Nhưng ông nói thêm rằng đã có những dấu hiệu mới cho thấy rằng tình hình chung của cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam đã trở nên sáng sủa hơn trước.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói: "Nếu chúng ta nhìn về mặt rộng rãi hơn như chúng tôi vẫn thường đề nghị là chúng ta nhìn phong trào dân chủ trên một cái dạng “xã hội” hơn, có sự tham gia của nhiều thành phần quần chúng hơn, có những tiếng nói khác biệt với nhà cầm quyền, thì chúng ta thấy rằng năm 09 và cuối 08 đã có nhiều những cái mới. Thí dụ như phản ứng của các nhà trí thức đối với vụ khai thác bauxite hay là phản ứng của Viện Nghiên cứu Phát triển tự giải thể để phản đối quyết định của thủ tướng khi ra Nghị định 97. Đó là những dấu hiệu cho thấy một chuyện mà tôi cho là rất quan trọng – đó là sự lên tiếng, sự tham gia của giới trí thức vào phong trào đòi hỏi sự thay đổi và nói lên tiếng nói có tính cách đối trọng với nhà cầm quyền."
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng một dấu hiệu thuận lợi khác nữa cho việc lên tiếng đòi hỏi những sự thay đổi về chính trị, văn hóa và thông tin là các nhà tài trợ cho Việt Nam hồi gần đây lần đầu tiên đã lên tiếng mạnh mẽ và đồng loạt để đòi Việt Nam hủy bỏ những sự can thiệp và cấm đoán đối với những hoạt động internet.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội cũng có một nhận xét khá lạc quan. Ông cho rằng sự trấn áp của nhà cầm quyền đối với phong trào dân chủ có thể dẫn tới tình trạng thường được gọi là “cùng tắc biến, biến tắc thông.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận xét: "Để chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam tôi thiết tưởng như đang có một chiến dịch đàn áp mạnh mẽ. Như chuyện họ lục soát khám xét nhà tôi hôm 17 tháng 11 vừa rồi, rồi họ bắt Tống Văn Công làm kiểm điểm, bắt nhà văn Phạm Đình Trọng viết kiểm điểm, lôi Hà Sĩ Phu ra đấu tố, rồi họ lại bắt hàng loạt anh em tham gia viết báo Viễn Tượng, vân vân … thì thấy tình trạng đàn áp có vẻ mạnh mẽ lên và mật độ nó cao lên. Nhưng tôi cho đấy là một chủ trương sai lầm. Đấy có thể làm mầm móng để bùng phát đấu tranh dữ dội hơn và nó sẽ đẩy tình hình “cùng tắc biến, biến tắc thông”, và như vậy tạo cho con đường dân chủ hóa Việt Nam thông thoát hơn và sẽ gặt hái được những thành quả mới bất ngờ."
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng cho biết rằng ông tán đồng đề nghị mà ông Trần Lâm đưa ra hồi gần đây trên tờ Thông Luận ở Paris – đó là tách đảng Cộng Sản ra làm hai để chỉnh đốn đảng Cộng Sản đương quyền và tiến tới dân chủ đa đảng. Trước đó vào tháng 9, ông Tống Văn Công, cựu Tổng biên tập báo Người Lao động, cũng đã có một đề nghị tương tự trong một bài viết “góp ý” với Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho biết một số ý kiến như sau về khuynh hướng của những người mà ông gọi là “những người Cộng Sản tự cho mình là trong sáng và chân chính hơn”.
<!-- IMAGE -->
Ông Đoàn Viết Hoạt nói: "Tôi nghĩ khuynh hướng đó đã có trước khi ông Võ Văn Kiệt mất. Và sau khi ông ấy mất rồi, thì có sự đàn áp những người có quan hệ rất gần với ông Võ Văn Kiệt. Tôi nghĩ rằng đó là sự đàn áp tàn dư của phong trào đòi hỏi sự canh cải trong nội bộ đảng không được nên muốn tách ra để làm một lực lượng đối lập, giống như một hình thức đối lập “anh em” giữa những người của đảng Cộng Sản với nhau. Tôi nghĩ những bài viết của ông Trần Lâm cũng như của một số người khác phản ánh thực tế đó. Và tôi nghĩ thực tế đó vẫn còn và sẽ tiếp tục phát triển."
Trong lúc tỏ ý lạc quan về triển vọng lớn mạnh của cuộc vận động cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam, giáo sư Đoàn Viết Hoạt cũng đề cập tới sự lo ngại đối với điều mà nhiều người Việt Nam vẫn thường gọi là “hiểm họa phương Bắc”.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói thêm: Điều chúng ta đáng quan ngại là phản ứng của Trung quốc. Khi mà tiến trình đó đi nhanh hơn, xảy ra nhanh hơn ở Việt Nam, nhanh hơn với Trung quốc; có thể chưa chắc là Trung quốc sẽ chấp nhận. Và vì vậy yếu tố Trung quốc cũng là một yếu tố có thể làm chậm lại những cái đó ngay trong nội bộ Đảng Cộng Sản, những khuynh hướng tiến bộ, muốn dân chủ chưa chắc đã có thể phát huy mạnh mẽ được nếu Trung quốc biết và họ có thể tìm cách ngăn cản."
Thưa quí thính giả phần phát biểu vừa rồi của giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã chấm dứt tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này, nói tới một số vấn đề liên quan tới phong trào dân chủ Việt Nam trong năm 2009. Duy Ái xin kính cháo quí vị và xin hẹn gặp lại quí vị trong tiết mục tuần sau.