<!-- IMAGE -->
Trên blog này, tôi đã giới thiệu một số truyện cực ngắn của Đinh Linh, Trần Tất Đạt và Nguyễn Như Núi. Tất cả những truyện cực ngắn ấy đều chỉ có một vài câu. Chúng ngắn đến độ hầu như không thể ngắn hơn được nữa. Truyện “Biển chợ” của Trần Tiến Dũng dưới đây dài hơn một chút, nhưng cũng vẫn là truyện cực ngắn.
Đọc “Biển chợ”, tôi chợt nhớ một nhận định của nhà văn Robert Fox (1943-2005) của Mỹ. Một lần bàn về truyện cực ngắn, ông viết:
“Tôi hình dung những truyện cực ngắn như tôi hình dung những bài thơ, và tôi nhìn ra cái cấu trúc tổng thể của tác phẩm. Nhưng tôi vẫn không biết cái truyện sẽ diễn ra như thế nào cho đến lúc tôi viết chữ lên giấy. Điều thú vị nằm ở sự chặt chẽ và chính xác, và đó là những điều kiện cần thiết để làm cho một truyện cực ngắn có hiệu quả. […]
Thông thường, khi nghe tôi đọc, thính giả không thể phân biệt giữa một truyện cực ngắn và một bài thơ. Tôi biết sự dị biệt đó vì tôi đã chọn lựa hình thức cho tác phẩm một cách cẩn thận, bằng trực giác. Nhưng gần đây nhiều bài thơ văn xuôi tôi đọc được trên các tạp chí đã gây cho tôi một cảm giác tò mò thích thú, và tôi lấy làm khoái trá về sự xoá nhoà dị biệt giữa các hình thức.”
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)
Không chừng kinh nghiệm của Robert Fox có thể giúp độc giả trong việc tiếp cận truyện cực ngắn “Biển chợ” dưới đây của Trần Tiến Dũng. Xin lưu ý: Dù thỉnh thoảng viết truyện và viết báo, Trần Tiến Dũng chủ yếu là một nhà thơ. Có lẽ chỉ có nhà thơ mới có thể nhận ra được tiếng biển ho hay nghe biển hát bằng lòng bàn chân.
Riêng tôi, tôi biết ơn sự tinh tế của Trần Tiến Dũng. Tôi có thói quen đi bộ dọc theo bờ biển gần nhà. Trước, tôi đi một cách vô tâm. Mấy ngày nay, sau khi đọc cái truyện cực ngắn này do Trần Tiến Dũng gửi qua email, tôi chợt có cảm giác, cũng như ông, nghe được tiếng biển ho, và thỉnh thoảng, thấy biển đang bệnh. Dĩ nhiên, vì những nguyên nhân khác, không giống như ở Việt Nam, như những gì được Trần Tiến Dũng mô tả trong truyện.
Xin mời quý bạn đọc thưởng thức truyện cực ngắn rất thơ dưới đây của Trần Tiến Dũng. Và rất mong nhận được ý kiến của quý bạn. Về truyện ngắn này. Về thể truyện cực ngắn. Cũng như về vấn đề môi sinh ở Việt Nam.
Nguyễn Hưng Quốc
BIỂN CHỢ
Trần Tiến Dũng
Tôi rời bỏ chứng bệnh mất ngủ ở nhà trọ. Biển ở ngay trước mặt. Tôi đi ra biển với chủ định nghe biển buổi sáng hát. Từ ngày xa biển tôi không còn phân biệt được đâu là tiếng của biển đâu là giọng của hàng thuỳ dương ven bãi. Mặt trời ở phần này của biển chỉ mọc ở phía núi và chợ cũng họp mỗi ngày trên bãi cát ở một góc núi. Khi đôi chân trần của tôi chạm cát ẩm bạc, bạn có thể không tin, nhưng đúng là đứng trên bãi, dưới hàng thuỳ dương, người ta chỉ có thể nghe biển hát bằng lòng bàn chân.
Trên bãi, những cột gỗ chưa bị trùm vải bạt làm hàng quán đang đứng nghĩ ngợi. Giờ này, biển có cùng màu xám với nền trời, có vẻ như cả hai mặc lại áo quần dơ và nhầu của ngày hôm qua. Có khi biển đang bệnh!
Trong tiết tháng bảy âm, mấy bữa trước gió mùa mang mưa về vài đám rồi nín biệt. Miền Nam bước vào hạn. Trời nóng bức kinh khủng. Người người đợi mưa. Tôi bắt gặp hai người đàn ông trên bãi. Một người tập khí công, bộ pháp lạ, trong tranh sáng tranh tối ông ta giống một pháp sư đang cầu mưa. Người còn lại ngồi bẹp xuống cát, lưng tựa vào cột cây dựng dù. Tôi lại gần. Trong ánh bạc mờ của cát, ông ta xù xì như một khối đá. Tôi hỏi.
“Sao ông không động tay động chân cho khỏe?”
“Tôi bệnh, biển cũng đang bệnh!”
Ông nhìn tôi rồi nhìn ra biển. Tôi nói.
“Biển chỗ này rất sạch, ông nằm nghỉ được mà.”
“Tôi thì dễ rồi, nhưng còn biển! biết lấy đâu ra chỗ sạch cho biển nghỉ ngơi.”
Người đàn ông này không phải là dân địa phương, hẳn ông ta từ trên trời mới xuống. Tôi bỏ đi về nơi bóng tối vừa cuốn đi, để lộ xóm nhà có những bóng người chộn rộn. Biển đã lui xa, rất xa. Trơ những chân cột nhà sàn của một làng chài. Ở đây, phụ nữ dù có chồng hay chưa chồng họ đều có đứa con nít ẵm ngửa cho ruồi bu. Trong nắng gió cát mặn, họ ngồi trước cửa nhà hoặc trong quán cóc, ngồi chờ đến ngày thả những đứa trẻ trên tay xuống chơi với cát và biển.
Ai đó đã kể với tôi rằng khi miệng những đứa trẻ đủ rộng để hớp đầy những ngụm nước biển, đó là lúc đám cá khô trên giàn phơi sẽ bơi trở lại biển đêm, sẽ mang về cho họ những đứa trẻ khác. Tôi thích câu chuyện này. Có thể những con cá khô trở lại với dân chài trong hình hài những đứa trẻ gầy còm, còn bọn cá tươi lấp lánh ánh vàng, ánh bạc thì mang về cho dân giàu phố thị những đứa trẻ hồng hào bụ bẫm. Tôi bỗng nhớ những mảng màu sung mãn trong bức tranh cổ: Đứa bé cưỡi cá chép. Tôi thích nghĩ rằng mọi đứa trẻ có trên đời này đều là quà tặng của cá. Nhưng biển đâu chỉ là nơi cá sống. Tôi biết rằng khi lên tiếng gọi: Biển! Lập tức tiếng gọi đó mở cửa cho con người một nơi chốn không có sự kết thúc.
Nhưng sáng nay tôi tìm thấy sự kết thúc của biển, tôi nhìn thấy một chỗ biển khoét thủng vào nơi họp chợ, biển ở đây trở thành cái cầu tiêu khổng lồ. Nơi đây, mỗi ngày khi trời chưa kịp sáng những ông già mắt đỏ quạch, những người đàn bà không kịp cài nút áo ngực, đám trẻ sật sừ ngái ngủ. Tất cả họ lần lượt đi ra bãi biển, trong gió của nước lớn hoặc nước ròng, người lớn tụt quần hướng mặt ra biển, trẻ con không mặc quần quay mặt vào bờ. Tất cả họ ngày ngày đứng, ngồi để phóng thích những khối thừa của sự sống. Tại sao lại là biển? Sao lại nỡ chọn biển để ị? Tại sao chọn biển để thụ hưởng cảm xúc bản năng? Nếu nói theo cách một cuộc chơi, ai cũng biết biển luôn trả sòng phẳng cái phần quí giá nhất của mình cho con người. Tại sao con người trong cuộc chơi chung lâu dài với biển lại trả xuống mặt biển thơ ngây những vòi nước sủi bọt, những bãi…sần sùi như củ khoai sùng? Một cách chơi nói theo giọng con nít là ăn gian, quá ăn gian! Ăn gian đến mức tức nghẹn.
Tôi nghe hình như biển đang ho. Biển không hát nữa, biển chỉ còn lại những tràng ho bất tận.
Phải chi hôm nay trời có mưa, mưa không ngừng đến tận đêm. Nhưng trời không mưa! Màu xanh của biển tọp lại, bé dần để còn giống như ánh nhìn kêu cứu. Có khi cả ngày hôm nay mặt trời từ đường chân trời yên tĩnh chỉ lóe lên chút màu vàng nhạt rồi sau đó chuyển màu vàng cam và đột nhiên tắt ngấm. Một ngày kết thúc trong tình trạng đông cứng giống như thứ sáp của một cây nến trắng.
Trần Tiến Dũng