Cách đây 5 năm, hơn 200 ngàn người đã thiệt mạng khi một trận động đất với cường độ 9,1 đã châm ngòi cho một đợt sóng thần khủng khiếp khắp vùng Ấn Độ dương. Khu vực bị nạn nặng nhất là tỉnh Aceh miền bắc Indonesia. Trước vụ sóng thần này, Aceh đã bị cô lập đối với phần lớn thế giới vì lâm vào một cuộc nội chiến kéo dài gần 30 năm. Sau đó, sự mất mát vô hạn đã đoàn kết người dân trong cơn đạu khổ và viện trợ quốc tế đổ vào giúp cấm dứt cuộc giao tranh và tái thiết khu vực. Ngày nay, công cuộc tái thiết đã gần như hoàn tất, nhưng nhiều người sống sót sẽ không bao giờ trở lại như xưa, theo như bài tường thuật của thông tín viên VOA Brian Padden.
Tại thành phố Banda Aceh, các toán công nhân vẫn còn đang xây lại đường sá bị tàn phá vì trận sóng thần cách đây 5 năm. Nhưng phần lớn, hàng tỷ đôla trong công cuộc viện trợ tái thiết đã được chi gần hết và thành phố dường như đã trở lại bình thường.
Tàn dư của thiệt hại do cơn sóng thần gây ra đã trở thành vừa là những địa điểm thu hút du khách, vừa là những đài kỷ niệm. Các khách thăm, như ông Budi từ Đông Java, đến đây để xem một chiếc tầu lớn mà các đợt sóng đã đưa sâu vào bờ đến 4 kilomet.
Ông này nói rằng chỉ có trong tưởng tượng ông mới thấy được ngọn sóng đã làm thế nào để đẩy con tầu to lớn như thế này.
Những người khác, như ông Khadijah từ thành phố Medan, đi thăm đống đổ nát của một bệnh viện và một ngôi mồ tập thể để suy tưởng về thảm họa.
Ông Khadijah nói rằng làm gì đi nữa thì vẫn có một sức mạnh vượt quá con người.
Vụ sóng thần đã làm hơn 160 ngàn người tử nạn tại tỉnh Aceh của Indonesia.
Nhưng sự tàn phá và viện trợ quốc tế ồ ạt sau tai nạn đã giúp phiến quân ly khai và chính phủ Indonesia hòa giải những bất đồng. Trong vòng 1 năm sau vụ sóng thần, cuộc nội cheín bắt đầu năm 1976 đã kết thúc. Đó là một nền hòa bình mong manh nhưng vẫn đứng vững, có lẽ một phần nhờ nhiều người sống sót sau cơn sóng thần đã trở nên hòa dịu vì nỗi đau đớn và trở nên khiêm nhường trước sức mạnh tàn phá mà họ đã chứng kiến.
Tuy anh Adi Satria 17 tuổi có vẻ sung sướng và vô tư khi chơi đá banh với bạn bè, nhưng khi được hỏi về vụ sóng thần, thì anh bỗng dưng trở nên dè dặt.
Anh nói rằng gợi nhớ những hình ảnh cũ làm anh cảm thấy rất đau lòng, bởi vì anh đã mất đi nhiều người bạn thân thiết.
Viện bảo tàng sóng thần ở Banda Acheh muốn mọi người nhớ lại một phần để có thể đương đầu với sự mất mát đó. Một bức tranh mô tả những người dân làng kinh hoàng tìm cách chạy trống một đợt sóng khổng lồ. Một bức tranh khác cho thấy một người mẹ đau khổ nhìn sóng thần cuốn trôi đứa con nhỏ của mình.
Người phụ trách viện bảo tàng Merwan Yusuf nói rằng nhiều họa sĩ chính là nạn nhân sóng thần.
Ông nói họ vẽ bằng cảm xúc, trong mỗi bức tranh đều có cảm xúc đó.
Busriadi là một ngư phủ cố gắng chạy đến chỗ an toàn khi những đợt sóng cuốn và đẩy ông ta sâu vào đất liền tới 7 kilomet.
Ông Busriadi nói thực là một phép lạ của Thượng Đế đã giúp ông sống sót.
Cũng như nhiều người ở quốc gia đa số theo hồi giáo này, ông tin rằng việc ông sống sót, cũng như cái chết và sự tàn phá do cơn sóng thần gây ra, là ý muốn của Thượng Đế, và cách thức mọi người ứng phó là một trắc nghiệm của Thượng Đế.
Bà Rita Muthia nói rằng bà cũng nhờ phép lạ mà thoát nạn. Trong khi hết đợt sóng này đến đợt sóng khác tràn qua khu của bà, bà đã leo lên mái nhà. Từ đó bà có thể nhìn thấy đợt sóng tiếp theo kéo đến và biết rằng đợt sóng này sẽ cuốn bà đi.
Bà kể rằng bà đã không nghĩ đó là ngày tận thế mà chỉ cho là mình sắp chết.
Nhưng rồi một chiếc thuyền đánh cá bỏ trống đã trôi vào khu của bà. Bà và những người hàng xóm khác đã leo lên được chiếc thuyền trước khi đợt sóng kế tràn vào.
Bà Muthia nói rằng trong khi nhiều người mất mạng, thì nhiều người khác đã sống sót sau cơn sóng thần nhưng họ sẽ không còn coi sự sống là lẽ tự nhiên nữa.
<!-- IMAGE -->
Đọc nhiều nhất
1