Viết văn để ai đọc cũng hiểu và cũng thích là một cái thú: Cái thú phục vụ. Viết văn để chỉ có một ít người đọc tương đối ưu tú hiểu và thích là một cái thú khác: Cái thú chinh phục. Viết văn, viết thật rõ ràng, trong sáng và mạch lạc, để ngay cả những người đọc nghiêm túc và được trang bị đầy đủ nhất cũng không hiểu và không thích là một cái thú khác nữa: Cái thú thách thức.
Đằng nào thì cũng là thú. Mỗi người có thể có cái thú khác nhau. Tuỳ tạng, tuỳ trình độ và tuỳ gu. Trong từng người, cái thú cũng có thể thay đổi tuỳ theo tuổi tác.
Cũng như cái thú đọc sách.
Hồi nhỏ, đọc sách tôi dễ dàng say mê tất cả những gì mới lạ. Những cái mới lạ ấy khiến việc đọc sách giống như việc tham gia những cuộc phiêu lưu bất tận. Nội dung cuốn sách càng lạ, cuộc phiêu lưu lại càng ly kỳ. Và càng hấp dẫn.
Sau, quan tâm nhiều đến kinh nghiệm và ý tưởng, nhắm đến việc củng cố lại vốn kiến thức mình đã gom góp, tôi sung sướng mỗi lần bắt gặp những tâm hồn đồng điệu từ các trang sách. Mỗi lần gặp được cái gì quen thuộc, tôi mừng húm: Nó làm cho tôi tự tin hơn. Và thấy thế giới gần gũi và ấm áp hơn.
Nhưng càng đọc nhiều sách, tôi càng tìm thấy cái thú ở chỗ khác: Những gì mình chưa biết. Cái chưa biết ấy có thể ở phạm vi kiến thức. Nhưng tôi thích nhất những cái chưa biết thuộc phạm trù thẩm mỹ, những tác phẩm thách thức lại kinh nghiệm thẩm mỹ của mình; những cuốn sách vượt ra ngoài cái định nghĩa về văn học mà tôi đã có cũng như đang có.
Cứ mỗi lần cầm cuốn sách nào lên mà đọc vài ba trang vẫn không hiểu gì cả, tôi bỗng mừng, nhủ thầm: Chưa biết nó hay hay dở thế nào, ít nhất nó cũng đáng đọc!
Đáng đọc vì chỉ những tác phẩm như thế mới làm cho mình giàu hơn mà thôi.
Đọc nhiều nhất
1