Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á với 10 thành viên đánh dấu 1 năm ngày ký hiến chương ASEAN. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Sara Schonhardt ghi nhận chi tiết về hướng đi trong tương lai của tổ chức khu vực này trong bài tường trình sau đây.
Thành lập cách đây 4 thập niên như một tổ chức kinh tế trong khu vực, ASEAN đã phê chuẩn hiến chương của nhóm hồi tháng 12 năm ngoái trong một nỗ lực bành trướng ảnh hưởng của mình trong các vấn đề của châu Á và toàn cầu.
Phần lớn năm vừa qua đã được dành để chọn những người đại diện và thành lập các ủy ban, như cơ quan nhân quyền, gây tranh cãi vì thiếu khả năng áp đặt các biện pháp chế tài đối với các thành viên như Miến Điện.
Tại một diễn đàn ở Jakarta hôm nay đánh dấu kỷ niệm 1 năm ngày ký hiến chương, ông Musa Hitam, một nhà ngoại giao của Malaysia nói rằng các thành tựu của tổ chức rất to lớn.
Ông Hitam nói: “Quý vị có thể mường tượng một tổ chức khởi đầu mà không có luật lệ và quy định nào, mà vẫn sống còn trong 40 năm? Nếu nhìn vào khía cạnh đó, ta sẽ tán dương tiến trình hòa nhập khu vực đó là một tiến trình nhiều thử thách nhất trong lịch sử đương đại của thế giới.
Hiến chương lập ra 3 cộng đồng để đối phó với các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh, cũng như văn hóa và xã hội.
Các nhà ngoại giao của ASEAN cho rằng mục tiêu đạt được một thị trường duy nhất đang đi đúng hướng, với việc ký kết các hiệp định mậu dịch tự do với Australia và New Zealand, và những cuộc đàm phán đang xúc tiến về các thỏa thuận với Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Triều Tiên.
Các vị đại sứu tại diễn đàn hôm nay đã đề cập đến nhu cầu có sự thông cảm tốt hơn trong vùng về các hoạt động trao đổi giáo dục, đối thoại giữa các tôn giáo và các thỏa thuận tạo dễ dàng cho việc đi lại xuyên biên giới.
Nhưng việc hòa nhập 10 quốc gia với các nền văn hóa, các tôn giáo, các hệ thống chính trị khác nhau đem lại những thách thức to lớn, nhất là bởi vì các thành viên ASEAN thường tránh can thiệp vào nội bộ của nhau.
Đây là một vấn đề đặc biệt gây khó khăn bởi vì các thành viên khác trong ASEAN tìm cách thuyết phục Miến Điện, còn gọi là Myanmar, cho phép dân chúng được hưởng nhiều quyền tự do chính trị và kinh tế hơn.
Ông Rosario Gonzales Manalo, đại sứ của Philippines tại ASEAN, cho biết: “Chúng tôi không can thiệp vào nội bộ của nhau nhưng điều đó không có nghĩa là các vị ngoại trưởng và nguyên thủ quốc gia của chúng tôi không thuyết phục một cách trầm tĩnh, bàn về việc đối thoại với chính quyền Myanmar. Và họ sẽ không công khai thông báo là chúng tôi đã nói chuyện với Myanmar và cho biết những gì sẽ được thực hiện. Họ sẽ không bao giờ làm như thế trong khuôn khổ ASEAN.”
Một số người chỉ trích cho rằng hiến chương ASEAN đã không giải quyết được những vấn đề các thành viên xử lý ra sao về những vụ xung đột ngoại giao và các mối căng thẳng cũ về chính trị. Nhưng các vị đại sứ dự họp hôm nay nói rằng ASEAN đã đạt được các thành tích, đã thu hút được sự chú ý của quốc tế, ngay dưới bóng của các lân bang khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Và hiến chương của ASEAN bảo đảm cho tương lai của tổ chức này.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1