<!-- IMAGE -->
Hai giới chức quân sự cấp cao nhất của Hoa Kỳ và Việt Nam đã thảo luận kín vào chiều thứ Ba tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nhưng không tổ chức họp báo chung sau buổi hội kiến.
Cùng ngày, ông Thanh cũng đã thảo luận với Thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Webb, hiện là Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại về vấn đề Đông Á của Thượng viện Hoa Kỳ, và Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain – thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Giáo sư Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm) từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii, nhận định rằng chuyến thăm của ông Thanh là một ‘dấu mốc mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ’.
<!-- IMAGE -->
Ông Lâm nói: 'Chuyến thăm đánh dấu một mốc khá quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ giữa quân đội hai nước. Chuyến công du hoàn toàn nằm trong một đường lối chiến lược của Việt Nam trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, tức là mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ, và thời gian khác nhau mà Việt Nam có bước đi khác nhau. Chuyến thăm của ông Bộ trưởng sang Mỹ tôi nghĩ nên đặt trong bối cảnh liên quan tới các vấn đề an ninh, quân sự, cán cân lực lượng ở khu vực Đông Nam Á cũng như tình hình ở biển Đông đã có thay đổi, có những diễn biến mới'.
Trước đó, hôm 11/12, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã tới một căn cứ hải quân và lên thăm một tàu ngầm tấn công USS Jacksonville của Hoa Kỳ ở Hawaii. Thông cáo của Hải quân Hoa Kỳ nói rằng Mỹ và Việt Nam ‘ngày càng tăng cường hợp tác trong một loạt các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình; cứu trợ nhân đạo; tìm kiếm cứu nạn; an ninh biển và biên giới’.
Giáo sư Vũ Hồng Lâm cho rằng chặng dừng chân ở Hawaii của ông Thanh cho thấy ‘mối quan tâm về vũ khí’ của Việt Nam: 'Chuyến thăm này có một điểm đặc biệt là ông Phùng Quang Thanh không đến thẳng Washington, mà trước khi đến đó, ông dừng lại ở Hawaii ba ngày để đi thăm bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - tức là bộ tư lệnh có trách nhiệm đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông thăm cơ sở của hải quân và không quân cụ thể như đến xem tầu ngầm và máy bay. Điều đó cũng nói lên phần nào là phía Việt Nam có thể cũng quan tâm đến vấn đề mua vũ khí của Mỹ'.
Đây là lần thứ hai một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995. Vào năm 2003, vị Bộ trưởng lúc đó là Phạm Văn Trà đã có chuyến công du sang Washington.
Chuyến đi lần này của ông Thanh tới Hoa Kỳ được các nhà quan sát đánh giá là một thời điểm tốt khi Việt Nam đang tìm cách tranh thủ sự ủng hộ quốc tế nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Trong buổi công bố Sách trắng quốc phòng mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh từng bày tỏ quan ngại về tình hình ở khu vực biển Đông, nhưng ông cho rằng căng thẳng đó sẽ không dẫn tới xung đột vũ trang.
Giáo sư Vũ Hồng Lâm cho rằng chuyến công du Hoa Kỳ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ‘sẽ gửi đi một thông điệp đến Trung Quốc’. Nhà phân tích này nói: 'Người Việt Nam chắc chắn cũng phải nghĩ tới chuyện là một chuyến đi như vậy sẽ phát đi tín hiệu như thế nào đối với Trung Quốc. Chính vì thế mà người ta đã phải chuẩn bị nhiều, và đã có nhiều dự định cho một thời điểm sớm hơn, nhưng lại bị dời lại cho tới tận bây giờ, vì theo tôi, phía Việt Nam cũng ngần ngại rằng chuyến đi phát đi tín hiệu không tốt, khiến cho phía Trung Quốc khó chịu và sẽ có phản ứng không tốt cho phía Việt Nam'.
<!-- IMAGE -->
Ông Lâm nhận định thêm: 'Thế nên, Việt Nam cũng phải cẩn trọng trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ. Ngược lại, phía Trung Quốc chắc chắn quan tâm theo dõi chuyến đi này để xem giữa Việt Nam với Mỹ có những hành động gì và điều đó ảnh hưởng gì tới mục đích, và ý đồ của họ ở trong khu vực. Họ (Trung Quốc) không thể nào tin tưởng là Việt Nam sẽ đi theo phía họ, và Việt Nam cũng sẽ có hành động thủ thế cho mình. Trung Quốc có lẽ cũng sẽ gây áp lực nhất định để cản trở Việt Nam gia tăng quan hệ với những nước mà Trung Quốc biết là không chia sẻ lợi ích chiến lược với mình, đặc biệt là tại khu vực biển Đông'.
Các giới chức Hoa Kỳ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, từng phát biểu rằng sự gia tăng quân sự của Trung Quốc đe dọa tới sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Quan hệ quân sự Việt – Mỹ đã gia tăng trong những năm gần đây, với nhiều chuyến thăm của các tàu hải quân Hoa Kỳ tới Việt Nam, mà mới nhất là chuyến cập cảng Đà Nẵng hồi tháng Sáu của một tàu khu trục do một người Mỹ gốc Việt chỉ huy.
Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu cuộc đối thoại chiến lược về chính trị và quốc phòng thường niên đầu tiên – một chỉ dấu được các nhà quan sát cho rằng Hà Nội sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ quân sự song phương với Washington.
Quân đội hai nước cũng đã hợp tác trong vấn đề tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tin cho hay, sau cuộc gặp với ông Gates, ông Thanh sẽ bay sang Pháp và hội đàm với các giới chức quân sự nước này, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Herve Morin.