Đường dẫn truy cập

Vụ PCI chưa yên, lại vụ RBA


<!-- IMAGE -->

Vụ PCI là vụ án kinh tế lớn đầu tiên ở Việt nam liên quan đến tư bản nước ngoài.

PCI là Pacific Consultant Institute - Viện Tư vấn Thái Bình Dương, một tổ chức kinh tế Nhật Bản chuyên môi giới cho các nhà tư bản Nhật làm ăn tại các nước châu Á.

Vụ án PCI nổ ra vào tháng 7-2008, khi báo chí Nhật đưa tin tòa án ở Tokyo đã truy tố 4 viên chức cấp cao Nhật Bản, đứng đầu là ông Massayoshi Taga, Chủ tịch PCI, cùng 2 đại diện PCI ở Việt Nam, về tội đưa hối lộ cho các viên chức Việt Nam, số tiền đút lót là 2 triệu đôla Mỹ, trong đó 80 vạn đôla đã có bằng chứng đầy đủ.

Phía Nhật Bản rất tích cực phá án, vì công luận Nhật rất bất bình khi các bị cáo mang tiền tươi trong nước đi biếu xén người nước ngoài, vi phạm đạo luật hiện hành nghiêm trị nạn tham nhũng.

Cơ quan PCI và nhà riêng của họ liền bị khám xét, lục soát, tài liệu bị tịch thu, các cuộc hỏi cung được tiến hành, đối chiếu, xác minh; chỉ trong 2 tháng, 4 cán bộ cao cấp bị bắt giam và sau đó bị xử án và tuyên án, với số tiền nộp phạt gần 1 triệu đôla.

Từ khi vụ án được đưa ra ánh sáng, phía Nhật Bản thường xuyên liên lạc với phía Việt Nam, thông báo liên tiếp tiến trình điều tra, còn phái viên chức bộ tư pháp Nhật Bản sang tận Hà Nội, chuyển giao nhiều tập hồ sơ, tất cả 3.050 trang, yêu cầu phía Việt Nam hợp tác.

Phía Việt Nam rất lịch sự tiếp nhận các phái viên và tài liệu của phía Nhật Bản, hứa hẹn "tích cực hợp tác", còn tuyên bố với nhà báo Nhật rằng chính phủ Việt Nam rất « tích cực », « khẩn trương chống tham nhũng, "có « ý chí cao trừng trị tham nhũng đúng người, đúng tội", rằng "tội xác minh đến đâu là xử phạt đến đấy. »

Nhưng...thật ra, các nhà báo Nhật Bản ở Hà Nội đến nay vẫn còn chờ xem Hà Nội "hành động ra sao" trong vụ này. Mới đây, ngay đại sứ Nhật ở Hà Nội, sau khi cho biết trong năm 2010 tới Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam một số tiền viện trợ phát triển ODA lên đến 1 tỷ 5 đôla, vẫn nhắc khéo rằng: "Chính phủ và dư luận Nhật vẫn chờ xem chính phủ Việt Nam hành động về vụ PCI ". Một lời nhắc không thể bỏ qua.

Xử lý vụ án PCI vẫn còn là món nợ lớn của Hà Nội đối với cả nước Nhật.

Vì đến nay, chính phủ Việt Nam có thể nói là chưa làm gì cả đối với vụ án lớn này, ngoài những lời nói, lời tuyên bố, hứa hẹn.

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, người phía Nhật Bản cho biết là đã nhận hối lộ hơn 80 vạn đô la theo thú nhận đầy đủ của 4 bị cáo người Nhật - và 4 bị cáo này đã bị toà án Nhật Bản kết tội và tuyên án - thì ông Sỹ chưa hề bị khởi tố hay xét hỏi gì về vụ án PCI cả.

Đây là chuyện kỳ lạ, không thể hiểu nổi cho người Nhật, và cho cả người dân Việt Nam.

Ông Sỹ quả thật đang ở trong tù, nhưng chỉ bị khởi tố và tuyên án 3 năm tù về một tội danh khác, "lợi dụng chức vụ để tham nhũng", cho thuê nhà công lấy tiền chia nhau. Phải chăng đây là mưu đồ đánh tráo tội danh, để trấn an dư luận Nhật Bản rằng dù sao ông Sỹ đang nằm trong tù rồi.

Giới luật sư Sài Gòn mỉa mai: "Nếu quả vậy thì phúc nhà ông Sỹ to quá!".

Tại phiên họp Quốc hội ở Hà Nội vừa qua, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được trả lời qua loa: sẽ quan tâm. Ông bộ trưởng công an Lê Hồng Anh trả lời nước đôi: " Vụ án này có thể có cơ sở ". Ông bộ trưởng tư pháp Hà Hùng Cường còn tránh né: "Ta và Nhật Bản chưa có hiệp định hợp tác về tư pháp". Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết "toàn bộ hồ sơ PCI do phía Nhật Bản cung cấp đã dịch xong, để có thể xem xét vụ nghi án này".

Mạng Bauxitevietnam.info của trí thức nêu vướng mắc: Hơn 3 ngàn trang sao lại dịch với tốc độ rùa bò 11 trang một ngày? Sao lại kêu là tiền thuê dịch quá đắt?

Nếu quả có ý chí chống tham nhũng, có tinh thần khẩn trương phá án thì thuê dịch chỉ một tuần là xong. Quỹ của bộ tư pháp đâu có nghèo đến vậy!

Phía Nhật đã cho các vị cầm quyền và ngành tư pháp Việt Nam một tấm gương, một hành động mẫu mực về khẩn trương, về ý chí chống tham nhũng.

Món nợ PCI của chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, tổng thanh tra chính phủ với phía Nhật Bản,với quốc hội, với các nhà báo và nhân dân ta sẽ được giải quyết ra sao ?

Sao họ khẩn cấp bắt luật sư Lê Công Định, khẩn trương khám nhà luật sư Nguyễn Văn Đài, có ý chí trừng trị cô Phạm Thanh Nghiên - những người đòi quyền sống tự do cho toàn dân, lên án bọn lấn đất, lấn biển, cướp đảo của ta -, họ lại dễ dãi, rộng lượng, ỡm ờ đến vậy với kẻ sâu mọt cỡ lớn ? - Nền tư pháp 2 tốc độ đó.

Vụ PCI còn dây dưa rắc rối thì một vụ lớn hơn nhiều xuất hiện, được gọi là vụ án RBA. RBA là tên gọi của Ngân hàng Dự trữ Úc - Reserve Bank of Australia. RBA có một công ty phụ thuộc là Securency chuyên in tiền bằng giấy polymer, từng in tiền cho 28 nước, như Malaysia, Brazil, Nigeria, Việt Nam...

Theo báo Úc "The Age", ngành công an - cảnh sát Úc vừa phát hiện một vụ Securency hối lộ cho một quan chức Việt Nam số tiền lớn, lên đến 12 triệu đôla Úc, vào năm 2007 (1 đôla Úc = 14.000 đồng VN, hay 0,80 đôla Mỹ). Ngay sau đó cảnh sát ập vào khám xét nhà ông Hylas Curtis Tổng giám đốc Securency và nhà ông John Ellery, thư ký của Tổng giám đốc, và 2 ông này liền bị khởi tố về tội đưa hối lộ lớn cho người nước ngoài.

Vụ này làm chấn động dư luận Úc, châu Á và toàn thế giới. Vì đây là vụ án lớn nhất, chưa từng có ở Úc, về số tiền đút lót, gần 10 triệu đôla Mỹ. Luật ở Úc coi hối lộ người nước ngoài là một trường hợp tăng nặng, nhất là lấy từ quỹ dự trữ liên bang, của người dân đóng thuế. Thêm nữa, Cơ quan Điều tra Gian lận Quốc tế của nước Anh cũng vào cuộc theo hợp đồng, bởi vì Securency có văn phòng đại diện đóng ở London. Điều này làm cho vụ án thêm tai tiếng.

Theo thông báo của phía Úc, người nhận 12 triệu đôla Úc là Lương Ngọc Anh, từng du học ở Úc, rất thân với toà đại sứ Việt Nam, hiện là cán bộ ngành công an, là trung gian mối lái để đưa đút lót cho Lê Đức Minh, giám đốc một công ty con trong CFTD - Công ty Phát triển Công nghệ-, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, do ông Lê Đức Thúy làm Tổng giám đốc hồi ấy. Nay ông Thúy đã về hưu.

Lương Ngọc Anh, Lê Đức Minh, Lê Đức Thuý đều là những nhân vật có vai vế, có thần thế trong chế độ, thuộc các phe nhóm lợi ích loại bự nhất, có những quan hệ chặt chẽ với những nhân vật thượng đỉnh, do đó vụ án RBA, còn gọi là vụ án Securency, đang làm bối rối to giới cầm quyền, Bộ Chính trị ở trên chóp bu.

Đúng vào lúc đảng CS chuẩn bị cho Đại hội XI, những thử thách nghiêm trọng ập đến, xoay xở ra sao đây? PCI và RBA đang là 2 liều thuốc thử tính lương thiện, tính trung thực, tính chính đáng cầm quyền của 15 nhân vật trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG