Đường dẫn truy cập

Chuyên gia Đinh Xuân Quân và diễn văn của TT Obama


Sau bài diễn văn của Tổng thống Obama đọc tại trường Võ bị West Point tối thứ Ba, chúng tôi đã tiếp xúc với chuyên gia Đinh Xuân Quân, một người từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Karzai nhiệm kỳ đầu, qua chương trình của World Bank để giúp cải tổ hành chính. Sau đây là ý kiến của ông về một số điểm trong bài diễn văn mà chúng tôi nêu lên: đó là thời hạn 18 tháng mà Tổng thống Obama đưa ra và lời tuyên bố của Tổng thống: Afghanistan sẽ không phải là Việt Nam. Mời quý vị theo dõi các chi tiết sau đây qua bài viết của Lan Phương.

Afghanistan, với một diện tích rộng hơn nước Pháp và gấp đôi nước Việt Nam, đầy núi non hiệm trở, khi Hoa Kỳ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan năm 2001 để đánh đuổi Taliban và al-Qaida, lực lượng Tây phương lúc đó chỉ có 8 ngàn quân. Tuy thua nhưng dần dần Taliban đã trỗi dậy vì sự lơ là của Hoa Kỳ, khi nước này phát động cuộc chiến Iraq năm 2003 và chú ý nhiều hơn đến tình hình Iraq.

Mãi cho đến năm 2005, 2006, vì sự lắng dịu tại Iraq quân đội NATO và Hoa Kỳ mới được tăng dần lên tới con số 68 ngàn. Hiện giờ quân số Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan vào khoảng 100 ngàn. Chuyên gia Đinh Xuân Quân đưa ý kiến về tuyên bố của Tổng thống Obama sẽ gửi thêm 30 ngàn binh sỹ đến Afghanistan.

Ông Quân nói: "Mặc dù có 100 ngàn quân tại Afghanistan, đây cũng chỉ là con số rất nhỏ, vì xứ Afghanistan rất lớn. Tuy nhiên chúng ta nên để ý là trong quân đội, thường thì 3 người ở hậu phương mới có một người chiến đấu, do đó binh sỹ chiến đấu rất ít. Khi Tổng thống Obama nói là ông đặc biệt gửi 30 ngàn quân chiến đấu, đó là chuyện quan trọng làm người ta chú ý; như thế có thể nói rằng 30 ngàn quân chiến đấu tức là tăng gấp đôi lực lượng chiến đấu tại Afghanistan. Đây là chuyện rất rõ ràng trong quyết tâm của chính phủ Hoa Kỳ và đồng minh NATO để giải quyết cho nhanh chóng."

Thời hạn 18 tháng mà Tổng thống Obama đưa ra để chính quyền Afghanistan phải chỉnh đốn hầu có thể giữ vững lãnh thổ là một công việc thiên nan vạn nan khi Tổng thống Karzai phải đối phó với nhiều khó khăn, thứ nhất là quân sự.

Ông Quân cho biết: "Quân đội Afghanistan mới được tái xây dựng vào năm 2002, và lúc đó họ chỉ nhắm là có 40 ngàn người thôi. 40 ngàn người thì chưa đủ để rải khắp Afghanistan, do đó đã có nhiều cố gắng của đồng minh NATO và Hoa Kỳ để đào tạo quân đội Afghanistan. Nhưng ta cũng phải để ý là Afghanistan có 4 bộ lạc chính là người Pashtun thân Taliban, sau đó là người Tadjiks, người Hazaras và người Ouzbeks và nhiều bộ tộc nhỏ khác. Trong bối cảnh này, điều đầu tiên người ta để ý là đa số quân đội Afgahsnitan ít học, không biết đọc, biết viết ; đào tạo một quân đội ít học rất là khó."

Cái khó thứ hai là về mặt hành chính, cai trị, ông cho biết tiếp:

"Cái thứ hai là phải có sự hiện diện của chính phủ trên khắp Afghanistan về phương diện hành chính; phải có một đội ngũ xây dựng nông thôn, dù muốn hay không chính phủ Afghanistan phải có mặt trên khắp lãnh thổ và phải cung cấp dịch vụ cho dân từ vấn đề điện nước, đường xá, công ăn việc làm, phát triển nông thôn, thì dân mới tin tưởng vào chính phủ trung ương được, chưa kể vấn đề tham nhũng. Đó là hai điều khó khăn nhất cho chính phủ Karzai.

Quốc gia Afghanistan là tập hợp của nhiều bộ lạc, họ không có một tinh thần quốc gia, họ chỉ có tinh thần đứng dậy chống ngoại xâm mà thôi chứ không có một tổ chức hành chính hay chính phủ trung ương có thể chi phối và quản lý tất cả mọi nơi ở Afghanistan. Đó là những yếu kém mà chính phủ Karzai phải giải quyết.

Nói tóm lại quân đội Afghanistan phải tăng lên và đào tạo nhiều hơn, cái thứ hai phải có một đội ngũ hành chính, xây dựng nông thôn tại mọi nơi, và thứ ba là phải triệt được tham nhũng. Tham nhũng đi song song với vấn đề ma túy. Hai tỉnh Kandahar và Helmand là nơi sản xuất 90% ma túy (thuốc phiện) trên thế giới."

Afghanistan đã bị hạn hán đến 7 năm nay, nông gia phải trồng trọt để kiếm sống, mà thứ cây dễ trồng nhất trong thời tiết khô hạn là cây thẩu; đã vậy, vì chính quyền trung ương không đủ mạnh, các sứ quân có thế lực thường vẫn can dự vào việc sản xuất thuốc phiện và thông đồng với các viên chức chính phủ bằng tham nhũng để thủ lợi. Và nạn tham tham nhũng cứ thế mà lan tràn mạnh. LHQ đã cố gắng nhiều trong việc giúp nông dân trồng các loại nông phẩm khác như lúa mỳ và trái cây chẳng hạn.

Tổng thống Obama nói rằng Afghanistan sẽ không phải là VN. Chuyên gia Đinh Xuân Quân nêu ra những khác biệt để hậu thuẫn cho tuyên bố của Tổng thống Obama.

Ông Quân nhận xét: "Tôi thấy khác biệt rất nhiều. Đầu tiên, cuộc chiến tại Việt Nam là cuộc chiến giữa phe Quốc gia và phe Cộng sản. Phe Cộng sản được khối cộng sản từ Liên Xô tới Trung Quốc, Ba Lan v..v.. giúp họ. Họ được cả một khối rất lớn viện trợ và guồng máy tuyên truyền của họ rất là mạnh, thông tin bị khép kín.

Cái thứ hai là những trận chiến ở Việt Nam ở tầm cỡ sư đoàn, quân đoàn; miền bắc, nhờ khối Cộng sản hỗ trợ, nên nó đã làm thay đổi cán cân trong cuộc chiến. Trong khi tại Afghanistan thì đây là trường hợp ngược lại, đó là một xứ Hồi giáo cực đoan, chỉ có một số cá nhân, một số hội của Hồi giáo cực đoan gửi tiền giúp, chứ không phải là các quốc gia ủng hộ họ."

Cũng theo chuyên gia Đinh Xuân Quân, trình độ dân trí của người Afghanistan còn thấp kém, chậm tiến, quốc gia này giống như đang trong thời trung cổ.

Theo chuyên gia này, cái khó nhất của Tổng thống Obama khi ông đề ra thời hạn 18 tháng, thì vấn đề quân sự, an ninh may ra có thể đạt được mục tiêu nhưng còn về tái thiết, xây dựng chính phủ thì 18 tháng là quá ngắn. Tuy nhiên đây là bước đầu, nếu thành công thì về sau sẽ dễ dàng hơn.

Điểm chính mà chuyên gia này nhận xét qua bài diễn văn của Tổng thống Obama là: lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ có một chính sách rõ ràng đối với Afghanistan. Trước đây toàn là chính sách vá víu và Hoa Kỳ đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để bình định, tái thiết nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG