Chúng ta đang bước sang tháng cuối cùng của năm nay. Năm 2009 ghi dấu nhiều sự kiện đáng chú ý. Trong số này phải kể đến những trận thiên tai lớn liên tiếp đổ vào Việt Nam, mà gần đây nhất là cơn bão Mirinae (bão số 11) ập vào miền Trung mới tháng trứơc. Trận bão đi qua để lại cho cư dân miền Trung những hậu quả, những nỗi kinh hoàng, và sự mất mát khó diễn đạt hết bằng lời. Hàng trăm người thiệt mạng. Hàng trăm người bị thương. Hàng ngàn nhà cửa bị phá hủy. Đất đai mùa màng hư hại nghiêm trọng. Bao nhiêu gia đình chỉ trong phút chốc lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Một tháng sau bão, người dân ở đây vẫn chưa nguôi ngoai trước nỗi đau này. Trận thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của tất cả cư dân địa phương, trong số này có nhiều người trẻ.
Tạp Chí Thanh Niên hôm nay mời quý vị cùng gặp gỡ và chia sẻ tâm tình của một số thanh niên ở những vùng bị bão hoành hành là Phú Yên, Đà Nẵng, và Huế.
Tại Đà Nẵng
Tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, chúng tôi gặp ba bạn trẻ trong độ tuổi đôi mươi tên Hoàng, Hiếu, và Hồng. Khi được hỏi thăm về trận bão số 11 vừa qua, Hồng cho biết:
“Cơn bão này Đà Nẵng bị thiệt hại rất nặng. Tôn nhà người ta, cây cối bay hết trơn. Đường sá không đi được. Cứu trợ ở đâu chứ ở Đà Nẵng không thấy có. Bây giờ người ta chỉ sống tạm bợ qua ngày. Cơn bão vừa rồi qua, thiệt hại rất lớn.”
Hoàng thuật lại những gì bạn đã tận mắt chứng khiến khi cơn bão ập tới:
“Nhiều người chết. Tôn lợp che nhà bay lung tung. Nhiều người lên chằn tôn cũng bị chết. Nước lên, nhà sập hết. Cũng có nhiều nhà khổ quá không có ăn. Có nhà kia có hai anh thanh niên lên chằn tôn mái nhà. Một người bị tôn chém đứt đầu. Một ngừơi bị bão thổi bay đi luôn. Hai anh em chết hết.”
Mô tả về những hoàn cảnh thương tâm trong trận thiên tai, Hiếu kể lại:
"Những đứa bé đứa bị thương, đứa bị đuối, thấy tội lắm. Một buổi chiều mình đang đi trên đường, bỗng thấy một đứa bé bị rớt xuống nứơc. Nó la lớn lắm. Lúc đó mình cách nó chừng 5-6 mét. Mình bơi lại cứu nó. Lúc đó nó ngáp ngáp tội lắm.”
Các bạn nói rằng dù bão đã qua, nhưng mọi sinh hoạt và cảnh vật tại khu vực các bạn sinh sống hiện còn rất hỗn độn vì đồ đạc, nhà cửa đã bị bão cuốn phăng đi hết.
Hoàng nói về cuộc sống của bạn hiện nay:
“Cũng ở tạm bợ thôi, nhà sập hết mà giờ thì cũng khó khăn vì bị thiệt hại nặng quá. Cơm thì bữa có bữa không, bữa rau bữa mắm qua ngày. Công ăn việc làm cũng khó khăn. Thiệt hại thì ai cũng giống nhau, nhưng những vùng quê xa Đà Nẵng vài chục cây thì được ưu tiên giúp đỡ.”
Hoàng vốn là một công nhân làm việc cho một cơ sở chuyên về sơn. Từ sau bão, Hoàng bị mất việc vì mưa bão thế này, không có khách hàng nào thuê mướn thợ sơn cả.
Bạn cho hay người dân địa phương ở đây đang dồn sức dẹp rác và thu dọn các đống đổ nát sau bão. Các hộ dân bị hư hại nhà cửa đang lo lợp lại mái nhà để che đỡ nắng mưa trước đã. Mọi việc sửa chữa khác còn phải tính sau. Những gia đình neo đơn mà bị thiệt hại nặng thì có lực lượng của phường xã cũng như các thanh niên trai tráng ở địa phương tình nguyện giúp đỡ. Cả hai thanh niên Hoàng và Hiếu ngoài việc phụ giúp gia đình ổn định lại sinh hoạt đời sống, các bạn còn đi lượm nhặt các tấm tôn bị bão thổi bạt đem về giúp lợp tạm mái nhà cho bà con chòm xóm.
Hoàng tâm sự:
“Mình không có gì ngoài tấm lòng. Nhà mô mình thấy sửa được thì mình rủ anh em tới giúp. Lương thực mình cũng thiếu nhưng san sẻ với nhau, chủ yếu tấm lòng, chứ mình cũng đâu được cứu trợ. Mình cũng như họ thôi, chẳng qua mình là thanh niên, mình có chí đi giúp họ thôi. Mình giúp những người già cả.”
Các bạn nữ dù chân yếu tay mềm, không thể tham gia vào việc lợp mái nhà cho bà con, nhưng nhiều bạn cũng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào các công việc nhẹ hơn, như bạn Hồng chẳng hạn. Bạn đang phụ giúp mọi người dọn dẹp và dựng tạm lại ngôi chùa địa phương bị bão phá hỏng.
Ở Huế
Không thua gì Đà Nẵng, một số khu vực của Huế cũng bị cơn bão tàn phá khi nó đi ngang. Từ khu vực vùng sâu, vùng xa ở xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, bạn Thu Sương chia sẻ:
“Cơn bão vừa qua, nhà em ruộng lúa bị ngập hết. Quê em đa số còn khó khăn lắm. Mấy bữa nay chỉ buôn bán ăn tạm thôi chứ bão lụt không làm chi được. Năm nào cũng vậy. Miền Trung thì cứ bão lụt miết. Một năm chỉ làm được hai vụ lúa thôi. Từ tháng 8, 9 trở đi là không dám làm gì nữa vì cứ mưa bão liên tục. Năm nay cũng tương đối nặng.”
Vùng đất mà Sương sinh ra và lớn lên chủ yếu mọi người ở đây sống bằng nghề nông, vốn đã nghèo mà trời lại hành mưa bão mỗi năm, khiến các lớp thế hệ trẻ lần lượt rủ nhau bỏ quê tìm nơi khác mưu sinh, như bộc bạch của Sương:
“Em thấy thanh niên đa số họ bỏ đi làm xa hết. Còn lại ở đây chỉ mấy ông bà già và trẻ con đang đi học thôi. Thanh niên đi tứ xứ, vào Sài Gòn, ra Hà Nội, vì ở quê cũng không biết làm nghề gì ngoài làm ruộng. Nhiều lúc em cũng buồn và cảm thấy tủi thân. Không hiểu mình bị chi mà lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cha mẹ mình cũng khó khăn như vậy.”
Từ Phú Yên
Bây giờ, chúng ta hãy ghé thăm các bạn trẻ ở Phú Yên. Nơi này được xem là khu vực bị bão tàn phá nghiêm trọng nhất. Một bạn trẻ tên Đào ở huyện Sông Cầu kể cho chúng tôi nghe một vài thiệt hại đau lòng mà bão Mirinae đã gây ra cho cư dân vùng duyên hải này:
“Nhà cửa người ta bị sập hoàn toàn, bây giờ là một bãi cát trắng, không còn một cái gì hết, chỉ sót lại mấy viên gạch thôi. Về nhân mạng, khu vực này có 5 đứa trẻ bị chết. Có một gia đình kia bị bay hết nhà cửa. Phía trong nhà mình một chút, nhà cửa người ta bị sập nhiều lắm. Mình có người bạn. Vợ chồng họ vừa bước ra là nước tống vào nhà. Trên nền nhà có dòng xoáy sâu, họ không biết đi ngang qua. Cả vợ chồng và hai đứa con đều bị nứơc cuốn trôi.”
Hiện giờ, nhiều người bị bão cuốn trôi nhà cửa ở Phú Yên vẫn còn phải ở tạm nhà bà con, xóm giềng. Những người không chỗ nương thân, phải dựng lều ở đỡ. Có người phải lấy cây đóng cọc dưới đất, bên trên giăng đỡ bao ni lông để che nắng, che mưa tạm qua ngày, như trường hợp của Thắng ở thôn Bình Thạnh, Tuy An, Phú Yên:
“Tôi là thanh niên xung phong đây mà cuối cùng còn chưa có chỗ ở tạm. Chính tôi đang phải đóng cọc ở dưới đất, phía trên lợp tạm bằng mấy cái bao nilông để ở tạm. Hôm đó tới giờ gia đình tôi được chính quyền địa phương cứu trợ mỗi nhân khẩu là 2kg gạo, 4 gói mì tôm. Còn các nhà từ thiện, chùa, các công ty tặng 40 kg gạo.”
Bản thân cũng là một nạn nhân phải chống chọi trước sức tàn phá dữ tợn của cơn bão, nhưng với sức trẻ hăng hái đầy nhiệt huyết, Thắng đã tích cực vận động các thanh niên cùng trang lứa ở địa phương đi cứu giúp nhiều người đồng cảnh ngộ bằng chính những phương tiện tự có. Trong trận bão vừa qua, các bạn đã lấy xuồng của mình đi cứu nhiều phụ nữ, ngừơi già, và trẻ con bị kẹt trong lũ.
Thắng hồ hởi kể:
“Xuồng đó là phương tiện làm ăn sinh sống của anh em. Cá nhân tôi đứng ra vận động, mình không thuộc ban hội nào hết, mà trên tinh thần thanh niên, mình có nghĩa vụ phải làm, chứ không có hội nhóm nào của địa phương hết. Năm anh em tôi đi cứu giúp bà con. Cuối cùng quay về thì nhà mình bị sập.”
Trong số những nạn nhân suýt bị mất mạng trong cơn bão số 11 có Lan, sinh năm 1980, cư dân phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Kể lại giây phút vật lộn giữa sự sống và cái chết khi lặn hụp giữa cơn lũ, Lan vẫn chưa hết kinh hoàng:
“Bữa đó nói chung cũng bất ngờ. Vừa mở cửa ra thì nước đã ập vào nhà rồi. Lúc đó chừng 7 giờ tối. Buổi chiều thấy bão đã êm rồi, mình nghĩ chắc không cần phải di cư đến chỗ khác nữa. Nhưng khi mình vừa mở cửa ra thì thấy nước ập xuống nhanh lắm. Mình đi được nửa đường thì nước bắt đầu lên tới bụng, tràn lên ngực, rồi lên tới cổ luôn. Thấy nước mạnh và xoáy, mình mới bám vào nhà của một ông chú trên đầu đường. Bỗng cái tường nó sập ầm xuống. Nứơc mạnh khiến mình bị cuốn ở trong cái tường đó.
Lúc đó mình nghĩ mình chắc chắn không sống được. Chỉ cần quay lưng thôi thì nước xuống ào ào. Mình bị đập đầu, máu không à. Khi ông chú kia cứu đưa đựơc mình lên bờ là mình đã bất tỉnh. Mấy tiếng sau mới tỉnh lại. Nước rút dần bà con mới đưa mình đi bệnh viện, lúc đó cũng nặng, mình phải khâu 13 mũi trên đầu.
Mình nằm bệnh viện 14 ngày. Khi về bà con cũng giúp đỡ người một tay phụ dọn dẹp, chứ mình còn yếu lắm. Trong nhà không còn gì cả, chỉ còn cái sườn thôi. Cũng còn khó khăn lắm. Khi xuất viện về nhà nhìn nhà cửa trời ơi tan thương lắm! Hiện gìơ mình cũng còn khủng hoảng. Tiền bạc thì không còn. Nhà cửa cũng không còn gì. Chỉ có chỗ chung ra chung vô thôi. Bà con mỗi người giúp một ít, chứ còn chính quyền địa phương thì cũng chưa.”
Sinh ra và lớn lên từ những vùng thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, các bạn trẻ ở đây chỉ ấp ủ một mơ ước giản dị là được “trời yên gió lặng” để ổn định cuộc sống, như bộc bạch của Hoàng ở Đà Nẵng:
“Mơ ước có việc làm ổn định để ổn định cuộc sống, muốn ở nơi nào không có bão chứ Hoàng sợ bão quá rồi.”
Hay như bạn Sương ở Huế:
“Em ứơc gì em làm đựơc nhiều tiền để giúp đỡ cho ba mẹ, giúp những người nghèo. Em ứơc chi thời tiết ở đây đựơc như ở miền nam thì chắc không phải khổ như vậy. Em mong sao những người có cơ hội, có điều kiện và may mắn sống ở những nơi không bị thiên tai cố gắng làm ăn, tiết kiệm để cứu giúp những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa.”
Chúng ta vừa nghe một số nạn nhân trẻ trong cơn bão số 11 ở miền trung Việt Nam kể lại những ký ức đau lòng và những hậu quả mà trận bão để lại cho người dân ở đây, cũng như những nỗ lực mà sức trẻ đóng góp giúp các nạn nhân đồng cảnh ngộ vượt qua cơn khốn khó. Tạp chí Thanh Niên mong được đón nhận những chia sẻ và góp ý của bạn nghe đài tại địa chỉ email Vietnamese@voanews.com.
Tạp chí Thanh Niên sẽ tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong buổi phát thanh 10 giờ tối thứ ba tuần tới. Chương trình này sẽ được phát lại vào sáng thứ tư. Mời quý vị đón nghe.