Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hiện ở châu Á trong chuyến công du lần đầu tiên tới khu vực này kể từ khi nhậm chức hồi tháng Giêng. Trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, ông Obama sẽ gặp tất cả 10 nhà lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Miến Điện ở Singapore. Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ gặp riêng các nhà lãnh đạo ASEAN. Nguyễn Trung của ban Việt Ngữ đài VOA đã phỏng vấn Giáo sư Amitav Acharya, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại trường đại học American University ở thủ đô Washington, về ý nghĩa của cuộc gặp này cũng như chính sách tái tăng cường hợp tác với ASEAN của Hoa Kỳ.
VOA: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ hội kiến với 10 nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bên lề hội nghị của tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Cuộc họp này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Amitav Acharya: Cuộc hội kiến này rất đáng chú ý, và mang tính biểu tượng cao. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ hội đàm với tất cả các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN. Ngoài ra, đây cũng là chuyến công du đầu tiên của ông Obama tới Đông Nam Á, khu vực ông có liên hệ nhất định, vì ông từng lớn lên ở Indonesia.
Thêm nữa, còn một loạt các vấn đề mà Hoa Kỳ muốn trao đổi với các nước trong khu vực như cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á và những vấn đề xuyên quốc gia như buôn lậu ma túy.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới Miến Điện. Đó sẽ là chủ đề được nêu lên vì Hoa Kỳ đang tìm cách đối thoại với chính phủ Miến Điện. Đó là một diễn biến hết sức quan trọng. Xét về tất cả những khía cạnh đó, đây sẽ là cuộc gặp gỡ quan trọng cả về thực chất lẫn tính biểu tượng cao.
VOA: Vậy những vấn đề được đặt ưu tiên cao trên chương trình sẽ là gì?
Giáo sư Amitav Acharya: Miến Điện chắc chắn sẽ là mối quan tâm lớn, nhưng không phải là duy nhất. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về an ninh, thương mại và chính sách phát triển hợp tác kinh tế giữa khu vực ASEAN và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, họ có thể sẽ trao đổi một cách chính thức hoặc không chính thức về ý tưởng liên quan tới cơ cấu tổ chức khu vực mới do Nhật Bản và Australia đề xuất.
VOA: Thưa ông, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Liệu đó có phải là lý do dẫn tới việc Hoa Kỳ chú tâm đến khu vực này không?
Giáo sư Amitav Acharya: Tôi không nghĩ đó là lý do cấp thiết. Nếu đúng như nhận định đó thì chính quyền Tổng thống Bush có lẽ đã tăng cường quan hệ ở Đông Nam Á rồi. Nhưng thực tế chính quyền Tổng thống Bush có vẻ như đã bỏ quên khu vực này. Thế nên, tôi không nghĩ là yếu tố Trung Quốc. Nhưng nếu xét về mặt chiến lược, đó luôn luôn là điều quan tâm của bất cứ ai.
Trên thực tế, Đông Nam Á là nơi xuất phát nhiều vấn đề xuyên quốc gia có thể ảnh hưởng tới Hoa Kỳ. Thêm nữa, cho tới nay, ASEAN vẫn là một tổ chức vững vàng nhất ở châu Á. Vậy nên, cũng là lẽ tự nhiên khi Hoa Kỳ tăng cường mối quan hệ truyền thống với ASEAN. Đây là điều trước đây họ nên làm, nhưng chính quyền tiền nhiệm ở Hoa Kỳ bị chi phối quá nhiều bởi cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
VOA: Như ông nhận định, ASEAN là tổ chức vững vàng nhất ở châu Á, nhưng thưa ông, bản thân một số nước thành viên như Miến Điện hoặc Việt Nam chẳng hạn, vẫn bị chỉ trích về tình trạng nhân quyền và tự do dân chủ. Hoa Kỳ sẽ xử trí như thế nào đối với các vấn đề này, thưa ông?
Giáo sư Amitav Acharya: Hoa Kỳ tuyên bố rõ ràng rằng nhân quyền và dân chủ sẽ không là trở ngại đối với tiến trình hợp tác với khu vực. Hoa Kỳ sẽ không chỉ dựa vào các biện pháp trừng phạt hoặc không đối thoại với chính quyền nước này, hay nước kia chỉ vì tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do dân chủ. Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các chính quyền Hoa Kỳ tiền nhiệm.
Cách tiếp cận này sẽ dẫn tới đâu, chúng ta cần phải chờ xem. Nếu nó mang lại các kết quả, đặc biệt là với Miến Điện, thì chính quyền Hoa Kỳ hiện tại sẽ nhận được nhiều sự tán đồng. Còn nếu chính sách đối thoại này không mang lại nhiều sự thay đổi ở Miến Điện như lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi không được trả tự do và không có bầu cử tự do, công bằng ở nước này, thì tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ phải cân nhắc lại cách tiếp cận này và mọi chuyện sẽ phức tạp hơn.
VOA: Thưa ông, trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh ở khu vực Biển Đông. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Giáo sư Amitav Acharya: Đây là mối quan ngại lâu dài. Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh hải quân nói riêng và quân sự nói chung, và theo tôi, một ngày nào đó họ sẽ trở thành một cường quốc về hải quân trong khu vực.
Nhưng bản thân Trung Quốc vẫn còn những vấn đề nội tại cần phải giải quyết. Ngoài ra, Hoa Kỳ vẫn hiện diện mạnh mẽ trong khu vực. Ấn Độ, Nhật Bản và chính các quốc gia ASEAN cũng đang gia tăng sức mạnh của hải quân nước mình, nhằm cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, Bắc Kinh có lẽ sẽ không thể đi quá xa trong việc khiêu khích các quốc gia ASEAN.
VOA: Tức là ông không nghĩ căng thẳng sẽ gia tăng tại vùng biển này?
Giáo sư Amitav Acharya: Không phải lúc này. Tôi không thấy có một sự gia tăng căng thẳng thực sự nào ở khu vực biển Đông. Trung Quốc rất cẩn trọng và không muốn gây ra một phản ứng ngược về mặt chính trị cho họ. Cho nên, vấn đề này hiện vẫn được kiểm soát và kiềm chế. Tôi chưa thấy có một sự bùng nổ căng thẳng nào vào lúc này.
Đọc nhiều nhất
1