Mấy hôm nay tối nào tôi cũng nghe về lính. Nào là lính Mỹ sắp được điều động thêm để sang Afghanistan. Những người lính vừa bị bắn chết ở Fort Hood, Texas, vì chính đồng đội của mình. Và một người lính, hay nói đúng hơn là một sĩ quan người Mỹ gốc Việt vừa chỉ huy một chiến hạm ghé thăm Việt Nam sau 34 năm xa cách.
Nói thẳng ra là tôi không biết nhiều gì về lính và đời sống của họ. Không như những nước như Nam Triều Tiên hoặc Israel mà ai vừa lớn lên cũng phải đi lính vài năm, lớn lên ở Úc chúng tôi chưa bao giờ phải nghĩ đến vấn đề này. Chỉ biết đi học, ra trường đi làm và nếu chán thì bỏ xứ vài năm đi tiếu ngạo giang hồ cho đến khi nào hết… chán thì thôi. Nghĩ lại thấy cuộc sống của những thằng lớn lên ở hải ngoại như tôi quả là quá may mắn (và nếu không có ngày 30 tháng 4 thì thật không biết bây giờ đời của chúng tôi sẽ ra sao???).
Mãi cho đến sau này khi tôi có dịp đi làm và sang định cư ở Mỹ tôi vẫn không biết nhiều gì về đời lính và ý niệm về quân đội trong xã hội mặc dù so với Úc thì cuộc sống và hình ảnh của những người lính ở Mỹ được nhắc đến nhiều hơn.
Cũng như được trân trọng nếu không muốn nói là ‘sùng bái’ nhiều hơn ở Úc. Đây có lẽ cũng là một điều bình thường vì hình như lúc nào, ở đâu trên thế giới cũng có sự tham gia, góp mặt của những người lính Mỹ và vì vậy lúc nào cũng có tin tức cho biết trong tuần đã có bao nhiêu người lính phải hy sinh trên chiến trường vì đất nước và lý tưởng phục vụ của họ. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng có 100% dân chúng ủng hộ họ nhưng một khi nằm xuống thì hầu như ai cũng được đất nước nghiêng mình thành kính như nhau.
Riêng tôi, sau khi vừa có dịp nói chuyện với một người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ thì tôi lại nghĩ có lẽ tất cả chúng ta đều phải bắt đầu cảm phục họ từ lúc họ vẫn còn đang được huấn luyện.
Số là trong nhóm người Việt tỵ nạn ở Philippines mà tôi quen có một gia đình được sang Mỹ vào cuối năm 1999 sau bao năm lây lất ở trại. Nhà anh chị có hai người con trai mà lúc tôi mới sang Philippines thì chúng nó vẫn còn là con nít, ốm tong ốm teo tưởng chừng như không thể nào ốm hơn được nữa. Việc học của hai đứa lúc ấy thì chỉ học cho có học mà thôi vì không một ai được cấp giấy tờ chứng minh gì cho việc tạm trú của họ ở Philippines. Tương lai thì mù mịt. Cuộc sống thì vất vả.
Thế mà 10 năm sau, thú thật hôm tôi ghé thăm anh chị nhân dịp cả nhà làm tiệc tiễn cậu con út sắp được chuyển sang Nhật Bản để đóng quân, tôi không thể nào nhận ra được người đứng trước mặt tôi là thằng Luận của năm nào.
Người thì vạm vỡ, bắp thịt cuồn cuộn, ăn nói thì chậm rãi nhưng chắc từng chữ một, thái độ chững chạc, tự tin, hỏi điều gì thì trả lời điều ấy, nói chuyện một hồi lâu mà tôi vẫn không tin là cậu bé nhỏ con ngày xưa đã có thể thay đổi nhiều đến vậy. Từ tinh thần đến thể xác.
Đặc biệt là thể xác.
Chỉ sau khi tôi hỏi cặn kẽ những gì Luận đã phải trải qua trong những năm gần đây tôi mới nhận thức được những sự thay đổi lớn lao như thế. Thì ra sau khi vừa ra trường Luận đã xin gia nhập vào quân đội Mỹ. Và may mắn thay, em được nhận vào quân chủng Thủy quân lục chiến.
Kể từ đó mỗi ngày em đã phải tập luyện từ sáng đến tối. Từ chạy bộ cả ngày, vượt núi vượt đèo cho đến tập bơi ở hồ, sau đó ra sông ra biển với ba lô, súng luôn phải mang trên vai. Lúc thì chạy một mình hàng mấy chục cây số, khi phải đua cùng đồng đội. Hoặc thậm chí khi bơi chỉ được bơi một tay còn tay kia phải kéo một đồng đội đang giả bị thương. Luận bảo trong đời chưa bao giờ em đã bị ép sức lẫn ép xác đến cùng cực như thế.
Đã vậy đôi lúc cả nhóm lại không được cho ăn đầy đủ, vừa thiếu dinh dưỡng, thiếu nước lại thiếu cả giờ ngủ vì phải tập chịu đựng cho quen. Ngày này qua ngày khác. Tháng này qua tháng khác. Bởi thế đã có nhiều bạn tập sự cùng khóa đã khóc ròng vì không thể chịu đựng nổi hoặc phải bỏ cuộc vì bị chấn thương, kiệt sức.
Thế còn Luận thì sao?
Em bảo lúc huấn luyện thì phải nói là rất khổ, rất mệt, mình bị đối xử như một con vật. Nhưng em chưa bao giờ nghĩ là em sẽ bỏ cuộc. Nếu xui bị chấn thương nặng thì phải chịu thôi. Chứ còn như vẫn tiếp tục được giữ lại để tập luyện thì ai làm gì, mình làm nấy. Tình đồng đội trong những lúc như thế càng khăng khít hơn vì mọi người đều đốc thúc giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua những khó khăn trong lúc luyện tập.
Và cuối cùng thì Luận và các bạn cũng đã hoàn thành khóa học, tốt nghiệp ra trường trong niềm hân hoan vui sướng xen lẫn hãnh diện của cá nhân và gia đình, cha mẹ.
Hôm nay khi tôi ngồi viết những hàng chữ này thì em đang đóng quân ở đâu đó tận bên Nhật Bản cùng đồng đội thay mặt cho nước Mỹ gìn giữ trật tự và nền an ninh của thế giới. Tôi cảm phục em không chỉ vì em đã làm được một việc làm hữu ích cho chính bản thân mình và cho xã hội mà hơn thế nữa như lời phát biểu của Tổng thống Obama trong tuần này nhân ngày ông đến tưởng niệm những người lính vừa nằm xuống ở Fort Hood:
"Their life’s work is our security, and the freedom we too often take for granted. Every evening that the sun sets on a tranquil town; every dawn that a flag is unfurled; every moment that an American enjoys life, liberty and the pursuit of happiness – that is their legacy."
Việc làm trong đời họ là gìn giữ sự an ninh cho chúng ta và sự tự do mà chúng ta thường cho là lẽ tất nhiên. Mỗi tối khi mặt trời vừa lặn xuống trên một thị trấn thanh vắng; mỗi bình minh khi ngọn cờ được phất cao; mỗi giây phút khi một công dân Mỹ được sống trong tự do và hạnh phúc – đó là di sản mà họ để lại.
Đọc nhiều nhất
1