Đường dẫn truy cập

Nhật Bản muốn đóng cửa căn cứ TQLC Mỹ ở Okinawa


Theo dự kiến, việc di dời địa điểm một căn cứ Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Okinawa sẽ là đề tài đứng đầu nghị trình thảo luận khi Tổng thống Barack Obama đến thăm Tokyo trong tuần này. Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đồng ý cách đây 3 năm dời căn cứ này đến một nơi khác trên đảo trong thời gian 5 năm. Nhưng chính quyền mới của Nhật Bản muốn đình lại kế hoạch đó. Từ Tokyo, thông tín viên VOA Akiko Fujita ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau.

Sân bay Futenma của binh đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ tọa lạc tại một khu vực đông đúc trên hòn đảo Okinawa ở phía nam Nhật Bản. Nhà cửa và các cơ sở kinh doanh bao quanh căn cứ mà các binh sĩ thủy quân lục chiến thường dùng cho máy bay trực thăng.

Căn cứ này là nơi trú đóng của 2,000 binh sĩ thủy quân lục chiến và đã từng gây khó chịu cho người dân Okinawa. Cư dân sống gần căn cứ than phiền về tiếng động của máy bay. Các sự cố thỉnh thoảng xảy ra đã gây ra quan ngại về sự an toàn của họ. Trong một cộng đồng đông đúc, căn cứ được coi như đất dành cho nhà cửa và cơ sở kinh doanh mới.

Năm 2006, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đồng ý đóng cửa căn cứ Futenna và dời các cơ sở của sân bay này đến một căn cứ Thủy quân lục chiến khác có sân đáp cho máy bay trực thăng. Thỏa thuận đó cũng đề nghị dời 8 ngàn binh sĩ ra khỏi Okinawa, đến lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ.

Kế hoạch được đưa ra sau 15 năm thương nghị, nhưng chính phủ mới của Nhật Bản nay muốn xét lại kế hoạch đó.

Thủ tướng Yukio Hatoyama và Đảng Dân chủ Nhật Bản đã đạt được một thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử hồi tháng 8, một phần nhờ lời kêu gọi duyệt lại thỏa thuận năm 2006 đó. 5 thành viên của đảng này ở Okinawa đã thắng các ghế tại Quốc Hội nhờ những lời hứa giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên đảo.

Ông Denny Tamaki là một trong các nghị viên của đảo Okinawa.

Ông nói rằng các ứng cử viên đó đã thắng cử bởi vì cử tri tin rằng họ có thể đạt được các thành tích mà chính quyền trước không làm được. Trong các thành tích đó có việc giải quyết vấn đề các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Okinawa.

Ông Tamaki muốn các binh sĩ thủy quân lục chiến và các cơ sở huấn luyện của Futenma cùng được dời ra khỏi đảo. Và các cuộc thăm dò công luận cho thấy cử tri của ông đồng thanh ủng hộ quan điểm đó.

Trong một cuộc thăm dò mới đây của một trong những nhật báo lớn của Nhật Bản, gần 70 phần trăm người dân Okinawa nói họ chống đối việc dời Futenma đến một nơi khác trên đảo. Cũng một tỷ lệ đó nghĩ rằng Thủ tướng Hatoyama nên thương nghị với Hoa Kỳ để dời Futenma ra khỏi toàn vùng.

Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ khái niệm đó. Trong chuyến thăm Tokyo hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tuyên bố không có khả năng tái thương nghị thỏa thuận đó.

Ông Gates nói: “Nếu không có sự sắp xếp lại ở Futenma, không có cơ sở Futenma, thì sẽ khôgn có việc di dời địa điểm qua Guam. Không có việc di dời qua Guam thì sẽ không có sự củng cố lực lượng và trả lại đất ở Okinawa.”

Okinawa là khu vực nhỏ nhất của Nhật Bản xét về diện tích đất, nhưng là nơi trú đóng của khoảng phân nửa trong số gần 47 ngàn quân nhân Hoa Kỳ tại các căn cứ và tầu ở Nhật Bản. Các quân nhân này ở rải rác tại hơn 10 cơ sở lớn và nhiều cơ sở nhỏ hơn trên đảo Okinawa.

Căng thẳng vì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Okinawa đã dồn lại trong nhiều thập niên. Căng thẳng dâng cao sau khi 3 quân nhân Hoa Kỳ bị cáo buộc cưỡng hiếp một nữ sinh. Năm 2004, một máy bay trực thăng Mỹ rớt xuống một trường đại học ở địa phương. Không có ai bị thương nhưng tai nạn này gây ra mối quan ngại về sự an toàn của dân cư.

Người dân Okinawa cho rằng di dời căn cứ Futenma sẽ đe dọa đến dã sinh ở khu vực nông thôn phía bắc hòn đảo. Họ cũng nói rằng xúc tiến thỏa thuận năm 2006 là không thực hiện lời hứa khi vận động tranh cử của đảng Dân chủ Nhật Bản.

Ông Tamaki nói rằng ông Hatoyama cần phải ra mặt tuyên bố rằng sẽ không xây dựng thêm căn cứ nào trên đảo Okinawa nữa. Ông Tamaki cho rằng thủ tướng nên tuyên bố Nhật Bản sẽ không theo thỏa thuận năm 2006 và sẽ mở các cuộc thương thuyết lại từ đầu.

Cho đến giờ này, ông Hatoyama chưa đưa ra một lập trường vững chắc về vấn đề. Ông chỉ nói rằng Nhật Bản sẽ không bị làm áp lực phải đi đến một quyết định. Ông muốn duyệt lại kế hoạch và đưa ra một kết luận mà người dân Okinawa có the chấp thuận.

Sự trì hoãn sẽ gây khó khăn cho một mối bang giao vốn dĩ nồng ấm giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ông Masaaki Gabe là một giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Quần đảo Ryuku tại Okinawa. Ông cho rằng Nhật Bản đã từng có truyền thống chấp thuận mọi yêu cầu của Hoa Kỳ. Ông Hatoyama đang tìm cách thay đổi truyền thống đó và thay đổi bản chất của liên minh Mỹ-Nhật.

Ông Gabe nói rằng Nhật Bản đã từng là một đối tác lý tưởng của Hoa Kỳ từ lâu nay. Nhưng cuộc tranh cãi về vấn đề Futenma đã phơi bầy một mặt của Nhật Bản mà Hoa Kỳ chưa hề thấy trước đây.

Các thành viên của Đảng Dân chủ Nhật Bản như ông Tamaki nói rằng các cuộc thảo luận là một cuộc tranh luận lành mạnh có tác dụng củng cố liên minh. Và Washington coi Nhật Bản là một phần quan trọng trong các nỗ lực của Mỹ muốn duy trì sự ổn định ở châu Á. Hai nước đã thành lập một nhóm công tác cấp bộ trưởng với hy vọng sớm giải quyết cuộc tranh cãi, nhưng ông Gabe dự kiến cuộc tranh cãi sẽ kéo dài nhiều tháng, trong khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản cố gắng tìm ra một điểm chung.

Ông Obama và ông Hatoyama dự tính mở một cuộc họp báo chung khi ông đến Nhật Bản vào ngày thứ sáu, nhưng cả hai bên đã nói rằng việc dời địa điểm Futenma sẽ không phải là trọng điểm và cho biết vấn đề này sẽ không được giải quyết trong chuyến thăm 2 ngày của ông Obama.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG