Viện Bảo Tàng Thế Chiến thứ Hai tại New Orleans đã mở cửa toà nhà trị giá 60 triệu đô la, trong đó có một rạp hát, một nhà hàng ăn và một rạp chiếu phim lớn để cho khán giả xem những hình ảnh 4 chiều. Phim chiếu tại đây có tên là “Ra khỏi mọi biên cương” và chỉ được chiếu độc nhất ở đây mà thôi. Theo thông tín viên Greg Flakus của đài từ New Orleans tường trình thì cuốn phim này thể hiện sự phối hợp tài năng Hollywood, công nghệ cao và lịch sử lại với nhau.
Diễn viên Tom Hanks giữ nhiệm vụ sản xuất kiêm người dẫn chương trình trong cuốn phim đa truyền thông mới này.
Cuốn phim được chiếu trên màn ảnh đại vỹ tuyến dưới ảnh hưởng của hệ thống đèn chiếu và di động cũng như những gì xuất hiện trên sân khấu trong lúc câu chuyện diễn tiến.
Diễn viên Tom Hank, ra đời 10 năm sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, cho biết cuộc chiến vẫn còn có tác động lớn đối với ông.
Diễn viên Tom Hank nói: "Trong những năm dầu khi tôi lớn lên, bất cứ ai chăm sóc cho tôi đều đã trải qua thế chiến thứ hai, đều có kinh nghiệm với cuộc chiến khogn cách này thì cách khác; ngay cả những người sống sót trong cuộc chiến, họ đều nói theo nghĩa đó là một thời kỳ đầy những chuyện mầ với đầu óc non nớt của tôi khó mà có thể hình dung được."
Nhưng những thế hệ trẻ hơn không có những liên hệ gì với cuộc chiến và biết rất ít về nó.
Giám đốc viện bảo tàng Thế Chiến Thứ Hai, ông Nick Mueller, nói rằng đây chính là lý do cho cuốn phim đa truyền thông này ra đời.
Ông Mueller nói: "Giới trẻ ngày nay lớn lên cùng với công nghệ. Họ đã biết được, học được lề lối ấy nên để họ chìm đắm vào những hình ảnh sống động cùng với âm thanh, ánh sáng và sự chuyển động để tôn thêm sự sống động của câu chuyện làđiều hấp dẫn cho họ học hỏi."
Nhưng một nhóm sinh viên ngành báo chí viết blog trên mạng cho biết điều gây ấn tượng hơn cho họ về viện bào tàng mới này là những cựu quân nhân và những câu chuyện mà họ đã đích thân được gặp và nghe thuật lại.
Một sinh viên nói: "Tôi muốn khóc khi nghe thuật lại những câu chuyện vô cùng cảm động này."
Họ đã trải qua những kinh nghiệm vô cùng đau đớn, gian khổ. Một số thì bệnh, một số thì bị thương, một số thì đã chết trong chiến tranh. Một số thì có thân nhân bị thiệt mạng.
Một trong những cựu quân nhân tình nguyện làm việc tại viện bảo tàng này là cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Bert Stolier, 90 tuổi,từng chứng kiến vụ tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng.
Ông Stolier nói: "Trong suốt vụ tấn công kéo dài 2 tiếng đồng hồ, bom dội xuống như mưa, thủy lôi trôi đầy, tàu bè nổ tung, thủy binh và thủy quân lục chiến ngoi ngóp dưới nước."
Cựu thủy quân lục chiến này sau đó đã tham gia ở nhiều nhiều chiến trường tại Thái bình Dương và đã phải chứng kiến nhiều cảnh chết chóc, tàn phá trước khi ông trở về.
Tính đến nay chỉ còn vài triệu cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham gia thế chiến thứ hai còn sống và họ đang ra đi thật nhanh, với con số trên 900 người từ trần mỗi ngày. Nhưng lời của họ được dùng trong nhiều cuốn video trình chiếu tại viện bảo tàng này và ông Nick Mueller, giám đốc viện bảo tàng, cho biết hiện đang có một nỗ lực để ghi âm lại nhiều hơn nữa.
Ông Mueller nói tiếp: "Chúng tôi có trên 3,000 câu chuyện được kể lại. Chúng tôi có một nhóm các nhà nghiên cứu, chúng tôi gọi họ là những ngươi đi ghi nhận lịch sử. Họ đi khắp nước thu thập các chứng tích lịch sử bằng cách ghi âm lại những câu chuyện của những người đã sống qua thời thế chiến để sau này đem trưng bày ở nơi chúng tôi đang vận động cho xây tại đây."
Theo ông Mueller thì ý chính ở đây không phải là để tạo hào quang cho cuộc chiến hay để khoe khoang về chiến thắng của đồng minh, nhưng là để giảng giải cho mọi người hiểu rõ về biến cố đã đưa đến cái chết của 65 triệu người trên thế giới.
Cảnh tượng chết chóc, hoang tàn của chiến tranh là điều mà một cựu quân nhân đã trọng tuổi như cụ Bert Stolier không thể nào quên được.
Năm tháng đã trôi qua và chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra một biến cố như thế nữa.
Tòa nhà được xây thêm này của viện Bảo Tàng Thế Chiến Thứ Hai là phần mới nhất của một kế hoạch xây thêm 3 tòa nhà nữa cho viện bảo tàng quốc gia tại đây tính từ nay đến năm 2015.
Đọc nhiều nhất
1