Một giới chức cao cấp Hoa Kỳ đã mở các cuộc thảo luận với Thủ tướng Miến Điện và nhà lãnh đạo dân chủ đang bị quản chế Aung San Suu Kyi. Đây này là cuộc đối thoại cao cấp nhất giữa Hoa Kỳ và Miến Điện trong hơn thập niên qua. Thông Tín Viên Daniel Schearf tường trình cho Đài VOA từ văn phòng Đông Nam Á tại Bangkok.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã gặp nhà lãnh đạo dân chủ và đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Để có cuộc gặp này, chính phủ quân nhân Miến Điện đã cho phép khôi nguyên giải Nobel về Hòa bình được tạm thời rời khỏi nhà, nơi bà bị quản thúc trong gần hai thập niên qua.
Ông Campell và bà Aung San Suu Kyi gặp nhau trong hai giờ đồng hồ tại một khách sạn ở Rangoon sau đó bà lại bị đưa về nhà.
Trước đó, ông Campbell đã gặp Thủ tướng Miến Điện Thein Sein nhưng không gặp Tướng Than Shwe, người thực sự nắm quyền tại Miến Điện.
Cuộc gặp gỡ này là cuộc nói chuyện cao cấp nhất tại Miến Điện trong vòng 14 năm qua và là một phần trong chính sách mới của Hoa Kỳ nhằm đối thoại với chính phủ quân nhân Miến Điện sau nhiều năm cô lập chính phủ này.
Liên minh Toàn quốc Đấu tranh vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi và những nhóm hoạt động cho nhân quyền hoan nghênh một cách dè dặt chuyến thăm này của nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Tuy nhiên ông Benjamin Zawacki, một nhà nghiên cứu về Miến Điện của tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng dù có chuyến viếng thăm này nhưng những nhóm tranh đấu không lạc quan là nhà cầm quyền Miến Điện sẽ đồng ý trả tự do cho các tù nhân chính trị và cho phép các hoạt động dân chủ.
Ông Zawacki nói: “Dĩ nhiên điều lo ngại thực sự là việc này có thể làm thương tổn đến những nỗ lực dân chủ cho Miến Điện. Rõ ràng là từ khi Hoa Kỳ loan báo kết quả của việc duyệt xét lại chính sách, có 128 tù nhân chính trị được trả tự do. Tuy nhiên đây chỉ là một giọt nước trong một xô nước khi bạn thấy rằng còn có hơn 2.100 người bị giam. Và chỉ mới trong vòng một tuần qua, có hơn 50 người bị càn quét khỏi đường phố và bị tống giam.”
Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác trong nhiều năm qua đã đòi Miến Điện trả tự do cho các tù nhân chính trị kể cả bà Aung San Suu Kyi.
Nhà cầm quyền quân sự Miến Điện không màng đến áp lực quốc tế và vào tháng 8 vừa qua gia hạn việc giam giữ tại gia bà Aung San Suu Kyi thêm 18 tháng nữa, để bà không thể tham gia vào cuộc bầu cử năm tới.
Giới chức quân sự cầm quyền tại Miến Điện đã thay đổi hiến pháp để họ vẫn tiếp tục nắm giữ quyền hành bất kể kết quả cuộc bầu cử năm tới như thế nào. Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy Miến Điện có thể khởi động đáp ứng với chính sách mới của Washington cũng như đối với bà Aung San Suu Kyi.
Tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo châu Á hồi tháng 10 vừa qua tại Thái Lan, Thủ tướng Thein Sein cho biết là có thể Miến Điện nới lỏng những hạn chế đối với bà Aung San Suu Kyi và cho phép bà đóng một số vai trò trong cố gắng hòa giải của Miến Điện nếu bà có những hành vi làm vừa lòng nhà cầm quyền Miến Điện.
Chính phủ quân nhân Miến Điện muốn những chế tài về kinh tế gây thiệt hại cho Miến Điện do Hoa Kỳ, Liên Minh châu Âu và các quốc gia khác áp đặt, được bãi bỏ và bà Aung San Suu Kyi đã nói là bà sẵn lòng giúp trong việc này.
Washington cho biết là những chế tài vẫn được giữ nguyên trạng cho tới khi Miến Điện cải thiện nhân quyền và có những bước tiến thực sự đến dân chủ.
Đọc nhiều nhất
1