Đường dẫn truy cập

Ba Lan: Công nhân đóng tàu gặp khó khăn


Sự sụp đổ của Bức Tường Berlin đã chấm dứt nhiều thập niên của phong trào chống Cộng với những người sống trong vùng Đông Âu và Trung Âu. Chính quyền thời đó thường sử dụng những biện pháp nặng nề kể cả giết hại để đàn áp phản kháng, tuy vậy vẫn không ngăn chặn nổi hàng triệu công nhân và trí thức đòi thêm các quyền tự do cá nhân và chính trị. Phái viên Peter Fedynsky của VOA mới đây đã tới thăm Ba Lan, và gửi về những nhận định về vấn đề tự do đã đem lại ý nghĩa gì tại khu bến cảng Gdansk, nơi hình thành của Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan.

Trước khi chủ nghĩa Cộng Sản cáo chung cách nay 20 năm tại Ba Lan đã xảy ra những vụ biểu tình chống cộng kéo dài gần một thập niên của các thành viên Công Đoàn Đoàn Kết.

Ông Pawel Adamowicz là người từng giúp tổ chức các cuộc đình công chống Cộng vào những năm 1980, và đã nhận được chức vụ thị trưởng Gdansk nhờ sự thành công của Công đoàn Đoàn Kết.

Ông Adamowicz nói rằng sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản đem lại tự do cho Ba Lan, và đó là điều quan trọng hơn cả. Ông thêm rằng việc phục hồi tự do còn đem lại cho người dân Ba Lan tự do kinh tế và những quyền tự do khác.

Công Đoàn Đoàn Kết khởi sự tại xưởng đóng tàu Lenin tại Gdansk. Ngày nay, công đoàn có khoảng 2 triệu thành viên, ít hơn nhiều so với số 10 triệu cách đây 20 năm.

Nhiều người tại Ba Lan cho rằng Công đoàn Đoàn Kết đã trở thành nạn nhân của sự thành công của chính họ.

Lý do là khi công đoàn Đoàn Kết giúp Ba Lan phá bỏ chế độ Cộng Sản, thì chính hệ thống thị trường tự do thay thế chủ nghĩa cộng sản lại gây ra hàng ngàn vụ sa thải.

Chuyện này lại xảy ra giữa lúc lại mất đi các khoản bao cấp của nhà nước, tình trạng cạnh tranh trên thế giới và việc giảm bớt những đơn đặt mua tàu.

Ông Ludwik Pradzynski một trong những người may mắn giữ được việc làm nói rằng so với hồi xưa thì tình hình tại bến cảng không ổn định chút nào. Dù đã trải qua 34 năm kinh nghiệm trong công việc, ông vẫn cảm thấy lo sợ sẽ bị sa thải.

Hai xưởng đóng tàu tầu gần Gdansk đã bị đóng cửa và xưởng đóng tàu Gdansk thuộc quyền sở hữu của những người đầu tư từ Ukraina. Giám đốc lại là người Bulgaria. Các công nhân nhiều người là người Triều Tiên, Việt Nam và Ukraina.

Ông Pradzynski nghi ngại rằng chính các công nhân các nước ngoài đó đã gây ra tình trạng lương bổng của công nhân Ba Lan bị cắt bớt.

Ông Pradzynski nói rằng đồng lương của người lao động chân tay quá thấp và không công bằng. Bất chấp những vấn đề tại xưởng đóng tàu, ông cho rằng người ta vẫn có thể tiếp tục đóng tầu, ông nói thêm công nhân không phải là vấn đề. Theo ông, số công nhân đã quá ít nên không thể nào giảm bớt được nữa.

Thị trưởng Adamowicz nói rằng xưởng đóng tàu Gdansk phải thích ứng với sự cạnh tranh và tình trạng bị mất những khoản bao cấp.

Thị trưởng Adamowicz cho biết nhiều xưởng đóng tàu nhỏ của tư nhân đã được xây dựng xung quanh xưởng đóng tàu Gdansk, để sản xuất các bộ phận rời. Ông nói rằng những xưởng nhỏ này có cách điều hành linh động và đáp ứng tốt, tài tình hơn trước nhu cầu thị trường.

Một trong những công ty tư nhân đó là Sunreef Yachts, một công ty do người Pháp sở hữu, đã mua nhiều tòa nhà tại bến cảng chính để sản xuất du thuyền và bè.

Hãng Sunreef sử dụng khoảng 400 công nhân, và thuê họ từ những đợt sa thải tập thể khiến lương nhân công hạ bớt. Ông Maciej Stompor, giám đốc mại vụ của công ty nói thời kỳ đó nay đã đi qua.

Ông Stompor nói: “Thị trường bây giờ phần lớn nằm trong tay các công nhân, bởi vì một số công nhân đó là kỹ thuật viên lành nghề, chẳng hạn như các tay thợ hàn, các công nhân đóng tàu dễ tìm được việc làm ở nước ngoài, vì vậy tìm ra được những công nhân lành nghề không còn là chuyện dễ nữa.”

Giới lãnh đạo công ty đóng tàu cho biết họ phải giảm thêm số nhân lực xuống còn 1.900 người nếu muốn theo kịp mức cạnh tranh.

Ông Jerzy Borowczak, đại diện Công Đoàn Đoàn Kết nói với thông tín viên của VOA rằng công đoàn đang tổ chức những lớp học cho các công nhân mất việc nhằm giúp họ gia tăng thêm di động tính.

Ông Borowczak cho biết các lớp học gồm cả các lớp dạy Anh ngữ và sử dụng máy vi tính giúp công nhân có thêm di động tính, để có thể làm ở các nơi khác. Họ còn được huấn luyện về cách thức xin việc để biết cách điều đình, ăn nói và trình bày khả năng của họ.

Một số công nhân bày tỏ nỗi cay đắng rằng họ đấu tranh chống Cộng chỉ để nhận hậu quả là bị mất công việc đóng tầu. Tuy nhiên, họ vẫn tự hào là đã góp phần vào phong trào đấu tranh ôn hòa của Công đoàn Đoàn kết để lật đổ chế độ độc tài toàn trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG