Đường dẫn truy cập

Hội Thân hữu Huế và các hoạt động từ thiện ở Việt Nam


Mặc dù sang định cư ở Mỹ khi còn là một thiếu nữ, bà Lương Thiên Nhiên vẫn thường được nghe kể về những hoàn cảnh khốn khó của nhiều người dân ở Việt Nam và luôn mong muốn được làm được một điều gì đó để giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Xúc động trước tình cảnh của những nạn nhân của trận lũ lịch sử năm 1999 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, bà đã tham gia cùng một số Việt Kiều khác để thành lập tổ chức có tên gọi Hội Thân hữu Huế vào năm 2000 với mục đích ban đầu nhằm cung cấp các vật phẩm cứu trợ khẩn cấp cho nạn nhân của trận lũ. Tới nay Hội đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác.

Theo số liệu được báo chí Việt Nam ghi lại, trận lũ lịch sử tháng 11 năm 1999 đã gây thiệt hại nặng nề cho cho tỉnh Thừa Thiên Huế, làm 352 người thiệt mạng, 24 người mất tích, 94 người bị thương, thiệt hại về tài sản lên tới hơn 2.284 tỷ đồng.

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc và các giới chức địa phương cho rằng các nạn nhân của trận lụt này cần sự hỗ trợ trong 10 năm thì mới có thể trở lại được cuộc sống bình thường như trước.

Bà Lương Thiên Nhiên, Thạc sĩ Y tế cộng đồng, là người đồng sáng lập Hội Thân Hữu Huế và hiện tại là giám đốc điều hành của Hội. Bà cho biết vào năm 2000, một nhóm những người có tâm huyết muốn cứu giúp đồng bào ở Việt Nam, trong đó có ông Nguyễn Đình Hữu, một người rất có uy tín trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vì những hoạt động từ thiện của ông, đã về Huế để tìm hiểu tình hình và tìm cách giúp đỡ những nạn nhân ở nơi đây.

Kết quả của chuyến đi đó là sự ra đời của Hội Thân hữu Huế trong cùng năm đó để đáp lại lời kêu gọi của các nạn nhân của trận thiên tai lịch sử ở miền Trung Việt Nam.

Bà Thiên Nhiên cho biết về hoạt động ban đầu của hội:

“Khi mình thành lập vài công tác đầu tiên là mình cứu trợ bão lụt cho đồng bào ở miền Trung. Sau đó mình có thêm chương trình nữa là chương trình y tế. Vì khi bão lụt như vậy thì không những của cải bị mất mát mà trong thời gian dài sức khỏe (của người dân) sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, thành ra hai chương trình đầu của hội từ thiện Thân hữu Huế là cứu trợ bão lụt và chương trình khám cho những đồng bảo ở miền quê hẻo lánh và những nạn nhân của thiên tai lũ lụt.”

Ngoài ra, một hoạt động lớn nữa của Hội là việc xây dựng trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Xuân Phú ở Huế để giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi, phần lớn là các trẻ em mồ côi và bị mất nhà cửa trong trận lụt năm 1999.

Hai phương châm chính của hội do ông Nguyễn Đình Hữu đề ra là phải đối xử và chăm sóc trẻ em như là chính con em của mình và việc bảo vệ cũng như phúc lợi của trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu đối với những người và tổ chức được tin tưởng giao phó chăm sóc các em.

Sau những thành công ban đầu, vào năm 2007, hội đã mở rộng hoạt động với việc thành lập một trung tâm dạy nghề như may vá, thủ công, vi tính, tiếng Anh cho trẻ em mồ côi hoặc trẻ em nghèo nhằm trang bị cho các em những kiến thức cần thiết cũng như giúp cho các em có được một nghề nghiệp cơ bản để sau này các em có thể hỗ trợ cho kinh tế gia đình và đóng góp cho xã hội. Sau khi hoàn thành chương trình học nghề các em cũng đã được hội hỗ trợ để xin việc làm phù hợp.

Chương trình chăm sóc y tế của Hội sau đó cũng đã được mở rộng thành chương trình ‘phòng khám lưu động’, theo đó mỗi tháng một đội ngũ bác sĩ và nhân viên được cử tới các vùng quê để khám bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo.

Thêm vào đó, một chương trình hết sức thực tiễn nữa mà hội đã thực hiện là chương trình cho người nghèo vay những khoản vay vốn nhỏ không tính lãi để họ có thể kinh doanh, nuôi gia cầm, gia súc, nuôi thủy sản hay canh tác nhằm cải thiện đời sống kinh tế của gia đình và giúp họ thoát ra khỏi hoàn cảnh nghèo khó.

Bà Thiên Nhiên cho biết mỗi chương trình đã đạt được những kết quả khác nhau:

“Nói chung là từ đó đến giờ mình cũng đã cung cấp dịch vụ và giúp đỡ cho gần 40.000 người rồi. Thí dụ chương trình khám sức khỏe cho đồng bào miền xa, hoặc là mổ tim chẳng hạn thì mình cũng đã giúp đến gần 30.000 người rồi, con số này không phải là ít. Cái khác nữa là chương trình vay vốn cho gia đình nghèo, thì hè vừa qua mình cũng có cơ hội về và phỏng vấn những gia đình được giúp đỡ và mình thu nhận số liệu thì những gia đình đó, tiền thu nhập hàng tháng nâng lên từ 18% tới 50%, thành ra cái đó là cái đánh giá mà mình thấy có thay đổi và nó ảnh hưởng tới cả gia đình và cả thôn chẳng hại. Vì cái chương trình vay vốn là nhằm vào thôn nào nghèo để giúp cả thôn, chứ không phải chỉ một gia đình thôi."

Để đạt được rất nhiều những thành công trong gần 10 năm qua, Hội Thân hữu Huế cũng đã và đang phải vượt qua khá nhiều khó khăn trong khi thực hiện các hoạt động từ thiện ở Việt Nam.

“Thiên Nhiên nghĩ cái khó khăn phần lớn là vấn đề tài chính, nhất là trong thời gian này, và cũng có nhiều hội từ thiện như Hội Thân hữu Huế đang hoạt động ở Việt Nam cũng gặp tình trạng kinh tế khó khăn. Nói chung thường thường mình phải có mục đích và làm cho có uy tín và có kết quả tốt thì mới có thể xin tiền được. Cái thứ hai là nhân lực, mình dựa vào nhân lực ở Việt Nam để giúp mình làm những công việc như vậy và mình cần những nhân viên có khả năng và kinh nghiệm để làm việc, và đối với Hội Thân hữu Huế và những hội khác thì mướn người có kinh nghiệm nghề nghiệp ở Việt Nam rất là khó. Một phần khó khăn nữa là về các qui định và luật lệ, luôn luôn có 3 cấp là Trung ương rồi tỉnh/thành phố rồi địa phương, nhiều khi qui định không rõ ràng nên mình rất mất thời gian về vấn đề đó.”

Bà Thiên Nhiên cũng cho biết nguồn tài trợ chính của hội là sự đóng góp của các cá nhân, các nhà hảo tâm và khoảng 30% là do tài trợ của các hãng, và tổ chức khác.

Sự bền vững của các chương trình mà Hội Thân hữu Huế đang thực hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu của hội, chính vì vậy để duy trì được các hoạt động trong tương lai bà Thiên Nhiên cho biết gần đây Hội đã có một số chuyển hướng:

“Mình muốn chuyển hướng sao mà những công việc bên đó làm có những chương trình nó tự tạo ra tài chánh để giúp những chương trình khác bên đó. Hoặc là mình chuyển hướng nữa là mình sẽ huấn luyện và đào tạo những người bên đó để họ có kỹ năng để tự họ làm việc và tự kiếm tiền thay vì mình cứ giúp tiền cho họ. Ví dụ như chương trình sức khỏe sắp tới đây hội cũng sẽ thực hiện chương trình giáo dục đồng đẳng về sức khỏe để các em sinh viên trẻ mới ra trường mà chưa có nghề thì họ có thể đi giáo dục về sức khỏe chẳng hạn. Họ sẽ đến những thôn nghèo để giáo dục về sức khỏe, tại vì theo số liệu mà hội đã nhận được trong thời gian qua, phần đông số trẻ em Việt Nam vẫn bị những bệnh mà có thể ngăn ngừa dễ dàng qua sự vệ sinh sạch sẽ như rửa tay chẳng hạn.”

Tháng 2 năm 2010, Hội Thân hữu Huế sẽ kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam với một buổi gây quĩ và giới thiệu kế hoạch hoạt động trong giai đoạn sắp tới. Hội hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các mạnh thường quân trong buổi kỷ niệm này để có thể tiếp tục đạt được thêm những thành công trong tương lai và giúp cho đồng bào nghèo ở Việt Nam ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu quí vị quan tâm đến hoạt động của hội và muốn giúp đỡ đồng bào ở Việt Nam thông qua Hội Thân hữu Huế, quí vị có thể vào thăm trang web www.friendsofhue.org để tìm hiểu thêm chi tiết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG