Hồ Đình Nghiêm. Sinh năm 1957 tại Huế. Học xong Cao đẳng Mỹ thuật năm 1978. Làm thuyền nhân năm 1980. Viết truyện ngắn đầu tay ở trại tị nạn Kowloon, Hồng-kông. Định cư ở Montréal, Canada từ 1981. Đã xuất bản 4 tập truyện: Nguyệt Thực, Văn Nghệ, California 1988; Tờ Mộng Rách Rồi, Tân thư, Thời văn, California 1991; Vầng Trăng Nội Thành, Văn Mới, Cali. 1997; Mùi Hương Trên Đồi, Văn Mới, Cali.2005.
Kỳ 1
Tôi bỏ Nha Trang mà đi sau chuyến vượt biển không thành. Ý trời. Cả bọn mười mấy mạng bị sa lưới. Tôi và Vân vận hên lọt sổ, thất thần gặp nhau ở bến xe đò nửa mừng nửa lo và chẳng đứa nào nói được nên lời. Tôi dắt Vân về nhà ông cậu ngủ tạm một đêm. Đêm hầm hập nóng, mái tôn chuyển mình giãn nở kêu ca và bóng tối ngoài sân cát như biết dồn ép tới căn nhà nỗi bất an khiến đứng ngồi không yên. Vân moi trong lưng quần ra một “cây” cuối cùng dành để “hộ thân hộ thổ”: Nhờ cậu tìm cách mua giúp con cái giấy đi đường… Tao vào Sài Gòn. Còn mày? Tôi ngó chăm vào cây đèn dầu. Ngọn lửa của nó thấp thỏm cháy, khiến sau lưng chúng tôi là mảng bóng đen, dính vào vách liên kết những hình thù quái dị, tựa hồ ai đó đang lặng lẽ dán sát mình để lén nghe. Tôi thử quan sát phản ứng ở người cậu râu tóc bạc trắng. Đèn thì đỏ quạch, câm nín vũng sáng. Mặt ông cậu thì đen đúa một nỗi chịu đựng quen thuộc, gần như lãnh cảm. Có vẻ ông ngầm ưng thuận lời yêu cầu của Vân. Quay sang tôi: Mi cũng nên trốn đi cho yên thân. Ông ho khan: Về Huế chẳng hạn.
Tôi nghe lời, chẳng gợn lòng tính toan. Hai hôm sau chính thức vượt biên dật dờ vào địa phận tỉnh Bình Trị Thiên. Vân rất tình nghĩa, giấy đi đường giả làm công nhân viên cung ứng vật tư tỉnh Phú Khánh, vé xe đò mua giá chợ đen và chút tiền dắt túi của tôi có được đều do bởi lượng vàng ròng chia hai hiếm qúy kia. Hôm chia tay, Vân ôm tôi, siết chặt như thứ hành động dành riêng cho tình nhân bạc phước. Hắn nói trong cúi mặt: Chúc mày tai qua nạn khỏi khi về chốn chó ăn đá gà ăn muối. Tôi không thấy bịn rịn. Tôi chẳng nghe ra chút bồi hồi thổn thức. Tôi đứng cứng đờ. Cảm xúc trong người tôi đã trút đi đâu? Là những thùng dầu chôn sâu dưới cát. Chôn mất dấu và bới tìm nhọc công. Tôi xô nhẹ Vân ra nhưng mấy ngón tay Vân vẫn cố bấu vào hai vai, mắt thì nhìn sâu vào mặt tôi. Hắn muốn thu giữ vào trí nhớ lần cuối? Hắn sẽ hôn vào môi nếu tôi là…con gái. Tôi nghĩ vậy. Và tôi xua đuổi: Thôi, mày đi lẹ kẻo trễ tàu. Không một lời chúc lành. Chẳng một tiếng cám ơn. Rồi Vân sẽ tự tìm lấy lý do: Chắc tại nó bị hứng cái “sốc” quá nặng? Chắc là khi cảm động, người ta thường để lộ sự vụng về? Vân gầm đầu đi, tôi ngó theo. Thằng bạn sót lại của tôi, cuối cùng đã biến mất theo kiểu ấy. Tựa những bàn chân người hằn xuống hỗn độn trên bãi bốc đã được sóng tràn vào liếm cho sạch dấu tích, trơ lại là bờ cát ẩm nằm trân tráo. Tôi chôn chân trên mặt đất Nha Trang rạn nứt những kỷ niệm, cô đơn vô bờ. Ông cậu nói như trấn an: Mi về ngoài nớ có gì thì con Cúc nó bao che cho một thời gian…
Xe đò rệu rã chạy dần vào thành phố. Huế có cơn mưa giông rãi xuống trắng xóa đón lấy tôi, mù mịt. Tứ bề là mưa, chẳng nhìn ra phương hướng. Tôi lẩm bẩm cái tên xa lạ của người chị. Cúc, Cúc, Cúc…
Đó là người đàn bà chẳng có gì để khiến người khác phải chú ý. Lần hồi, sau khi hai miền đã thông thương, hình như ai cũng tập làm cho con mắt quen dần với thứ hình ảnh gần như đồng dạng rập khuôn ấy. Cái áo cụt may có hơi chật làm khổ đôi vú, quần đen bèo nhèo hà tiện vải ngắn lên mắt cá và chân mang đôi dép có gót mà quai nhựa không ôm giữ nổi những ngón, làm chúng có vẻ luôn muốn “giải phóng” ra khỏi bàn chân đi bước nặng nề cục mịch. Tình máu mủ là cái gì thật trừu tượng, buổi gặp mặt lần đầu tôi ngồi lặng thinh đốt khói. Quà của chị Cúc mang vào cho là mấy gói thuốc Tam Đảo và ít phong lương khô sản xuất từ Trung Quốc. Chúng nó gợi lên sự háo hức tò mò nhiều hơn là đón nhận sự xuất hiện bất ngờ của chị ở cảnh đoàn tụ rất đỗi ngỡ ngàng mà thực tâm người ta không ai đủ tỉnh trí dọn lòng đón tiếp. Chị hỏi han tôi đủ chuyện, những dấu hỏi mang chở sự ngây ngô như một người lỡ ngủ quên ở giấc mộng dài mười năm không ngờ dòng đời vẫn thúc bước đi xa. Ban đầu chị gọi tôi bằng cậu, một lát thì kêu tên và sau cùng, như “tiếp thu” được cởi mở, chị mới dùng chữ em.
- Em đừng lo sợ và đừng che đậy. Trường hợp mấy người anh đó nếu họ thành tâm thì cách mạng sẽ khoan hồng thôi. Chị sẽ tìm gặp họ để động viên tinh thần…
Chị nói ra ở cửa miệng những chữ lạ, nghe rổn rảng. Tôi chẳng có gì để lo sợ, để gạn lọc tìm cách che đậy. Nếu có cảm nhận nỗi bất an nào, thì chị phải hiểu đó là do bởi ngôn ngữ chị dùng, chị nói thứ phương ngữ lạ lẫm khiến tôi lo âu. Tôi kể tên mấy ông anh cùng chức vụ họ có được sau bảy tám năm phục vụ mệt mề trong quân ngũ. Người anh hơn chị hai tuổi quân hàm đã là Đại úy và giờ này thì chẳng rõ anh ra sao? Tự tử? Dắt một ít tàn quân đóng chốt đâu đó và đánh hết rác ở ván bài cuối? Thoát ra được tàu Mỹ neo ngoài vịnh Cam Ranh? Hoặc như số đông, vượt vĩ tuyến 17 trong đêm bít bùng, ra ở tù tận ngoài Hoàng Liên Sơn?
Chị Cúc luôn thay đổi sắc diện, ngồi thu một chân trên ghế, mặt lộ ngao ngán, khi thì đăm chiêu lạc hồn. Miệng chị rộng, hai hàng lông mày thưa nhưng tóc thì quá rậm quá dày quá nhiều quá rối. Chẳng biết chị giống ai trong nhà, chị khác thường đủ mọi phương diện. Tôi hỏi chị làm gì ở ngoài đó? Chị không nói. Tôi rụt rè hỏi chị lập gia đình chưa? Chị thở dài. Tôi nghĩ, chị là một trong số đông những người chiến thắng. Ngày hôm nay, chị thong dong ngồi đây với thứ diện mạo ủ dột, váng vất niềm thất vọng thì kể cũng lỗ lã cho chị quá. Chị hy sinh nhiều thứ để cuối cùng cá nhân chị được bù đắp điều gì? Gia đình chẳng còn ai ngoài tôi, thằng em út chưa bị chiến tranh lôi kéo nhập cuộc, lí lịch sạch như một cuốn vở trắng. Nó không có tiền của vật chất, nó chỉ giàu sụ nỗi ngờ vực hoang mang. Nhen nhóm trong lòng tôi niềm trắc ẩn, gần như thương hại chị. Nỗi niềm đó đánh giạt phần nào sự ác cảm luôn mọc trong tiềm thức mỗi khi tôi nghĩ tới kẻ đến từ phương Bắc. Có đêm ngủ sâu giấc mộng mị tôi thấy Hà Nội được giải phóng, nhìn rõ cuộc đời chị Cúc đang rẽ sang bước ngoặt mới. Chị thơ thẩn bên hồ Hoàn Kiếm, dừng chân ở cầu Thê Húc mà mùa thu đang vờn gió nhẹ trên vạt áo dài may tay raglan thêu thùa hoa lá công phu. Chị uốn tóc, tô son kẻ mày và lấy được ông chồng… tư sản mại bản.
Tôi đứng lạnh run trước cánh cửa đóng chặt. Tôi đã thử gõ lên đó, từ tốn, cấp bách, dồn dập nhưng chẳng có kết quả. Tần ngần, tôi thu hai tay vào túi quần, đi nép sát mái hiên tránh mưa để tới bên một cái tủ bán thuốc lá có che bao ny-lông nằm nhô ra cách đó hai căn.
- Lấy cho anh mấy điếu thuốc.
Đứa nhỏ bán hàng ngó tôi như ngó thằng chuyên môn đi cướp giật. Nó ngồi thu lu, hai đầu gối cao tới mang tai.
- Đưa tiền đây. Thuốc gì? Bao nhiêu mới đủ mấy điếu?
Tôi nói tên một loại thuốc đen và trao vào tay nó tờ bạc nhàu nát.
- Em biết chủ nhà bên đó không?
- Con mẹ Cúc bộ đội hả? Ai mà không biết?
- Ừ. Con mẹ bộ đội tên Cúc. Tôi lập lại chậm rãi từng chữ. Miệng tôi đắng và Huế chưa hề cho tôi niềm vui nhỏ từ hôm tôi xuống tới bến xe. Thành phố ghẻ lạnh, dù tôi xa nó chưa bao lâu. Tôi thực sự là đứa con hoang, với tất cả những thành phố, không cứ là Huế thiết thân. Đứa nhỏ trao thuốc và vui vẻ loan tin:
- Giờ ni thì mụ ta có mặt dưới rạp chiếu bóng Khải Hoàn chứ mô có ở nhà. Bộ muốn tìm mụ Cúc hả? Dưới đó đang chiếu phim thần thoại của Liên-xô, tha hồ mà nghe mụ ấy thuyết minh kể lể chuyện hoang đường.
Tôi thắp một điếu thuốc. Buồn miệng chỉ biết hút, bởi chẳng thể kiếm được thứ gì để đút vào mồm. Lạ một điều là khói thuốc có thể giúp người ta cưỡng chống cơn đói, hoặc khi ngậm điếu thuốc, môi bận bịu, người ta sẽ bớt phát ngôn linh tinh. Con bé này có ngày tai ương sẽ đón đầu nó bởi nó có vẻ luôn ngứa miệng, ăn quàng nói xiên. Tôi thu cất những điếu thuốc vào chỗ khô ráo nhất trong người rồi cắm đầu chạy dưới mưa. Rạp Khải Hoàn kia rồi. Nó không thay đổi gì ngoài bề mặt ngoại trừ bất ngờ dung nạp thêm chị Cúc vào làm việc bên trong. Chuyện gì đã xẩy tới với chị để khiến giờ này chị phải thuyên chuyển công tác về làm cho cái rạp chiếu bóng cũ kỹ này. Tôi không tin là nhà nước thanh lọc lại cán bộ để phát hiện ra cái lý lịch “đen tối” do gia đình ở trong Nam ảnh hưởng đè nặng tới chị. Hai chị em đã có lần bất đồng ý kiến khi tôi điền bản tự khai trong tờ đơn đi xin việc với sự hướng dẫn của chị. Lần đó, chị hỏi:
- Kể chị nghe, vì sao mẹ chết?
- Bị bệnh ngặt nghèo. Năm 72 tụi này đưa mẹ đi nằm hai ba bệnh viện điều trị, xoay xở mãi vẫn không qua khỏi.
- Chắc không?
- Việc gì phải dấu chị điều đó?
- Thôi, như thế này nhé, ngang đây em cứ ghi bị chết vì bom đạn của Mỹ Ngụy trên đường sơ tán từ Quảng Trị vào Huế.
- Sự thật thì bao giờ cũng hơn. Vả lại có những điều không đáng để mình ngụy tạo.
- Sao là không đáng? Nghe lời chị đi. Em sẽ phải tìm ra một công việc thích hợp. Chế độ này ai cũng lao động cần cù…
Sau đó câu chuyện dẫn dắt tới một cuộc cãi vã nặng nề mà tôi là kẻ thua cuộc. Tôi dong hai tay đầu hàng cho chị khỏi mắng tôi bị “chúng nó” tiêm nhiễm tư tưởng phản động. Tôi buồn chán cuộc sống mới, tôi vơ một đống đồ kỷ niệm trong gia đình mang vào chợ trời bán đổ bán tháo. Tôi bỏ Huế, tôi đi bụi đời và tôi đi một mạch vào tuốt Nha Trang.
Lòng thù hận của con người thật khó hiểu, đã đành, sợi giây nối kết tình ruột thịt của chúng tôi thì sao? Gặp lại nhau lần thứ hai này, chị Cúc sẽ có thái độ nào? Tôi không biết. Xui cho tôi quá, lý ra giờ này tôi ngồi trên ghe và xa xăm ngoài trùng khơi là vùng đất của tự do, con người ở đó sẽ nhân đạo đưa tay cứu vớt chúng tôi, họ chẳng mấy thiện cảm nhưng họ ái ngại, thương hại cho lũ người bị chủ nghĩa cộng sản bức hại tận đường cùng.
Tôi đứng xếp hàng và mua một cái vé với giá rẻ nhất. Bán vé là gã đàn ông có vẻ kháu ó. Nhìn quanh, công nhân viên toàn là phái nam, họ làm việc chẳng mấy hứng thú, tuồng như bị bắt buộc, miễn cưỡng. Không riêng tôi, trông họ cũng đang đói rét. Cái ưu việt của giai cấp vô sản là chúng tôi không có hố sâu cách biệt: Xanh mét. Thèm ăn. Thèm ngủ. Tự mình đánh thắng những thèm muốn viễn vông khác. Thúc thủ!
Hơi ấm trong rạp mơn trớn vào da thịt khiến dễ chịu. Ngược lại, nhiều ngọn đèn không chịu “cần kiệm” đồng loạt thi đua mức độ ánh sáng chiếu vào những khẩu hiệu giăng đầy tường làm tôi choáng váng. Mọi thứ dùng để trang hoàng trong rạp chiếu bóng khiến nó biến đổi gần thành một tòa án, chỉ thiếu quan tòa, chỉ thiếu vành móng ngựa. Con người ngồi không yên chỗ kia thảy đều là tội đồ. Không phải sao? Đã là người thì ai mà chẳng tạo nên lỗi lầm!
Chỗ ngồi có ghi số trên tấm vé nằm sát lối đi vào phòng vệ sinh. Mùi hôi khai luôn xô đẩy ra từ sau tấm màn vải lem luốc treo thế cánh cửa, và ở vị trí này người ta thường giễu bằng cụm từ: Bắt tay với tài tử. Con bé bán thuốc lá quảng cáo có thể đúng, phim hấp dẫn không mà người đi xem cũng khá đông. Và khán giả thích thú với loại thần thoại hoang đường thì xem chừng cũng hơi khác thường. Họ dễ tính và cởi mở ra mặt, hơi bị vô tư. Một tên thanh niên cỡ tuổi tôi ngồi ghế bên lân la gợi chuyện:
- Phim ngộ lắm nghe. Tui coi lần này là lần thứ hai… Thiệt tức cười… (Còn tiếp 1 kỳ)