Các nhóm bênh vực nhân quyền kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua luật chống bạo hành phụ nữ, trong đó sẽ buộc chính phủ Mỹ cố gắng chấm dứt tệ nạn này trên toàn thế giới. Thông tín viên VOA Elizabeth Lee ghi nhận luật này dự trù tài trợ một chương trình 5 năm để giảm bớt nạn bạo hành tại những quốc gia có vấn đề này nghiêm trọng nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, một trong ba phụ nữ trên thế giới đã gặp cảnh bạo hành trong cuộc đời. Nhiều phụ nữ vô tội và cô thế đã trở thành nạn nhân của những tội ác dã man nhất.
Bà Ntamitonde, một người Congo nói trước Quốc hội Mỹ: “Tôi không muốn trở về xứ khi nghĩ đến những gì mà họ đã làm cho tôi. Có 3 người đã hiếp tôi trước mặt đứa con trai của tôi”.
Bà là một trong hàng trăm người đã bị hiếp dâm trong bối cảnh Cộng hòa Dân chủ Congo gặp nội chiến. Các phiến quân ở đó đã hiếp bà và sau đó đã đốt nhà bà.
Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton loan báo Hoa Kỳ dành hơn 17 triệu đôla để chống bạo hành tình dục ở Congo. Nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng Hoa Kỳ cần làm hơn thế nữa.
Diễn viên điện ảnh Nicole Kidman, Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, nói với các thành viên Quốc hội Mỹ: “Nhiều phụ nữ khắp thế giới đã trở thành nạn nhân của hãm hiếp, buôn người và bạo hành trong gia đình. Những kẻ phạm tội không bị truy tố vì nạn này không được nhiều quốc gia xem là có ưu tiên cao. Nhưng chúng ta có thể thay đổi”.
Kidman và các tổ chức nhân quyền kêu gọi Quốc hội xúc tiến ban hành luật chống bạo hành phụ nữ.
Nếu được thông qua, luật sẽ có ngân khoản giúp đỡ nạn nhân, ví dụ như chăm sóc sức khỏe, đào tạo cho cảnh sát cách ngăn chận bạo hành phụ nữ.
Các nhóm nhân quyền cũng muốn Hoa Kỳ hợp tác với các tổ chức ở cấp cơ sở để giáo dục phụ nữ các nước nghèo chống lại nạn này.
Cô Sina Vann người Kampuchia bây giờ đang cộng tác với một tổ chức loại này. Trước đó, cô đã bị bán cho một ổ điếm ở Phnom Penh khi mới 13 tuổi. Cô cho biết: “Chủ động bảo tôi phải mang tiền về mỗi ngày, nều không họ sẽ tra điện tôi”.
Cô ở trong động mại dâm hơn hai năm trời trước khi được một tổ chức nhân quyền cứu vớt. Bây giờ cô giúp các nạn nhân khác ở Kampuchia học những kỹ năng mới và làm lại cuộc đời.
Bà Melanne Verveer, Đại sứ lưu động của Mỹ cũng ra điều trần: “Muốn giải quyết vấn đề này, điều cực kỳ quan trọng là phải cải thiện giáo dục và điều kiện kinh tế”.
Bà cho rằng bạo hành phụ nữ cũng là một vấn đề thuộc về an ninh quốc gia: “Sự tương quan rất rõ. Nơi nào mà phụ nữ bị áp bức, quản lý công quyền ở đó thường yếu kém, và chủ nghĩa cực đoan rất dễ nẩy mầm”.
Giờ đây, các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền phải chờ xem dự luật này có tìm đủ sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ để trở thành hiện thực hay không.
Đọc nhiều nhất
1