Tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam hiện nay được nhận định là đang diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Theo một báo cáo của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự Xã hội của Bộ Công an Việt Nam, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2009, đã xảy ra 191 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, với 362 đối tượng được xác định là có dính dáng đến hoạt động môi giới, mua bán và 417 người là nạn nhân của nạn buôn người.
Những phụ nữ và em gái này đã bị bán đi khắp nơi như Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong, Macau, Malaysia, Đài Loan, Nam Triều Tiên, v.v. nơi họ bị cưỡng bức lao động hoặc bị bán vào các nhà chứa và bị ép làm nô lệ tình dục.
Đặc biệt rất nhiều phụ nữ Việt Nam ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp bị bán sang Campuchia. Hồi năm 2004, cảnh sát Campuchia ước tính có tới 50 ngàn em gái bị bán vào các nhà chứa ở nước này, trong đó có rất nhiều em là người Việt Nam. Tổ chức Nhân quyền Thế giới và UNICEF ước tính rằng 1/3 số gái mại dâm ở Campuchia ở độ tuổi dưới 18, trong đó đa số là các em gái người Việt Nam.
Cô Sina Vaan cũng là một trong số những nạn nhân của tệ nạn buôn bán người qua biên giới. Khi mới 13 tuổi, một lần vì giận gia đình, cô đã theo bạn và một người lạ đi Campuchia. Khi đó cô chỉ nghĩ rằng mình đi du lịch. Cô kể về hoàn cảnh đã đưa cô đến việc bì lừa sang Campuchia:
“Gia đình của em không phải là không có ăn, em giận lên trên đây (qua Campuchia) là vì em biết cha mẹ em có mà taị sao cha mẹ không nuôi em mà cho em ở với bà nội. Em của em ở với mẹ được, sao em ở không được. Em giận chuyện nuôi em của em được mà không nuôi em được, em giận chuyện đó mà em đi ra (khỏi nhà), rồi em đi lên Campuchia với bạn và với bà Hai. Thực ra em không quen bà đó, mà bà đó quen với bạn em”.
Sau khi đặt chân tới đất Campuchia, cô đã bị bán vào một nhà chứa. Sina kể bằng tiếng Khmer thông qua một người phiên dịch trong hội thảo:
"Tôi bị nhốt trong một căn phòng ở trong nhà chứa. Tôi đã nằm dưới gậm giường và khóc. Tôi tự hỏi mình đang ở đâu, họ đã làm gì mình, ai có thể giúp đỡ mình. Sau đó họ bắt tôi uống một thứ nước, tôi không muốn uống nhưng họ đã đánh tôi và bắt tôi phải uống. Hai người đàn ông đã tới đánh tôi, và tôi đã phải uống thứ nước đó, sau đó thì tôi bất tỉnh."
Sau lần đầu tiên bị cưỡng hiếp bởi một người đàn ông da trắng, cô bị buộc phải tiếp đủ loại khách, có những hôm lên tới 20 hay 30 khách một ngày, nếu không muốn bị đánh đập và tra tấn. Cô phải sống trong những nhà chứa, bị cưỡng hiếp, đánh đập như thế trong suốt hơn hai năm cho tới khi được cứu thoát trong mộc cuộc truy quyét tệ nạn buôn bán phụ nữ của cảnh sát Campuchia. Vụ giải cứu được hỗ trợ bởi tổ chức mang tên Quĩ Somaly Mam, do bà Somaly Mam, một phụ nữ cũng đã từng bị bán làm nô lệ tình dục, sáng lập.
Sau khi được giải cứu và hồi phục những chấn thương tâm lý, cô đã dũng cảm quay trở lại các nhà chứa để tìm cách cứu giúp các nạn nhân khác trốn thoát. Cô nói cô sống trong nỗi căm giận những tên chủ nhà chứa, và chính nỗi đau đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Sina nói: "Giờ tôi không còn là cô bé Sina nữa, mà giờ đây Sina là một người chiến đấu, khi tôi đi tới những nhà chứa đó tôi có sức mạnh, có tinh thần rất cao. Mỗi khi tôi cứu được một nạn nhân, tôi cảm thấy đôi đã giết được một người đã làm hại cô ấy. Những gì mà tôi làm tôi cảm thấy rất vui. Cho dù ai có nghĩ tôi là người như thế nào vì những gì tôi đã làm trong quá khứ, nhưng tôi không quan tâm đến điều đó vì tôi có nhiều nạn nhân yêu mến tôi, và tôi cũng yêu mến họ. Họ là gia đình của tôi."
Hiện tại Sina đang tích cực chung tay cùng tổ chức Somaly Mam, tổ chức đã giúp cô cân bằng lại cuộc sống sau khi thoát khỏi nhà chứa, cứu thoát các nạn nhân không may bị rơi vào cảnh nô lệ tình dục và giúp họ tái hội nhập vào xã hội.
Mới đây Sina Vann đã giành giải thưởng Tự do Frederick Douglass năm 2009. Giải thưởng này vinh danh những cá nhân đã vượt qua được hoàn cảnh nô lệ và cống hiến cuộc đời tự do của họ để giúp đỡ những người khác.
Một diễn giả khác trong buổi hội thảo là giáo sư Shawn McHale, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á của Khoa Quan hệ Quốc tế, trường đại học George Washington. Ông mới trở về từ Việt Nam sau một năm nghiên cứu theo chương trình dành cho các giảng viên do quĩ Fullbright-Hays tài trợ.
Trả lời đài VOA bên lề cuộc hội thảo về nguyên nhân đã khiến tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp và có chiều hướng gia tăng, mặc dù chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều dự án để chống lại tệ nạn này, giáo sư McHale nói:
"Một lý do và là lý do chính là hầu hết các tổ chức phi chính phủ đều ở Hà Nội, trong khi vấn nạn buôn người thì ở các khu vực biên giới, như khu vực biên giới với Trung Quốc, và đặc biệt là có rất nhiều vấn đề ở miền nam, tại khu vực biên giới giáp với Campuchia mà ở đó thực sự không có sự hiện diện mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phu,û vì vậy mà họ không thể đóng vai trò tích cực hơn được. Còn đối với chính phủ thì trước đây họ chưa chú trọng đủ tới vấn đề này, nhưng gần đây thì họ đã làm tốt hơn."
Mặc dù hồi tháng 7 vừa qua, công an Việt Nam đã phát động một chiến dịch nhắm vào các đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên giáo sư McHale cho rằng để đạt được kết quả khả quan trong những chiến dịch như vậy, Việt Nam vẫn còn một vấn đề lớn cần phải giải quyết.
Ông nói: "Điều mà tôi quan ngại là liệu công an Việt Nam có thực hiện được chiến dịch đó hiệu quả hay không, hay họ sẽ đi lại con đường mòn. Vấn đề ở Việt Nam là đôi khi có tình trạng nhận hối lộ ở cấp dưới. Chúng ta biết rõ là công an Việt Nam thực sự vẫn thường nhận hối lộ, vì vậy hy vọng là tình trạng này sẽ được ngăn chặn, và nếu ngăn chặn được tình trạng đó thì họ mới có thể thực sự thực thi được luật pháp. Nhưng đây là một vấn đề lớn và rất khó có thể giải quyết được."
Giáo sư McHale cũng đưa ra một số giải pháp mà Việt Nam có thể thực hiện để bài trừ tận gốc hoạt động buôn bán phụ nữ và trẻ em.
"Giải pháp đầu tiên theo một nhà nghiên cứu như tôi là phân tích và xác định mục tiêu, xem tệ nạn này xảy ra ở đâu nhiều nhất, không phải chỉ xác định tỉnh nào, mà trong tỉnh đó đâu là nơi nổi cộm nhất, rồi nhắm tới những khu vực đó. Điều thứ hai là không nên mập mờ về tệ nạn buôn người và mại dâm mà phải thật công khai và minh bạch, đây là vấn đề có tồn tại, dịch bệnh HIV là có tồn tại. Tôi cũng thấy là chính phủ Việt Nam cũng đã treo những biểu ngữ về HIV, thực sự là chính phủ Việt Nam cũng đã bắt đầu chú ý tới vấn đề này và họ đang cố để theo kịp, nhưng họ đã có thể hành động sớm hơn thế."
Là một nạn nhân, cô Sina cũng kêu gọi công an và các giới chức ở khu vực biên giới phải nghiêm khắc hơn, cô cho rằng nếu họ hành động mạnh mẽ hơn thì tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em xuyên biên giới sẽ không xảy ra. Cô cũng mong các bậc cha mẹ hãy quan tâm và chăm sóc con cái, hãy lắng nghe tâm tư của các em và đặc biệt đừng bắt các em phải đi làm xa nhà để kiếm tiền, bởi cuộc sống xa nhà có rất nhiều cạm bẫy.
Hôm 22 tháng 10 vừa qua, trường đại học George Washington đã tổ chức một buổi hội thảo về tệ nạn buôn bán người ở Nam Á và Đông Nam Á. Trong số những khách mời diễn thuyết tại buổi hội thảo có cô Sina Vann, một phụ nữ gốc Việt bị bán làm nô lệ tình dục ở Campuchia và đã được giải thoát sau hơn 2 năm sống trong các nhà chứa. Hiện tại cô đang giúp những nạn nhân như mình thoát khỏi cảnh nô lệ để làm lại cuộc đời.
Đọc nhiều nhất
1