Đường dẫn truy cập

Summertime (Mùa Hè) - J.M. Coetzee


Nhà văn J.M. Coetzee giải Văn Chương Nobel 2003 vừa cho ra mắt cuốn thứ ba và cũng là cuốn chót phản-hồi ký hoặc tiểu thuyết - tiểu sử Summertime/Mùa Hè nối tiếp hai quyển trước là Boyhood/Tuổi Thơ (xuất bản năm 1997) và Youth/Tuổi Thanh Xuân (xuất bản năm 2002).

J.M. Coetzee là nhà văn có tính cách khá đặc biệt, không thích xuất hiện trước đám đông như một người nổi tiếng, và khi chẳng đặng đừng, có mặt nơi đám đông thì lại lảng tránh nói về bản thân. Hai lần được trao giải Booker ông đều không đi nhận giải. Có mặt trong buổi lễ trao giải Nobel năm 2003 nhưng thay vì đọc một bài diễn từ nhận giải lại đọc một truyện về Robinson Crusoe, cũng như mấy năm trước đó được mời nói chuyện ở đại học Princeton ông đã đọc hai truyện về nhân vật tiểu thuyết Elizabeth Costello của mình và hai bài thuyết trình về quyền của xúc vật.

J.M. Coetzee có một lối viết tiểu sử rất khác lạ so với những quyển tiểu sử thông thường do những người chuyên viết tiểu sử các nhà văn nổi tiếng. Ông có ý định vượt ra ngoài biên giới, sự phân chia thể loại văn chương bằng cách tiểu thuyết hóa tiểu sử của mình dưới nhiều hình thức, trộn lẫn hư và thực, sự kiện và hư cấu. Toàn bộ loạt tiểu sử này được J.M. Coetzee đặt tựa đề là Scenes from a Provincial Life/Những Hoạt Cảnh từ Một Cuộc Đời Tỉnh Lẻ gồm 3 quyển và Mùa Hè là quyển chót.

Trong hai quyển trước Tuổi Thơ và Tuổi Thanh Xuân hồi ký được viết dưới dạng tự sự ngôi thứ ba nhằm tạo một khoảng cách giữa con người nhà văn và cái bản ngã ấu thời cũng như bản ngã thanh niên cho nên người đọc còn dễ nắm bắt những sự kiện. Nhưng đến quyển Mùa Hè thì J.M. Coetzee đã cách tân thể loại tiểu sử thêm một bước nữa, thay vì kể lại những biến cố sự kiện lại dùng kỹ thuật thuyết thoại (narration) hậu-hiện-đại cho nên quyển này khó đọc hơn hai quyển trước.

Mùa Hè là cuốn tiểu sử J.M. Coetzee do một nhân vật được tác giả hư cấu có cái tên Ông Vincent, một nhà viết tiểu sử trẻ người Anh, thực hiện sau khi J.M. Coetzee đã chết. Như chúng ta biết J.M. Coetzee hiện còn sống ở Adelaide, Úc châu nên giả thiết này có thể coi như một dự phóng tương lai về một cuốn tiểu sử sẽ được viết về ông.

Vậy theo ý J.M. Coetzee ta hãy cứ tưởng tượng như ông đã chết và ông có để lại những cuốn sổ ghi chú chuẩn bị cho việc viết nốt cuốn hồi ký cuối cùng. Trở ngại đầu tiên nhgười viết tiểu sử ông sẽ gặp phải là thông tin về ông do giới văn chương báo chí rất hiếm hoi vì J.M. Coetzee có một đời sống rất riêng tư, kín đáo, gần như qui ẩn.

Tìm đọc trong hai cuốn hồi ký do chính ông viết trước đây là quyển Thời Thơ Ấu và quyển Thời Thanh niên thì cũng được nghe ông sơ lược nêu ra một số sự kiện và những biến cố xoay quanh John một cậu bé có sự ngưỡng mộ Âu-châu nên đã hoàn toàn bị thất lạc về văn hóa khi sống ở Cape Town, Phi Châu vào cuối thập niên 40s và thập niên 50s. Khi đã là một thanh niên vào những năm 60s John rời bỏ Phi Châu sang London, học hành rồi làm việc cho hãng IBM, có những cuộc tình đớn đau, đã thử làm thơ nhưng thất bại, và phải đối đầu với những thực tại ảm đạm của nước Anh vào cuối những năm 60s.

Quyển Mùa Hè vì vậy sẽ được tiếp nối từ những năm 70s khi John trở về Phi Châu sau vài năm sống ở Mỹ để hoàn tất bằng tiến sĩ và đi dạy học. Về lại Cape Town John sống với người cha góa bụa, trong khi kiếm một chân dạy đại học đã phải làm lao động trong cái trang trại hoang tàn của cha, bắt đầu viết văn và xuất bản những quyển tiểu thuyết đầu tiên. Khác hẳn với lối viết của hai quyển hồi ký trước, Mùa Hè kể lại phương cách viết tiểu sử của Vincent: một mặt anh trích dẫn những đoạn do J.M. Coetzee viết trong các cuốn sổ ghi chép để lại, mặt khác anh làm năm cuộc phỏng vấn các nhân vật có liên hệ trực tiếp với nhà văn quá cố này.

Qua những cuốn sổ ghi chép và những bài phỏng vấn do Vincent thu thập và xếp đặt ta hình dung được chân dung một nhà văn luôn phải đương đầu với hai trở ngại: một là, làm sao có thể hòa giải giữa những giá trị văn hóa, trí thức, và đạo đức của mình với cái thực tại sống dưới chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid thời đó ở Nam Phi; hai là, làm sao có thể tạo được những mối quan hệ thân yêu ý nghĩa với phụ nữ.

Nhờ đọc những cuốn sổ ghi chú của nhà văn quá cố J.M. Coetzee Vincent đã tìm cách tiếp cận và phỏng vấn những nhân vật có liên hệ khá thân thiết với nhà văn trong khoảng thời gian từ 1972 tới 1977 là giai đoạn sau khi ông bị trục xuất khỏi Mỹ vì đã tham dự vào những cuộc biểu tình phản chiến và cho xuất bản tác phẩm Giữa Lòng Quê Hương. Chọn giai đoạn này vì Vincent tin rằng đó là giai đoạn quan trọng nhất khi nhà văn trải qua tình trạng bế tắc cá nhân sống trong một xứ sở bị chính trị làm suy đồi và đó lại cũng là giai đoạn nhà văn cưu mang chín muồi một sự nghiệp văn chương tầm vóc.

Có năm nhân vật Vincent đã phỏng vấn là: nữ tâm-lý-gia lâm-sàng Julia Frankl, cô em họ thân thiết hồi nhỏ nhà văn đã phải lòng Margot Jonker, nữ vũ sư người Brezil J.M. Coetzee rất hâm mộ Adriana Nascimento, cựu giáo sư đồng nghiệp Martin J., và một nữ giáo sư đồng nghiệp khác nhà văn đã có một cuộc dan díu tình cảm ngắn ngủi Sophie Denoel.

Tuy đây là những nhân chứng sống nhưng đọc những bài phỏng vấn họ do Vincent thực hiện và biên tập mức độ khả tín cũng rất thấp phần vì những người được phỏng vấn không những đôi khi có thái độ bất hợp tác và lại chỉ nói nhiều về những chuyện không trực tiếp liên hệ tới nhà văn chủ đề của quyển tiểu sử, phần khác vì những bài phỏng vấn đã được Vincent tự ý biên tập theo ý mình và đôi khi đã bị người được phỏng vấn phản bác.

Chung cuộc, những thông tin và sự kiện trong các cuộc phỏng vấn này không những không soi sáng được gì vì không những rất lộn xộn rối bời mà còn trái nghịch nhau nên người đọc không những chẳng hiểu biết gì thêm về cuộc đời nhà văn J.M. Coetzee mà còn rất có thể hiểu sai.

Nhưng cũng thật thú vị khi đọc bài phỏng vấn Margot, kẻ có cái nhìn thiện cảm và am hiểu nhà văn, đưa ra những suy nghĩ của mình về tâm thức lưu đầy của J.M. Coetzee cũng như sự thiếu thoải mái của nhà văn khi sống chung đụng với đại gia đình. Chính Margot cũng vẫn tự hỏi từ bao lâu nay là “Không hiểu thực sự anh ấy có cho mình là một người Phi-châu hay không, và Margot cũng không biết có bao nhiêu người Phi-châu chịu chấp nhận anh ấy là đồng hương.”

Theo suy nghĩ của Marin J. đồng nghiệp của nhà văn thì “thật là thơ ngây khi đơn giản cho rằng một chủ đề được nhà văn đề cập tới trong tác phẩm hẳn là phải có thực trong đời ông ta.” Qua lời Sophie Denoel ta lại rất rất khó nghiêng về bên nào vì tuy J.M. Coetzee “cưu mang yêu dấu cái bản ngã Phi Châu của mình nhưng lại tách mình khỏi sinh hoạt của xứ sở này.”

Theo Sophie thì “dưới cái nhìn chằm chằm của lịch sử, nhà văn tin tưởng rằng không thể nào tách mình khỏi dân chúng Phi-châu mà vẫn giữ được sự tự trọng, ngay cả về phương diện chính trị điều đó có nghĩa mình đã gắn kết với tất cả những gì người Phi-châu có trách nhiệm về.” Thế nhưng, Sophie tuy coi J.M. Coetzee là một kẻ đã không dấn thân hoàn toàn về chính trị ở những thời điểm cốt tử trong lịch sử Nam Phi nhưng lại không đồng ý với ý kiến cho rằng nhà văn đã lãng-mạn-hóa những quan điểm của người Phi Châu.

Về quan hệ với phụ nữ của J.M. Coetzee trong thời gian này cũng có nhiều điều lý thú được tiết lộ trong những bài phỏng vấn. Chẳng hạn nữ vũ sư Adriana nói đến thái độ “thoát xác” của nhà văn khi làm quen mình, sự dửng dưng không chịu để ý đến mình một cách tuyệt vọng của J.M. Coetzee khi đến dự những buổi cô dạy vũ. Adriana đưa ra nhận xét: “Người đàn ông này thoát rời khỏi thân xác mình rồi. Ông ta ly dị với thân xác ông ta. Với ông, thân thể chỉ còn là một hình nhân bằng gỗ…” Adriana cũng tỏ ra ngạc nhiên vì một người mù tịt về tình yêu như vậy lại có thể nào là một nhà văn vĩ đại được.

Sau hết, người tình cũ Julia Frankl lại cho J.M. Coetzee là một kẻ “trong những quan hệ thân ái nhất của con người đã không có thể gắn liền mình với người khác, hoặc nếu có găn liền được thì cũng rất ngắn ngủi hay thi thoảng thôi.”

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG