Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên và cụm từ 'Chính sách thù địch'


Mới đây, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il tuyên bố rằng nước ông sẽ quay lại với cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân với điều kiện là cuộc thảo luận tay đôi với Hoa Kỳ chấm dứt được điều mà ông gọi là “chính sách thù địch” của Washington đối với Bình Nhưỡng. Cụm từ được dùng trong mấy mươi năm này đã là lý do mà Bình Nhưỡng đã nêu lên để tiếp tục sở hữu các loại vũ khí giết người hàng loạt. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Kurt Achin của đài VOA ở Seoul, việc hiểu được một cách chính xác ý nghĩa của cụm từ này không phải là một việc đơn giản. Mời quí vị theo dõi thêm một số các chi tiết sau đây với Duy Ái trong tiết mục Nhìn về Á Châu.

Việc sử dụng cụm từ “chính sách thù địch” của Bắc Triều Tiên là chính xác - nếu chúng ta xét tới sự kiện là trên phương diện pháp lý Hoa Kỳ vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh với Bắc Triều Tiên vì là nước lãnh đạo một liên minh của Liên hiệp quốc để đẩy lui cuộc xâm lấn của Bắc Triều Tiên năm 1950. Cuộc chiến Triều Tiên chỉ chấm dứt năm 1953 bằng một hiệp định hưu chiến chứ không phải là một hòa ước, và hiện nay Hoa Kỳ vẫn bố trí khoảng 28,000 binh sĩ ở Nam Triều Tiên để ngăn ngừa sự tái diễn của một cuộc chiến tranh như thế.

Bắc Triều Tiên nêu lên sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Nam Triều Tiên, cùng với những cuộc thao dượt hỗn hợp hàng năm Mỹ-Hàn, như những bằng chứng của “chính sách thù địch” mà Bình Nhưỡng cho là lý do khiến họ phải thực hiện các chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo ông Dan Pinkston, một chuyên gia Đông Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Seoul, nghĩa rộng của “chính sách thù địch” không được Bắc Triều Tiên định nghĩa một cách rõ ràng.

Ông Pinkston nói: "Đôi lúc thì họ đề cập tới những sự việc cụ thể. Và những lúc khác thì họ mang lại cho nó một tính chất trừu tượng và nó chỉ là một cảm giác, một thứ cảm xúc. Vì thế cho nên, thật khó lòng mà thỏa mãn đòi hỏi của họ."

Chính quyền toàn trị ở Bắc Triều Tiên dạy cho người dân rằng Hoa Kỳ chính là thủ phạm đã gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Các cơ quan tuyên truyền của nhà nước ủng hộ chính sách “songun” của chính phủ, tức là chính sách lấy quân sự làm ưu tiên hàng đầu, để duy trì đất nước trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến dựa trên tiền đề là một cuộc tấn công của Mỹ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong những tuần lễ mới đây, Bình Nhưỡng đã tuyên bố rằng việc Hoa Kỳ bổ nhiệm một đặc sứ mới về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên chính là bằng chứng về sự thù địch của Mỹ.

Ông Yang Moo-Jin, giáo sư của Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, nói rằng “chính sách thù địch” là câu kinh nhật tụng của Bắc Triều Tiên.

Theo lời giáo sư Yang, Bắc Triều Tiên thường xuyên sử dụng cụm từ này để tranh thủ sự ủng hộ của người dân và tạo ra một tình huống báo động. Ông nói thêm rằng đôi khi Bình Nhưỡng cũng dùng cụm từ này để tìm cách tạo chia rẽ giữa Hoa Kỳ với Nam Triều Tiên hoặc giữa các phe phái chính trị ở Nam Triều Tiên.

Chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần nói rằng họ không hề có ý định tấn công Bắc Triều Tiên. Từ khi nạn đói ở Bắc Triều Tiên lên tới cao điểm hồi giữa thập niên 1990 tới nay, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên những khoản viện trợ năng lượng và thực phẩm trị giá hơn 1 tỉ đô la.

Trong 6 năm nay, Hoa Kỳ cũng cùng với Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và những tưởng thưởng về ngoại giao.

Giáo sư Peter Beck, một nhà nghiên cứu về Bắc Triều Tiên của Đại học Stanford ở Mỹ, nói rằng lời tố cáo về “chính sách thù địch” là một công cụ mà Bắc Triều Tiên đã tùy tiện sử dụng để gây trì hoãn cho cuộc đàm phán 6 bên.

Ông Peck nhận xét: "Tôi nghĩ rằng rằng đó là một mật ngữ mà họ dùng để nói rằng “chúng tôi không thật sự nghiêm túc về vấn đề thương thuyết.” Và điều này khiến cho tôi cảm thấy bi quan và nghĩ rằng chúng ta sẽ không có được tiến bộ thật sự với Bắc Triều Tiên trong tương lai gần."

Giáo sư Peck cho biết một chiến thuật trì hoãn khác của Bắc Triều Tiên là xác định việc chấm dứt “chính sách thù địch” bằng những đòi hỏi thiếu thực tế.

Ông Peck nói: "Việc đòi hỏi triệt thoái binh sĩ Mỹ ra khỏi Nam Triều Tiên hoặc loại Nam Triều Tiên ra khỏi chiếc dù bảo vệ hạt nhân của Mỹ là những đòi hỏi tuyệt đối không thể chấp nhận được đối với bất kỳ chính quyền nào ở nước Mỹ, với chính quyền của ông Obama hay chính quyền nào của tổng thống nào cũng vậy."

Giáo sư Peck và các nhà phân tích khác đã chỉ trích điều mà họ gọi là “lầm lẫn” của Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống George W Bush, những sai lầm có thể đã khiến cho Bắc Triều Tiên mạnh miệng hơn khi nói tới “chính sách thù địch.” Ông Bush từng gọi ông Kim Jong Il là “gã lùn pygmy” và “tên bạo chúa”. Ông Bush cũng xếp Bắc Triều Tiên vào danh sách 3 nước mà ông gọi là “trục ác”, rồi sau đó đã đưa quân tiến đánh một trong 3 nước này là Iraq. Chính quyền của Tổng thống Bush cũng đã tiến hành một cuộc duyệt xét quốc phòng với kết quả là thu hồi sự bảo đảm mà Hoa Kỳ đã áp dụng từ lâu là không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc tấn công trước.

Một số chuyên gia cho rằng ông Kim Jong Il sẽ không bao giờ từ bỏ khái niệm về chính sách thù địch của Mỹ vì ông ấy cần tới nó để duy trì sự sống còn của chế độ. Ông Brian Meyers là một chuyên gia về hoạt động tuyên truyền của Bắc Triều Tiên ở Đại học Dongseo của Nam Triều Tiên. Ông nhận định rằng mối đe dọa tưởng tượng của Mỹ giúp cho ông Kim Jong Il biện minh cho việc tăng cường sức mạnh quân sự trong lúc đất nước lâm cảnh cô lập và nghèo đói.

Ông Meyers nói: "Nếu điều duy nhất mà bạn có để duy trì tính chính thống của chính phủ là sự hãnh diện về quân đội của mình, hãnh diện về những thắng lợi của phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân, thì bạn phải không ngớt mang lại sự hãnh diện đó cho người dân, giống hệt như Hitler đã không ngớt đưa quân xâm lăng các nước khác. Đó là tất cả những gì mà ông ấy có."

Giáo sư Myers nói rằng việc từ bỏ lời rêu rao về chính sách thù địch và thật sự giao tiếp tích cực với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ khiến cho Bắc Triều Tiên bị mất đi lý do chính mà họ lâu nay vẫn viện ra để không xúc tiến công cuộc thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG