Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc kết thúc tại Bangkok với ít dấu hiệu tiến bộ. Theo như tường trình của Thông Tín Viên Daniel Schearf của đài VOA từ Bangkok thì vẫn còn có những bất đồng đáng kể giữa các nước đang phát triển và các nước giàu, điều này làm nổi rõ mối quan tâm là liệu có thể đạt được một hiệp ước hay không trong vấn đề này.
Các giới chức Hoa Kỳ cho hay là 2 tuần lễ thảo luận về biến đổi khí hậu chấm dứt với những tiến bộ khiêm nhường, chủ yếu là các tiến bộ về các vấn đề kỹ thuật.
Tuy nhiên những khác biệt chính yếu vẫn tồn tại giữa những nước giàu và những nước đang phát triển về cách thức giảm thiểu khí thải nhà kính.
Các nước đang phát triển muốn các nước giàu cam kết giảm thiểu khí thải nhà kính nhiều hơn nữa và tài trợ thêm cho các nước đang phát triển để giúp họ giảm bớt khí thải nhà kính.
Na Uy và Nhật Bản là hai quốc gia duy nhất được hoan nghênh vì hứa hẹn giảm thiểu khí thải nhiều hơn nữa.
Bà Bernarditas Muller, cố vấn về các vấn đề môi trường cho Philippines và là phát ngôn viên cho nhóm 77 các quốc gia đang phát triển và Trung Quốc. Bà nói là những khoản tài trợ do các nước giàu đưa ra quá ít.
Bà Muller nói: “Những đề nghị trợ giúp mà chúng tôi đưa ra thảo luận về tài chính, về chuyển giao công nghệ, về khả năng thích nghi, tất cả những điều đó đều là những cam kết có tính cách ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên thái độ về các vấn đề này đều có tính cách đi lòng vòng, lẩn tránh trách nhiệm và chuyển trách nhiệm này sang cho chính các nước đang phát triển.”
Các nước công nghiệp cho biết là họ muốn thấy nhiều cam kết hơn từ các quốc gia đang phát triển về việc giảm khí thải.
Ông Artur Runge-Metzger, trưởng đoàn đàm phán của Ủy hội châu Âu nói là những nước đang phát triển ít đưa ra những đề nghị của chính họ tại hội nghị Bangkok và cần làm nhiều hơn nữa trong vòng đàm phán kế tiếp vào tháng 11 tới tại Tây Ban Nha.
Ông Runge-Metzger: “Thay vì nói ‘đồng ý, hãy đem những đề nghị của chúng ta lên bà thảo luận’, họ lại không chịu thổ lộ. Tôi nghĩ đây là điều không may. Và chúng ta thực sự cần thấy những đề nghị này tại Barcelona”.
Những nhóm tranh đấu bày to mối quan tâm là sự khác biệt giữa các nước giàu và các nước đang phát triển càng ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, ông Yvo De Boer, viên chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tuyên bố là có những tiến bộ đáng kể trong tiến trình này và vẫn có một tinh thần xây dựng tiềm tàng
Ông De Boer nói: “Tất cả những yếu tố để đi đến thành công đều có sẵn trên bàn thương thuyết. Và điều chúng ta cần làm là tránh nghĩ đến quyền lợi của mình và đặt quyền lợi chung lên trên.”
Cuộc họp tại Barcelona là hội nghị cuối cùng trước khi những cuộc thương thảo chung cuộc được tổ chức vào tháng 12 tới tại Copenhagen, Đan Mạch.