Đường dẫn truy cập

Văn học miền Nam: Những nỗ lực hải ngoại thập niên đầu 1975-1985


Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Bà nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Sài Gòn, 1971-75), và tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978) ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào mùa xuân 1975. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975, bà trở lại trường học và tốt nghiệp ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế tại Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Từ 1991-93, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., từ cuối năm 1993 tới khi về hưu vào giữa năm 2006. Bà hiện cư ngụ tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Sau khi bài "Câu chuyện văn học miền Nam: Tìm ở đâu?" được đăng trên Blog Nguyễn Xuân Hoàng và Bằng hữu tại Web site VOA này, tôi nhận được nhiều ý kiến rất khích lệ, và tôi thành thực cám ơn quý độc giả đã quan tâm và bỏ thì giờ góp ý.

Trong những đóng góp đó có ý kiến một độc giả, ký dpa (london), thắc mắc sao không thấy nói tới bộ sách 7-cuốn nghiên cứu về văn học miền Nam 1954-1975 của nhà văn Võ Phiến. Tôi cảm thấy cần tái minh xác là bài viết của tôi chỉ nhắm đề cập tới một chuyển hướng tích cực ở trong nước, đặc biệt qua cuộc nói chuyện của chị Thụy Khuê (RFI, Pháp) với nhà phê bình Vương Trí Nhàn ở Hà Nội, trong đó ông ngỏ ý muốn bàn về văn học miền Nam một cách khách quan -- khách quan được đến đâu thì phải chờ mới biết được. Chủ ý của tôi rất khiêm tốn, đó là, với tư cách một người làm thư viện, hướng dẫn tới nguồn tài liệu mà các nhà biên khảo cần, thế thôi. Do đấy tôi đã không đề cập tới những nỗ lực đi tìm lại một nền văn học đã bị khai tử (song không chết) của người ở hải ngoại.

Tuy nhiên, vì câu hỏi đã đặt ra, tôi cảm thấy cần có một bài về những nỗ lực ở hải ngoại trong việc xây dựng lại nền văn học miền Nam ngay sau khi xẩy ra cái biến cố "đốt sách" của chế độ Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1975. Và tôi cũng sẽ chỉ hạn chế câu chuyện vào thời điểm thập niên 1975-85, là thời điểm tôi theo dõi tương đối sát với sinh hoạt văn học nghệ thuật ở hải ngoại, và có tài liệu cũng như kinh nghiệm cá nhân để đóng góp vào cuộc thảo luận. Một lần nữa, đây chỉ là góp ý có tính cách gợi ý của một người làm thư viện, không phải của một nhà biên khảo hay phê bình, và với tư cách một nhà báo, ghi lại những gì mình biết và còn nhớ.

Đợt người ra đi tị nạn cộng sản năm 1975 có lẽ là những người phải "ôm đồm" hơn đợt tị nạn nào hết. Chân ướt chân ráo ra khỏi Nam Việt Nam, có nhiều người, như cá nhân tôi, lúc ấy vẫn còn chưa biết -- mặc dù anh bạn Mỹ lo cho tôi đi đã nhét vào tay cái địa chỉ đâu tuốt tận tiểu bang... Maine nghe nói lạnh lắm, và 99 Mỹ kim đánh đổi lấy 100 ngàn tiền Cộng hoà tôi có trong tay lúc ấy -- mình đi đâu, đến đâu, làm gì, sống ra sao, với hai đứa con nhỏ, với hoàn tòan không một ý niệm gì về việc mình có thể được chính phủ Mỹ trợ giúp, không biết trên đời có cái gọi là chương trình an sinh xã hội mà một người mẹ độc thân với hai đứa con nhỏ được quyền hưởng.

Nhớ nhà đã đành, song vì còn quá sợ, nên hầu như đêm nào cũng nằm mơ thấy mình hụt một chuyến tầu hay chuyến xe để đi khỏi Việt Nam. Rồi nào phải tính tới chuyện đi làm, trau giồi tiếng Anh vốn lâu nay chỉ dùng để đọc tiểu thuyết, làm quen với xã hội mới, với chợ búa, bếp núc, con cái. Lo liên lạc, giúp đỡ thân nhân, bằng hữu ở nhà. Lo cả… nung nấu một ý chí quang phục quê hương, bởi vì người ở nhà đã nhắn, Ai ra đi giữ vẹn cậu thề (Mà mình đã thề cái gì vậy cà trong lúc vội vã ra đi với độc một cái túi nhỏ đựng vài bộ đồ và ít giấy tờ tùy thân bên cạnh chai sữa cho con nhỏ?), Nơi quê hương muôn người chờ ngóng...(*) (Mà thôi, thương nhớ quá, uất hận quá, thì cứ coi như đã thề đi).

Lòng còn muôn nỗi ngổn ngang thì nghe tin "bọn họ đốt sách". Biết điều đó là đương nhiên phải xẩy ra – cuộc Cách mạng Văn hoá (1966-1976) của Mao Trạch Đông vẫn còn đang tiếp diễn kia đây thôi. Nhưng vẫn bàng hoàng. Từ đấy, những mời gọi viết bài của những tờ báo, tạp chí Việt mới ra đời và còn-bỏ-dấu-bằng-tay mang một ý nghĩa khác: không còn là viết cho đỡ nhớ nhà nhớ quê nữa, mà là viết để tiếp nối/gầy dựng lại một nền văn học đã bị bức tử. Sứ mạng lớn lắm, đâu phải đùa. Cá nhân tôi bỗng thấy việc dứt áo ra đi của mình có thêm ý nghĩa, bớt bi thương đi.

Đây cũng là thời gian tôi được tiếp cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến tại nhà ở Sacramento, Bắc California, trên đường anh đi chu du tìm hiểu xem có nên ra báo. Đó là năm 1977. Năm sau anh giao phó việc mưu sinh cho vợ, chị Phương Loan, để dồn hết tâm trí vào việc làm tờ báo Người Việt còn tồn tại tới ngày nay. Trong thùng thư từ tài liệu từ mùa xuân 1975 tôi còn giữ, đây cũng là thời kỳ tôi nhận được nhiều thơ mời viết bài của các báo và tạp chí nhất. Toàn là viết không công, vì anh chị em cũng giật gấu vá vai để ra báo, vừa đi làm kiếm cơm nuôi thân và gia đình. Tôi vẫn còn nhớ có đọc một bài "tả oán" đặc biệt mà tôi rất thích của người chỉ quen ca hát, cho thấy đến cả ca sĩ Khánh Ly cũng có lần xắn tay áo cong lưng ngồi bỏ dấu bài cho tờ báo của ông chồng Nguyễn Hoàng Đoan.

Trong văn học Việt Nam, báo chí không thể tách rời khỏi văn học vì báo chí là đất sống của văn học. Do đấy, dân tị nạn nghĩ tới ra báo trước nhất. Chưa có cộng đồng thiểu số nào mà lại ra nhiều báo như dân tị nạn Việt. (Năm 1988 tôi dó dịp đi dự một cái đại hội thường niên của Hội Ký Giả Người Mỹ Gốc Á Châu ở Los Angeles, có một buổi tiếp tân dành cho báo chí thiểu số. Tại giữa phòng tiếp tân, người ta dựng ba cái giá trên đặt ba cái bảng danh sách báo chí và truyền thông, Việt Nam chiếm một bảng rưỡi!)

Cứ vậy là những nỗ lực lẻ tẻ, rời rạc, song đầy đam mê, có mục đích – thông tin, dĩ nhiên, đặc biệt trong thời kỳ xẩy ra những chuyện vượt biên vượt biển hãi hùng, bi thương; song báo chí cũng còn là nơi tụ hội, bàn bạc, trao đổi, bút chiến, sáng tác, giúp nhau gìn giữ hoài bão quang phục quê hương, trao đổi vài bài thơ cũ, mới, kể cả… các công thức nấu những món ăn quê hương. Nhiều tác giả nên danh nhờ đăng truyện trên báo. Nổi bật nhất phải kể tới người viết Nguyễn Ngọc Ngạn. Sách cũ thời Việt Nam Cộng Hoà một số cũng được in lại, có cuốn in lại mà chính tác giả không được biết, như trường hợp của tôi, với hai tập truyện ngắn Lập Đông (Văn, Sài Gòn, 1972) và Mưa Không Ướt Đất (Văn, Sài Gòn, 1967). Cảm tưởng của tôi khi cầm hai tập truyện (do bạn hữu tình cờ thấy bầy trong tiệm sách nên mua… gửi tặng, biết là sách được chụp và in lại nhờ một chi tiết duy nhất: đó là giá sách bằng Mỹ kim ghi ở góc mặt bên dưới của bìa sau), đó là: Lạ nhỉ, thời buổi này ai còn đọc loại chuyện này mà in chi cho tốn giấy tốn mực không biết. Và ai in sẽ mãi mãi là một bí mật với tôi.

May mắn thay, cũng trong thời gian này, vào đầu thập niên 1980, có tin về việc cơ quan Social Science Research Council (Brooklyn, New York) cùng phối hợp với cơ quan American Council of Learned Societies (New York, New York) thành lập một Ủy ban Liên hợp về Đông Nam Á (Joint Committee on Southeast Asia). Họ rao nhận đơn xin học bổng để nghiên cứu về các vấn đề của Đông Nam Á, đúng ra là về ba nước Việt, Miên và Lào, do ba cơ quan Ford Foundation, National Endowment for the Humanities và Henry Luce Foundation đứng ra tài trợ. Học bổng, nếu tôi nhớ không sai, là trên 20,000 Mỹ kim, với thời hạn nghiên cứu là một năm.

Có nhiều người nạp đơn xin. Tôi cũng nạp đơn xin, để làm một cuộc nghiên cứu về báo chí Nam Việt Nam, 1954-1975. Không may cho tôi là anh bạn cố ký giả Đỗ Ngọc Yến cũng nạp đơn xin để nghiên cứu về cùng một đề tài, nhưng mỗi người một đầu tiểu bang không ai biết về dự án của ai -- vả, biết có xin được không mà hô hoán lên đấy. Anh Yến được học bổng của Joint Committeee on Southeast Asia. Lý do, theo tôi, là tại anh Yến xin với tư cách một nhóm (team), gồm có anh, cố ký giả Lê Đình Điểu (lúc ấy còn ở bên Pháp) và ba người nữa cũng ký giả, tôi không còn nhớ là ai, nên không biết ai còn ai đã qua đời. Tiếc thay, và không rõ vì lý do gì, nhóm năm người này lấy được học bổng song không bao giờ hoàn tất dự án nghiên cứu về nền báo chí của miền Nam.

Với một lô tài liệu sơ khởi đã thu thập được về báo chí miền Nam, được tin về việc nhóm nghiên cứu của Đỗ Ngọc Yến không làm xong dự án, năm kế đó tôi nạp đơn lại một lần nữa, nhưng không được nhận, không phải vì đề án yếu, mà vì JCSA mất tin tưởng, như họ đã viết trong thư gửi cho tôi thông báo việc không thể cấp học bổng cho tôi. (Sau đó, tôi xếp tất cả tài liệu vào thùng, dán nhãn, cất đi, để lo nhiều chuyện cấp bách của đời sống, với con cái, gia đình và việc mưu sinh.)

Dù vậy, hai đề án nghiên cứu khác cùng nạp và được chấp thuận (cùng năm với dự án nghiên cứu về báo chí miền Nam của nhóm Đỗ Ngọc Yến và các bạn) đã tạo được những thành quả đáng kể. Đó là đề án nghiên cứu văn học miền Nam 1954-1975 của nhà văn Võ Phiến, mà kết quả là cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, đã xuất bản đến lần thứ ba và hiện có tại Việt Nam Thư Quán trên Web (**). Việt Nam Văn Học Tổng Quan là cuốn đầu của dự án bẩy cuốn sách mà nhà văn Võ Phiến đã hoàn tất trong đời sống lưu vong. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên viết về nền văn học miền Nam, 1954-1975, một thời kỳ có lẽ là phong phú tưng bừng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. (Độc giả muốn tìm hiểu những yếu tố đã đóng góp vào sự phồn thịnh của văn học miền Nam trong vòng có 20 năm ngắn ngủi ấy nên đọc bài viết "Văn học miền Nam" của chị Thụy Khuê, RFI, Pháp. (***)

Đề án nghiên cứu thứ hai là của chị Công-tằng Tôn-Nữ Nha-Trang (Nha Trang Pensinger), xin học bổng sáu tháng, thay vì một năm, để nghiên cứu và viết bài Women Writers of South Vietnam (1954-1975). Đây là một bài nghiên cứu và phê bình khá công phu, hơn cả cuốn sách duy nhất trước đó viết về các nhà văn nữ của nhà văn Uyên Thao, Các Nhà Văn Nữ Việt Nam, 1900-1970 (Nhân Chủ, Sàigòn, 1973). Tôi vừa xin được phép của chị Nha Trang để dịch và đang nhờ người dịch bài nghiên cứu này, và sẽ phổ biến trong một tương lai gần.

Dù ít, song tôi vẫn nghĩ đây là hai công trình biên khảo có quy mô, đã đặt nền tảng cho việc nghiên cứu văn học miền Nam của hai thập niên 1954-1975 vậy.

Chú thích:
(*) Trích bài hát Sàigòn niềm nhớ không tên (1977) của Nguyễn Đình Tòan.
(**) Văn học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến, http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nmn0ntn31n343tq83a3q3m3237nvn
(***) "Văn học miền Nam", Thụy Khuê, RFI, Pháp, http://thuykhue.free.fr/stt/v/VanHocMienNam.html)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG