Đường dẫn truy cập

Ứng viên Tổng giám đốc UNESCO bị cả đồng hương chỉ trích


Thứ Năm tuần này, các nước thành viên của Tổ chức Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESO) sẽ biểu quyết vòng đầu để chọn Tổng giám đốc mới. Thông tín viên VOA Elizabeth Arrott ở Cairo tường trình rằng ứng viên hàng đầu người Ai Cập gặp chỉ trích chẳng những ở bên ngoài mà còn bên trong Ai Cập.

Nhiều người công nhận Ai Cập nên đứng đầu một tổ chức văn hóa quốc tế vì nước này có rất nhiều địa điểm văn hóa của thế giới.

Ứng cử viên sáng giá nhất là ông Farouk Hosny, Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập từ hơn 20 năm qua.

Tổng thống Hosni Mubarak xem việc ông Hosny được chỉ định là một niềm tự hào của quốc gia. Nhiều người khác cũng đồng ý, trong đó có ông Youssef El-Kaied, nhà báo kiêm tác giả viết tiểu thuyết.

Ông El-Kaied nói ông hy vọng ông Hosny sẽ được chọn vì Ai Cập xứng đáng, và ông Hosny đã nói chức vụ này quan trọng hơn cả bản thân ông.

Nhưng nhiều người cho rằng có những ý kiến tương phản với sứ mạng nòng cốt của UNESCO, sự thông cảm giữa các nền văn hóa khác nhau.

Họ dẫn chứng phát biểu của ông năm ngoái, nói rằng sẽ đốt bất kỳ cuốn sách nào của Israel mà ông thấy trong các thư viện của Ai Cập. Phát biểu này, dù sau đó được rút lại, đã dẫn đến sự phẫn nộ, nhất là từ phía Israel và Hoa Kỳ.

Nhưng ông Hosny cũng gặp những lời chỉ trích từ bên trong Ai Cập. Trước đây, ông đã từng chọc giận những người Hồi giáo bảo thủ khi chỉ trích cái khăn phủ đầu, mà người Ai Cập gọi là hijab.

Khăn này này được nhiều phụ nữ Ai Cập sử dụng, nhưng ông Bộ Trưởng Hosny lại gọi nó là bước tụt hậu của phụ nữ Ai Cập.

Phát biểu gây tranh cãi đó được đưa ra trước khi có phát biểu chống Israel, một phát biểu có tính cách mị dân kể từ khi Ai Cập bị Israel đánh bại vào năm 1967, mặc dù Ai Cập lâu nay vẫn được coi là hiếu khách đối với người Do Thái.

Mới đây, Ai Cập tìm cách phục hồi truyền thống văn hóa này bằng cách xây dựng lại ngôi đền thờ Moses Ben Maimon, một học giả danh tiếng thời Trung cổ của Do Thái, tại Cairo.

Ông Zahi Hawass, Giám đốc cơ quan bảo vệ cổ vật của Ai Cập nói rằng việc phục chế ngôi đền này không liên hệ đến chuyện phục hồi uy tín của ông Hosny ở hải ngoại.

Ông Hawass nói: “Chúng tôi không phục hồi các đền thờ Do Thái vì ông Hosny. Không, chúng tôi phục hồi các đền thờ Do Thái vì chúng thuộc về Ai Cập.”

Bộ Trưởng Hosny cũng bị những người cấp tiến chỉ trích. Sau bao nhiêu năm làm Bộ Trưởng của Tổng thống Mubarak, nhiều người đặt câu hỏi liệu ông Hosni có cho thông tin được tự do trao đổi, một trong các sứ mạng của UNESCO, hay không.

Những người ủng hộ ông nói rằng ông không phải gánh trách nhiệm của cả một chính phủ.

Nhưng chính phủ Ai Cập lại giữ vai trò quan trọng trong khu vực nên vì thế mà ông Hosni có thể được chọn.

Chính phủ Israel thôi không chống đối ông Hosni, sau khi Ai Cập hứa sẽ không để cho vũ khí của Palestine được chuyển lậu từ Ai Cập sang dải Gaza.

Lập trường của chính phủ Hoa Kỳ cũng không rõ rệt. Washington không đưa ra một thái độ công khai về việc bầu chọn người đứng đầu UNESCO, một quy trình được tiến hành theo thể thức kín.

Nhà văn Youssef el-Kaied nói rằng ông hiểu là có nhiều yếu tố quyết định sự chọn lựa này.

Ông el-Kaied nói: “Có nhiều nữ ứng viên cho chức vụ này, và UNESCO chưa hề có một phụ nữ lãnh đạo, do đó lần này ứng viên phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG