Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ đối mặt với thách thức chính trị lớn


Trong những tuần lễ tới đây, Tổng thống Obama sẽ phải đối phó với những thử thách chính trị rất lớn trong lúc các cuộc thăm dò công luận cho thấy sự ủng hộ của dân chúng dành cho hai ưu tiên chính trong chương trình làm việc của ông, là cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe và cuộc chiến tại Afghanistan đang giảm dần. TTV Jim Malone từ Washington có bài tường thuật sau.

Vấn đề cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của Tổng thống Obama.

Nhưng các cuộc thăm dò công luận mới đây cho thấy con số người Mỹ không đồng ý với cung cách ông Obama xử lý trong vấn đề cải tổ y tế đang gia tăng, và điều này làm cho phe Cộng Hòa tại Quốc hội mạnh bạo hơn trong việc tìm cách ngăn chặn những nỗ lực cải tổ.

Ông Fred Barnes, tổng biên tập tờ tạp chí Weekly Standard, phát biểu: "Tuy Tổng thống Obama là một người có tài ăn nói trơn tru, lưu loát nhưng điều đó không nhất thiết là có thể thuyết phục . Và vì vậy ông Obama đang gặp khó khăn trong việc vận động sự ủng hộ cho chính sách cải tổ hệ thống y tế, không những kế hoạch này không được nhiều người ủng hộ mà còn đang làm cho ông mất điểm".

Những người ủng hộ cho chương trình cải tổ hệ thống chăm sóc y tế thấy rằng họ đã bị dồn vào thế thủ trong lúc quốc hội nghỉ hè vào tháng 8 khi phe đối nghịch sử dụng diễn đàn tại các buổi họp dân với các nhà làm luật trên khắp nước để phàn nàn về kế hoạch của Tổng thống Obama.

Giờ đây thì Tổng thống Obama đang gắng sức lấy lại đà tiến chính trị trong cuộc tranh luận về cải tổ hệ thống chăm sóc y tế bằng cách trấn an dân chúng.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: "Đối với tất cả những mánh lới gây sợ hãi mà họ sử dụng thì điều thực sự mà chúng ta phải sợ hãi nhất là chúng ta khoanh tay ngồi yên không làm gì cả".

Một số kết quả các cuộc thăm dò công luận mới đây về mức độ ủng hộ của dân chúng cho Tổng thống Obama chỉ vào khoảng 50 % hay hơn chút đỉnh, giảm rất nhiều so với mức độ ủng hộ thật cao dành cho ông vào lúc ông mới bắt đầu lên cầm quyền.

Ông Tom DeFrank là một nhà theo dõi thời cuộc từ rất lâu, làm việc cho tờ New York Daily News và là khách mời thường xuyên trong chương trình “ Những Vấn Đề Thời Sự” của đài VOA, đưa ý kiến: "Rõ ràng là ông đã không kiểm soát nổi chương trình làm việc của ông nữa. Người ta có cảm tưởng là ông Obama đang để cho tình hình lôi kéo ông đi hơn là ông làm chủ tình hình".

Ông DeFrank nhận định thêm: "Ông không may mắn trong mùa hè này. Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông xuống thấp, chương trình cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe đang lâm nguy, và ngay cả đảng Dân chủ cũng không để cho ông thực hiện ý muốn của ông chứ đừng nói gì đến phe đối lập Cộng hòa nữa".

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng rủi ro trong kế hoạch cải cách y tế rất lớn, không chỉ đối với Tổng thống Barack Obama, mà còn đối với các đảng viên Dân chủ, những người phải lo giữ chiếc ghế của họ tại Thượng viện và Hạ viện trong các cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm tới.

Các nhà phân tích nói rằng phe Cộng hòa đã thành công khi nêu lên một số quan ngại về kế hoạch cải tổ y tế của ông Obama bằng cách tập trung vào hệ quả của nó đối với thâm hụt ngân sách liên bang đang ngày gia tăng, cũng như nêu lên khả năng can thiệp quá nhiều của chính phủ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Ông David Wasserman viết cho tờ tin thư trên mạng Cook Political Report và mới đây đã là khách mời trên chương trình ‘Encounter’ của VOA. Ông nhận định: ‘Phe Cộng hòa đã thực sự giành thắng lợi khi chuyển đi thông điệp gắn chuyện chăm sóc sức khỏe với việc chi tiêu. Mối quan ngại lớn nhất của họ, đầu tiên là tổn phí của bất kỳ kế hoạch nào mà phe Dân chủ đề xuất, và quan ngại thứ hai là quyền lợi về chăm sóc sức khỏe của họ không còn được như trước khi dự luật được thông qua’.

Cuộc thảo luận về vấn đề chăm sóc sức khỏe sẽ nóng bỏng hơn trong tuần tới khi Quốc hội trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè. Ngoài vấn đề chăm sóc y tế, chính quyền Obama dường như sẽ đối mặt với một vấn đề lớn về sự ủng hộ của dân chúng Mỹ cho cuộc chiến ở Afghanistan.

Một cuộc thăm dò ý kiến do ABC News và báo Washington Post tiến hành cho thấy rằng 51% số người được hỏi tin rằng đó không phải là cuộc chiến đáng để hao tốn tiền của, so với 47% số người ủng hộ cuộc chiến.

Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan, Tướng Stanley McChrystal, nói trong một phúc trình công bố trong tuần này rằng tình hình ở Afghanistan nghiêm trọng, nhưng có khả năng giành chiến thắng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG