Đường dẫn truy cập

Thị trường nhân dụng qua Internet


Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của sự bùng nổ thông tin, và đi theo với sự phát triển của mạng Internet đã có không biết bao nhiêu dịch vụ và các cơ hội kinh doanh cho những ai biết sử dụng nó và có sáng kiến trong lãnh vực của mình. oDesk là một trường hợp điển hình kết nối những ai có khả năng và muốn cung cấp dịch vụ với những người cần đến các dịch vụ đó, bất kể bạn ở nơi nào trên thế giới cho dù Việt nam hay Ấn Độ, hoặc Đông Âu hay Ukraina. Mời quí vị theo dõi Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay với Lan Phương trong các chi tiết về công ty oDesk qua các cuộc phỏng vấn với Giám đốc chấp hành công ty và người sử dụng cũng như cung cấp dịch vụ qua công ty này.

oDesk là một công ty tư với thị trường nhân dụng toàn cầu và một loạt những công cụ giúp những doanh nghiệp có ý định thuê mướn và quản trị nhân viên làm việc từ những nơi rất xa.

oDesk có trụ sở tại Menlo Park, bang California. Được thành lập từ năm 2004, cái tên oDesk là viết tắt của ‘no desk’, để cho thấy ý định của công ty nhắm tới bất cứ ai có khả năng muốn làm việc cũng có thể có việc cho dù người đó ở bất cứ đâu.

Ông Gary Swart, Giám đốc chấp hành, giới thiệu về công ty của ông: “Chúng tôi giúp các công ty thuê mướn và điều hành rồi trả tiền cho những tài năng ở rất xa trên khắp thế giới. Do đó chúng tôi là một thị trường việc làm qua internet với mô thức kinh doanh tốt nhất cho cả bên thuê mướn lẫn bên cung cấp dịch vụ.”

oDesk tạo điều kiện để cho người muốn thuê mướn nhân viên - được gọi là buyer - tạo dựng một toán nhân viên làm việc qua internet, do oDesk điều phối và trả lương, sử dụng chính những phần mềm do công ty làm chủ.
Hiện công ty có chừng 326 ngàn người cung ứng đủ mọi loại dịch vụ ở tất cả mọi nơi trên thế giới - gọi là provider - qua oDesk.

Vậy thì làm sao mà một công ty cần người cung ứng dịch vụ có thể đánh giá khả năng và xảo năng của người cung cấp ở mãi tít tận phương trời xa lắc xa lơ?

Giám đốc chấp hành Gary Swart giải thích: “Phương cách mà chúng tôi đánh giá là chúng tôi có một loạt các bài trắc nghiệm mà những người cung cấp dịch vụ có thể thi miễn phí, và muốn thi bao nhiêu lần cũng được, và chúng tôi khuyến khích họ làm như vậy. Thêm vào đó họ có thể đăng quá trình làm việc của họ lên trang web của oDesk, giới thiệu khả năng của họ, đại loại như thế. Sau khi làm một công việc được một hãng hay một người thuê mướn giao phó xong thì người cung cấp dịch vụ để lại một trang góp ý, và như thế nếu họ làm giỏi thì tên tuổi của họ được nhiều người cần đến dịch vụ của họ chú ý. Qua thời gian, người cung cấp dịch vụ có thể chứng tỏ rõ tài năng mà họ có.”

Khi bên thuê mướn chọn được một người cung cấp dịch vụ và đôi bên tự thỏa thuận với nhau về giá cả, thì công ty oDesk sẽ được 10% số tiền trả cho người được thuê mướn.

Tiền trả cho người được thuê mướn sẽ trả qua oDesk, công ty này sẽ đảm đương mọi khía cạnh của vấn đề kế toán trong dịch vụ chi trả.
oDesk còn có một phần mềm để có thể theo dõi sát hầu biết rõ người cung cấp dịch vụ thực sự làm bao nhiêu giờ cho công việc được giao phó.

Các lãnh vực chuyên môn mà oDesk cung cấp gồm cả triển khai trang Web, và một loạt những xảo năng về thảo chương và triển khai phần mềm, thiết kế đồ họa, phụ giúp trong lãnh vực viết lách, quản trị hành chánh và cả dịch thuật nữa.

Nhưng không phải chỉ có kỹ thuật cao, những ai cần đến xảo năng về văn phòng, giao dịch oDesk cũng có.

Anh Matthew Brown, một kỹ sư tại khu vực bắc bang Virginia, cho biết lúc đầu anh phải triển khai một trang web và phải cần đến nhiều người nhưng nhân viên trong công ty của anh thì ít, nên anh phải nghĩ tới việc thuê mướn người giúp anh làm việc bằng cách qua mạng Iinternet.

Lúc đầu anh có liên lạc với những người qua Craiglist nhưng anh không hài lòng vì giá cả vừa đắt mà anh lại không dễ dàng đánh giá được chính xác khả năng của họ.

Kỹ sư Brown nói: “Vì thế tôi đến oDesk vì một người bạn tôi giới thiệu cho tôi biết là tôi có thể thực sự xem quá trình làm việc của nhiều ứng viên khác nhau cung ứng dịch vụ, xem những ý kiến của những công ty từng thuê mướn họ làm việc, rồi chọn một người mà bạn nghĩ là có thể làm công việc bạn giao phó. Vì thế qua oDesk, bạn có thể biết được rất nhiều về ứng viên mà bạn muốn thuê mướn hơn là qua Craiglist.”

Anh nói rằng trong 4 tháng qua anh có nhiều người làm việc cho anh, 1 người tại Canada, 2 người tại Philippines, 1 người ở Ấn độ, 1 người ở Nhật và 1 người ở bang Florida, Hoa Kỳ.

Anh cũng cho biết điều mà anh thấy hay nhất về oDesk là anh có thể biết chính xác thời gian thực thụ mà người cung ứng dịch vụ cho anh sử dụng cho công việc anh giao phó và anh trả công cho họ bằng thẻ tín dụng cho oDesk, tránh được tất cả mọi rắc rối, lôi thôi trong vấn đề giấy tờ trả lương.

Cũng theo lời giám đốc chấp hành Gary Swart thì hiện nay có một số đến 751 người Việt nam cung cấp dịch vụ cho oDesk, phần lớn sinh sống tại Việt Nam. Họ cung ứng những dịch vụ gì và lương hướng ra sao?

Ông Swart cho biết: “Triển khai phần mềm, Specific Amazon và xảo năng Linux, và tôi có thể nói rằng hầu hết họ cung ứng dịch vụ trong ngành kỹ thuật, và còn tùy ở xảo năng của họ và ý kiến của người đã sử dụng tới dịch vụ của họ và uy tín của họ, nhưng công việc nhập dữ liệu thì không thể trả nhiều như những xảo năng cao như triển khai Ruby on Rail chẳng hạn. Lãnh vực kỹ thuật trải rộng với rất nhiều loại nhưng tôi chỉ nói trung bình thôi, tính đổ đồng một người cung ứng dịch vụ tại Việt Nam kiếm được chừng 15 đô la một giờ qua oDesk.

Ông Swart cũng trưng dẫn trường hợp của anh Bang (Băng hay Bằng? Người Mỹ đánh vần nhưng không bỏ dấu) một chuyên viên phát triển phần mềm Ruby on Rail tại thành phố Hồ Chí Minh, được trả 27 đô la 78 cents một giờ, và được người sử dụng dịch vụ của anh khen ngợi là ‘tuyệt hảo’. Và dĩ nhiên chuyên viên này phải thông thạo Anh ngữ.

Còn cô Jaydee Basa, một người cung ứng dịch vụ cho oDesk sống tại Philippines, cho biết cô đã bắt đầu đăng ký với oDesk từ tháng năm năm nay, và mới bắt đầu được thuê mướn từ tháng bảy vừa rồi.

Cô mô tả về công việc đầu tiên mà cô làm qua oDesk: “Việc đầu tiên mà tôi làm với oDesk là người mua dịch vụ muốn tôi giúp viết một bài dài khoảng 300 chữ, bắt đầu bằng đề tài ‘Làm sao mà’ và tôi phải kiện toàn tựa đề đó, giả dụ như ‘làm sao để du lịch’ hay ‘Làm sao để biết đạp xe đạp’ chẳng hạn. Đại loại như vậy, sau đó tôi được chỉ thị viết từng bước, từng bước một ra sao.”

Và thưa quí vị, bất cứ ai ở Việt Nam có khả năng và thông thạo Anh ngữ và muốn kiếm việc có thể liên lạc với Website của oDesk www.odesk.com.

Quí vị cũng có thể thấy hình ảnh của các bạn Việt Nam làm việc qua oDesk nếu vào phần oconomy, trong đó liệt kê tên các nước có người tham gia và quá trình làm việc của từng người ở mỗi nước, trong đó có cả nước Việt Nam của chúng ta nữa.

Chúc các bạn may mắn và xin các bạn đóng góp ý kiến về bài viết này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG