Tổng thống Barack Obama vừa đặt ra một chương trình đổi mới học đường gọi là ‘Chạy Đua tới Đỉnh.’ Loan báo một khoản tài trợ hơn 4 tỉ đôla cho cuộc đua, Tổng thống nói ‘Tương lai thuộc về nước nào giáo dục dân họ hiệu quả nhất’. Các nhà giáo dục gợi ý rằng hiện nay, quốc gia có nền giáo dục xuất sắc nằm cách Washington hàng vạn cây số. Thông tín viên Kathryn Baron tường trình từ Singapore:
Chúng ta thử hình dung một lớp học có 36 học sinh 9 tuổi. Trời đã gần trưa bắt đầu nóng bức, khoảng 30 độ C. Ngoài sức nóng còn có độ ẩm, không có máy điều hòa không khí, chỉ có cửa sổ mở ra và vài cái quạt điện. Một người khách bước vào lớp.
Các học sinh đẩy ghế đứng dậy chào vị khách. Đó là ông Mike Smith, một cố vấn cấp cao của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ. Lớp học là lớp 3, thuộc Trường tiểu học East View nằm trong một khu vực đông dân cư và có thu nhập thấp tại Singapore.
Ông Smith giật mình về sĩ số học sinh trong lớp và nói với bà Giám hiệu Veronica Tay rằng ở Mỹ không bao giờ có một lớp học đông như vậy. Bà Tay đáp lại tiêu chuẩn tại Singapore là mỗi lớp có thể thu nhận 40 em.
Dù có số học sinh đông đảo trong một khu vực thu nhập thấp như vậy, trường East View sắp nhận giải thưởng xuất sắc quốc gia. Đảo quốc Singapore nổi danh đào tạo ra những học sinh, sinh viên đạt điểm cao hơn phần lớn học sinh các nước trong những cuộc thi về khoa học và toán.
Và đó cũng chính là điều đưa ông Mike Smith tới đây, cùng với các giới chức các nước Uùc, Trung Quốc, Hồng Kông, Canada và Thụy Điển. Tất cả đều muốn tìm hiểu một điều: cái gì đã khiến hệ thống giáo dục của Singapore vận hành tốt đẹp như vậy?
Đúng ra, không phải họ chỉ muốn biết một điều mà là 2 điều: Singapore đã làm ra sao, và mình có thể làm giống như vậy không?
Tiến sĩ Ng Eng Hen Bộ trưởng Giáo dục Singapore nói rằng cốt lõi của một hệ thống giáo dục tốt rất đơn giản, dễ dàng và một số người còn cho rằng chẳng có gì là rắc rối.
Nhưng vượt được những rào cản cũng cần phải có sự dẻo dai và được hỗ trợ. Vì vậy lần đầu tiên, ông Ung đã tổ chức Hội Nghị Bàn tròn Quốc tế về Giáo dục để vạch ra chiến lược.
Ông Ng Eng Hen nói: “Khi suy nghĩ về các đường hướng cho bộ Giáo dục, đôi khi chúng ta rất cần những tấm bảng chỉ đường tốt. Chẳng hạn như xem xem mình làm điều này có đúng không?Mình nên chọn hướng đi nào? Những nguồn lực nào cần phải có?”
Hội nghị mau chóng tìm ra điểm chung để bàn thảo, về những vấn đề như là tuyển mộ và duy trì các giáo viên giỏi, cải thiện huấn luyện về lãnh đạo cho các giám hiệu, sử dụng kỹ thuật một cách sáng tạo và hiệu quả, hướng tới mục tiêu giúp học sinh đạt thành quả tốt hơn.
Đó cũng chính là điểm thành công của Singapore.
Các vị khách đã vô cùng kinh ngạc khi tham quan một lớp y tá tại Viện đào tạo Kỹ thuật, nơi sinh viên thực tập trên một hình nhân được điều khiển bằng máy vi tính có thể phản ứng y như người thật. Bà Bộ trưởng Giáo dục của Thụy điển nói bà muốn những trường dạy nghề tại nước bà áp dụng công nghệ này.
Còn ông Mike Smith thuộc Bộ Giáo dục Mỹ cũng kinh ngạc vì khả năng của Singapore khi tập trung vào những cải cách thực sự về giáo dục.
Ông Smith nhận định: “Nếu chúng ta có sự lãnh đạo đàng hoàng và vững vàng, tập trung vào lợi ích của học sinh, vào thành quả của học sinh, và nếu chúng ta thực sự quan tâm đến các em, chúng ta sẽ có một hệ thống giáo dục liên tục cải tiến. Đó là điều hết sức quan trọng và cần thiết phải xảy ra nhiều hơn nữa tại Hoa Kỳ. Nước Mỹ rất cần tạo ra những điều kiện thuận lợi để thành quả đó xẩy ra.”
Nhưng sau đó, ông Smith cũng ghi nhận rằng cải cách tại Singapore là điều dễ áp dụng. Lý do là từ nửa thế kỷ nay đảo quốc này đã nằm dưới sự điều hành của một chính đảng duy nhất.
Một mặt, giáo dục có sự kiểm soát chặt chẽ của trung ương, mặt khác, những chính sách giáo dục khó bị thay đổi khi chính phủ thay đổi.
Ông Dave Hancock, Bộ trưởng Giáo dục bang Alberta của Canada, than phiền rằng tại nước ông, tranh chấp chính trị là trở ngại chính để mang lại những cải tổ có ý nghĩa.
Ông nói người dân bầu ra lãnh đạo để có tương lai tươi sáng về lâu về dài, chứ không phải để thấy những tranh chấp chính trị. Theo ông, cần đặt chính trị ra ngoài hệ thống giáo dục.
Singapore là một nước nhỏ, dân số chỉ có 4 triệu rưỡi, còn ít hơn 2 triệu so với số học sinh các trường công lập bang California.
Ông Smith nói ông thông cảm với những lập luận cho rằng vì là một nước nhỏ, có chế độ độc đảng nên Singapore dễ thực hiện các cải tổ giáo dục. Và có người còn cho rằng không thể nào đem một sự cải tổ ở nước này sang nước khác.
Nhưng theo ông, Hoa Kỳ vẫn có thể rút ra một bài học từ đảo quốc này, đó là bất kỳ một chính sách giáo dục nghiêm túc nào cũng cần phải đặt trọng tâm vào lợi ích của học sinh, và mục tiêu đó không có biên giới quốc gia.
Đọc nhiều nhất
1