Đường dẫn truy cập

Nguyên nhân vụ khủng hoảng kinh tế Mỹ


Một yếu tố chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Hoa Kỳ là nhiều gia đình người Mỹ vay tiền và chi tiêu nhiều hơn khả năng của mình. Trong một loạt bài nói về vai trò của giới tiêu thụ Mỹ trong tình trạng suy thoái tài chính, thông tín viên đài VOA Meredith Hegg khảo sát những thay đổi trong thủ tục cho vay tiền đã góp phần như thế nào trong việc đưa nhiều người đến các lựa chọn tài chính tai hại – những lựa chọn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn quốc.

Nhiều kinh tế gia đã mô tả tình trạng suy thoái hiện nay ở Hoa Kỳ là tệ hại nhất từ 6 thập niên nay. Chuyên gia về tài chính tiêu thụ Robert Manning giải thích sự khác biệt trong cuộc suy thoái lần này.

Ông Manning nói: “Đây là một cuộc suy thoái do giới tiêu thụ đưa đến hơn là một cuộc suy thoái theo chu kỳ thương mại.”

Ông Manning cho rằng tình trạng suy thoái có liên hệ đến việc các gia đình vay tiền.

Ông Manning nhận xét: “Người Mỹ đã đi đến chỗ mà số nợ tiêu thụ lên đến mức lịch sử chưa từng có từ trước đến nay.”

Ông Manning là người sáng lập Viện Giảm Nợ một cách có Trách nhiệm, một tổ chức phi chính phủ chuyên sản xuất nhu liệu tham vấn về tài chính. Ông nói rằng sự gia tăng trong việc vay tiền có liên hệ chặt chẽ với sự sụt giảm lương thực sự.

Ông Manning nói tiếp: “Kể từ năm 2001, thu nhập thực sự ở Hoa Kỳ đã sụt khoảng từ 2,5 đến 3 phần trăm. Người Mỹ đã bù vào chỗ thiếu hụt dựa vào việc vay tiền một cách dễ dàng với lãi suất tương đối nhẹ.”

Theo ông Manning, nhiều người Mỹ có thể mượn tiền bởi vì sự lỏng lẻo trong các luật lệ của ngân hàng liên bang khích lệ các cơ sở tài chính tư nhân tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận ngắn hạn.

Ông Manning nói: “Điều chúng ta chứng kiến trong thời buổi luật lệ nới lỏng này là mọi người chỉ tìm cách kiếm lời trên cơ sở từng quý một, và sự kiện này tạo áp lực trên nhiều cơ sở tài chính phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn.”

Tỷ như các công ty thẻ tín dụng cho vay những khoản tiền lớn với lãi suất thấp hơn. Và các ngân hàng bắt đầu cho vay tiền mua nhà cho nhiều người hơn với các điều kiện rất hấp dẫn trong đoản kỳ.

Ông Manning nói thêm: “Mọi người được chấp thuận cho vay các khoản tiền để mua nhà có thể cao từ gấp đôi cho đến gấp ba hay gấp bốn lần khả năng thực sự của họ. Họ có thể vay một số tiền để mua nhà ở lãi suất trôi nổi mà hai năm đầu ở mức chừng 1,9 đến 2,9 phần trăm.”

Các khoản cho vay sau đó sẽ được định lại ở lãi suất cao hơn nhiều và số tiền mà người vay nợ phải trả hàng tháng sẽ tăng lên. Bà Leslie Linfield thuộc Viện Giáo dục Phổ thông về Tài chính, một tổ chức phi lợi nhuận, nói rằng những khoản cho vay nợ mua nhà được gọi là sub-prime này cùng các khoản tiền cho vay với rủi ro cao đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với các điều kiện mà các cơ sở tài chính trước kia vẫn đòi.

Bà Linfield nói: “Tôi bắt đầu sự nghiệp trong ngành ngân hàng vào thập niên 80 và lúc đó chỉ có một số ít các hình thức cho vay thôi.”

Ngày nay, theo bà Linfield, mọi việc đều khác trước.

Bà Linfield nói tiếp: “Quý vị bước vào chi nhánh bất cứ ngân hàng hay cơ sở tín dụng nào, họ đều bầy ra một hồ sơ lớn và chính họ cũng không hiểu họ tìm cách quảng cáo cái gì. Khách hàng cũng bối rối không kém.”

Bà Linfield cho rằng sự thiếu hiểu biết về các loại cho vay tiền này đã dẫn đến các quyết định yếu kém. Nhưng ông Robert Manning lại nói rằng chừng nào mà giá nhà còn tiếp tục tăng thì không ai lo lắng về chuyện điều gì sẽ xảy ra nếu người vay tiền không trả nổi tiền nhà hàng tháng.

Ông Manning nhận định: “Vậy là các sách lược tiếp thị ráo riết đã đẩy giá nhà lên. Khi mọi người không trả được những khoản nợ vào năm 2004, 2005 hay 2006 thì họ có thể bán những căn nhà này còn cao hơn trị giá thực của nó. Giới đầu tư vẫn thu lại được tiền của mình về.

Theo ông Manning, thị trường nhà đất cũng giúp cho giới tiêu thụ làm lơ trước nợ thẻ tín dụng ngày càng chồng chất.

Ông Manning nói: “Ngân hàng thường quay ra nói rằng, Tại sao quý vị không tái tài trợ khoản tiền nợ thẻ tín dụng 50 ngàn đôla của mình bằng căn nhà của mình bởi vì nhà đã lên giá.”

Người tiêu thụ sẽ đem nhà ra thế chấp để vay một khoản tiền, và dùng số tiền đó để trả nợ thẻ tín dụng. Ông Sam Gerdano thuộc Viện Khánh Tận Mỹ nói rằng những người sở hữu nhà đã tin vào một huyền thoại về giá nhà đất.

Ông Gerdano nhận xét: “Họ cứ nghĩ là nhà cửa sẽ luôn luôn tăng giá. Có thể có người đã nói với họ như thế; có thể ai đó nói với họ rằng nhà cửa là cách đầu tư tốt nhất, hoặc đưa ra bất cứ một khái niệm sai lầm nào.”

Đa số chuyên gia đồng ý rằng sự kiện tập thể tin vào những khái niệm sai lầm ấy, đã góp phần vào hiện tượng được gọi là quả bong bóng nhà đất. Theo lời giải thích của ông Manning, chung cuộc sẽ có quá nhiều nhà được đưa ra bán trên thị trường.

Ông Manning giải thích: “Do đó khi những người này không trả được nợ và tài sản bị tịch thu để trả nợ thì những căn nhà khôn bán được và giới đầu tư bắt đầu mất đi những khoản tiền lớn vào năm 2007.”

Và mọi chuyện trở nên càng xấu hơn vào năm đó khi mà những vụ tịch thu nhà bắt đầu gia tăng một cách khủng khiếp. Trong khi nhiều chuyên gia quy trách hiện tượng này cho các cơ sở cho vay tiền trong nước, ông Sam Gerdano cho rằng việc đổ lỗi qua lại đã quá đủ rồi.

Ông Gerdano nói: "Mọi người đều có trách nhiệm. Cả người vay tiền lẫn người cho mượn tiền đều góp phần vào tình trạng hiện thời.”

Và cả hai nhóm đều đứng trước các thách thức phức tạp trong những tháng năm tới đây nhằm giải quyết tình trạng rối beng về tài chính.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG