Vụ bạo động sắc tộc mới đây ở Tân Cương, tiếp theo sau những vụ rối loạn ở Tây Tạng hồi tháng 3 năm ngoái, đã nêu bật những chính sách sai lầm về người thiểu số của chính phủ Trung Quốc nói riêng và sự cai trị hà khắc của đảng Cộng Sản Trung Quốc nói chung. Đó là nhận định của hầu hết các nhà phân tích tình hình Trung Quốc. Các chuyên gia này cũng cho rằng một nước Trung Quốc dân chủ sẽ không đi theo vết xe của Liên Xô hay Nam Tư để tách thành nhiều nước, mặc dù một số nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã lo ngại như vậy. Mời quí vị theo dõi Duy Ái trình bày thêm chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Thưa quí vị, vụ rối loạn vì lý do sắc tộc bùng ra ở Urumqi hôm mồng 5 tháng 7 đã làm bộc lộ nhiều vấn đề trong chính sách dân tộc của Trung Quốc, đặc biệt là tại những phần đất rộng lớn ở miền bắc như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông.
Theo nhận xét của một số các nhà quan sát tình hình Trung Quốc, trong đó có ông John Pomfret, một ký giả kỳ cựu của tờ Washington Post từng làm việc nhiều năm ở Bắc kinh, một trong các vấn đề nổi bật là giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các chính sách của triều đình Mãn Thanh và xem Tân Cương như một tiền đồn của đế quốc Đại Hán thay vì như một tỉnh trong một quốc gia đa sắc tộc. Ông Pomfret cho rằng tuy có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, có đường xe lửa cao tốc ở Thượng hải, và Làng Olympic với kiến trúc hậu hiện đại ở Bắc kinh, nhưng Trung Quốc hiện nay vẫn còn là một đế quốc đang trên đường trở thành một quốc gia.
Giáo sư June Dreyer của Đại học Miami cũng có một nhận xét tương tự.
Giáo sư Dreyer nói: "Giới lãnh đạo Trung Quốc thật sự nghĩ rằng Trung Quốc là một nước đa dân tộc. Nhưng trên thực tế thì đây là một đế quốc gồm nhiều sắc dân, được gộp lại với nhau bằng vũ lực."
Tiến sĩ Dreyer cho rằng vụ rối loạn mới đây ở Tân Cương có phần chắc sẽ khiến chính phủ ở Bắc Kinh áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn ở những khu tự trị của người sắc tộc thiểu số, trong lúc họ tiếp tục cổ xúy cho chủ trương thường được gọi là 'xây dựng một xã hội hài hòa' của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Bà Dreyer nói thêm: "Chắc chắn là việc này làm cho chính quyền trung ương đề cao cảnh giác trước những sự việc ở các khu vực của người thiểu số. Lẽ dĩ nhiên là lâu nay họ cũng đã cảnh giác rồi. Năm 1989, trước khi xảy ra cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, Tây Tạng đã bị đặt trong tình trạng thiết quân luật, nhưng báo chí lúc đó chú tâm tới tình hình ở Bắc kinh nên không đề cập nhiều tới việc này. Tân Cương lúc đó cũng xảy ra những vụ biểu tình và gây rối. Những diễn tiến đó khiến Trung Quốc lo ngại và họ càng lo ngại hơn sau khi Liên Xô tan rã. Năm 1999 họ bắt đầu tiến hành chiến dịch 'nghiêm đả' hay 'đánh mạnh' để trấn áp những sự bày tỏ ý kiến bất đồng của người dân, đặc biệt là những người dân thiểu số. Vấn đề ở đây là chính quyền càng cảnh giác nhiều chừng nào tới những sự kiện đặc thù của người thiểu số thì người thiểu số càng bất mãn nhiều chừng đó."
Tiến sĩ Bùi Mẫn Hân, một chuyên gia về Trung Quốc của Quĩ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington, tán đồng nhận xét của giáo sư Dreyer. Ông nói thêm rằng chế độ chính trị hiện nay ở Trung Quốc khiến cho chính sách dân tộc của chính phủ trung ương lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Tiến sĩ Hân nhận xét: "Những chính sách này chủ yếu là dựa vào áp lực. Đương nhiên là những áp lực này có hiệu quả ở một chừng mực nào đó. Nhưng chỉ dựa vào áp lực thì rất khó giải quyết vấn đề dân tộc. Đây là một vấn đề thuộc loại khó giải quyết nhất, vì cứng rắn cũng không được mà mềm mỏng cũng không xong. Mềm mỏng có thể bị xem là nhu nhược, yếu đuối. Cứng rắn thì sẽ gặp phải sự chống đối kịch liệt hơn. Cách tốt nhất là thông qua hòa giải chính trị, thông qua hình thức tự trị địa phương. Nhưng phương thức địa phương tự trị thường chỉ có thể áp dụng ở những quốc gia dân chủ."
Vụ bạo loạn sắc tộc ở Tân Cương, tiếp theo sau những vụ rối loạn ở Tây Tạng hồi năm ngoái, khiến một số các nhân vật tranh đấu cho dân chủ Trung Quốc lo ngại là tiến trình chuyển đổi sang thể chế dân chủ có thể khiến quốc gia đông dân nhất thế giới này đi theo vết xe của Liên Xô, Nam Tư và Tiệp Khắc để tách ra thành nhiều nước.
Tuy nhiên, theo giáo sư Dreyer – tác giả cuốn 'Hệ thống Chính trị Trung Quốc: Hiện đại hóa và Truyền thống' (China’s Political System: Modernization and Tradition), khả năng xảy ra tình trạng tam phân ngũ liệt ở Trung Quốc không cao.
Bà Dreyer cho biết: "Tôi không nghĩ rằng tình hình ở Trung Quốc giống như tình hình ở Liên Xô hay Tiệp Khắc trước kia. Ở những nước đó các khối dân thiểu số chiếm một tỉ lệ bách phân lớn hơn nhiều. Các sắc dân thiểu số cộng chung chiếm tới 50% dân số của Liên Xô, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là chưa tới 10%. Ngoài ra, hầu hết các sắc dân thiểu số ở Trung Quốc là những khối người rất nhỏ. Nếu quí vị nhìn vào khối dân thiểu số bất mãn ở Trung Quốc, quí vị sẽ thấy rằng nổi bật nhất là khối người theo Hồi giáo, sau đó là người Tây Tạng. Với một mức độ thấp hơn, chúng ta có người Mông Cổ. Nhưng ở Mông Cổ, họ bị người Hán tràn ngập và đồng hóa từ rất lâu nên sự chống đối không đáng kể. Vì vậy, tôi nghĩ rằng hai khu vực mà chính quyền Trung Quốc thật sự lo ngại là Tân Cương và Tây Tạng."
Ông Bùi Mẫn Hân của Quĩ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho rằng sau khi có dân chủ Trung Quốc có bị tách ra làm nhiều nước hay không là một vấn đề tùy thuộc khá nhiều vào phương thức tiến tới dân chủ.
Ông Hân nhận định: "Nói tới chuyện chuyển đổi sang thể chế dân chủ, chúng ta phải xét tới vấn đề là chuyển đổi như thế nào. Nếu là sự chuyển đổi mang tính chất sụp đổ, như Liên Xô cũ, thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng các khu vực của những sắc dân thiểu số đua nhau đòi độc lập. Nhưng vấn đề 'phân ly' rồi có 'tái hợp' hay không thì còn tùy thuộc vào vấn đề là chính phủ trung ương có nắm quyền kiểm soát quân đội hay không. Vì vậy cho nên không hẳn là đất nước sẽ lâm vào tình trạng tam phân ngũ liệt. Nhưng có một điều chắc chắn là trong quá trình chuyển đổi sang thể chế dân chủ, hầu như tất cả các sắc dân thiểu số đều muốn tách ra để thành lập một quốc gia riêng cho mình."
Khi được hỏi về việc Trung Quốc có thể tổ chức trưng cầu dân ý để cư dân ở Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông quyết định về vấn đề có nên tách khỏi Trung Quốc để độc lập hay không, giáo sư Dreyer của Đại học Miami cho biết ý kiến như sau.
Bà Dreyer nói: "Tôi nghĩ rằng sẽ không có trưng cầu dân ý cho tới khi nào chính phủ trung ương của Trung Quốc biết chắc là họ sẽ giành được phần thắng. Cách đây vài năm tôi có tham dự một cuộc họp ở Washington, qui tụ những nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc và Tây Tạng. Ngoài một trường hợp ngoại lệ, tất cả những nhà hoạt động cho dân chủ Trung Quốc đều nhất mực cho rằng Tây Tạng phải tiếp tục là một phần của Trung Quốc. Cho nên không phải vì họ là những người cổ xúy cho dân chủ mà họ sẵn lòng để cho các khối dân thiểu số được hành sử quyền tự quyết."
Tin tức mới nhất từ Urumqi cho thấy tình hình ở thủ phủ của tỉnh Tân Cương của Trung Quốc đã tạm lắng dịu sau những vụ bạo động bùng ra hôm mồng 5 tháng 7 giữa người Uighur và người Hán. Bản tin do phái viên của đài VOA gởi về từ Urumqi hôm thứ bảy (ngày 18 tháng 7) cho biết binh lính và cảnh sát vẫn hiện diện đông đảo trên các đường phố chính, cư dân vẫn còn cảm thấy lo sợ, và rất ít người ra khỏi nhà vào ban đêm. Cũng trong ngày thứ Bảy, Tân Hoa Xã nói rằng số tử vong trong vụ rối loạn sắc tộc tệ hại nhất ở Trung Quốc trong mấy mươi năm đã tăng tới 197 người, đa số là người Hán.
Đọc nhiều nhất
1