Đường dẫn truy cập

Tổng thống lâm thời Honduras bác bỏ tối hậu thư của OAS


Tổng thống lâm thời của Honduras đã bác bỏ một tối hậu thư của chính quyền Mỹ đòi phục chức tổng thống cho nhà lãnh đạo Manuel Zelaya đã bị lật đổ. Từ Tegucigalpa, nơi cuộc khủng hoảng chính trị đã châm ngòi thêm cho các cuộc biểu tìn, thông tín viên Brian Wagner của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Tổng thống lâm thời Honduras Roberto Micheletti đang đứng trước áp lực mới từ nước ngoài đòi đưa Tổng thống Manuel Zelaya trở về, sau khi bị buộc phải rời khỏi Honduras hôm chủ nhật vừa qua.

Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia châu Mỹ Latinh đã từ chối không thừa nhận chính phủ đã tiếm quyền của ông Zelaya, người bị cáo buộc về các cáo buộc tội phạm.

Hôm qua, Tổ Chức các Quốc gia Châu Mỹ đã tiến thêm một bước và nói rằng Honduras có 72 tiếng đồng hồ để phục chức cho ông Zelaya nếu không thì tổ chức khu vực này có thể đình chỉ quy chế thành viên của Honduras.

Tại Tegucigalpa, ông Micheletti nói rằng chính phủ của ông sẽ không nhượng bộ trước áp lực từ bên ngoài, và rằng ông không khuất phục trước phản ứng áp đảo có tính tiêu cực của các chính phủ nước ngoài.

Nhà lãnh đạo lâm thời nói ông tin rằng Honduras sẽ không bị cô lập lâu, và rằng các nước khác sẽ bắt đầu hiểu ra được chính phủ mới đã cứu vãn đất nước ra sao. Ông Micheletti nói thêm rằng Thượng Đế đứng về phía chính phủ mới để giúp giải quyết vụ khủng hoảng.

Ông Micheletti cho biết các giới chức trong chính phủ mới đang bắt đầu tiếp xúc với Washington và các đối tác nước ngoài để trình bầy chi tiết về lý do tại sao ông Zelaya bị bãi chức. Các giới chức đã loan báo một cuộc điều tra hình sự về nhà lãnh đạo bị lật đổ, người bị tố cáo về 18 tội, trong đó có tội phản nghịch và lạm quyền.

Tuy nhiên, áp lực đang gia tăng đối với chính phủ lâm thời, vào lúc Tây Ban Nha và Pháp triệu hồi đại sứ tại Honduras. Tại Washington, Ngũ Giác Đài cho biết sẽ đình chỉ các hoạt động quân sự trong khi các giới chức đánh giá lại tình hình.

Quân đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ tiến hành một chiến dịch chống ma túy từ căn cứ không quân Soto Cano bên ngoài thủ đô của Honduras.

Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Honduras đưa ra một đề nghị nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị giữa chính phủ lâm thời và các đồng minh nước ngoài. Ông Ramon Custodio nói rằng các giới chức bầu cử phải cứu xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về liệu liệu có để cho ông Zelaya trở lại nắm quyền hay không.

Ông Custodio nói rằng cuộc trưng cầu sẽ giúp cộng đồng quốc tế có dịp đáp ứng, và chứng tỏ rằng chỉ có nhân dân Honduras mới quyết định được tương lai đất nước mình.

Lời tuyên bố vừa kể đánh dấu một sự chuyển biến trong lập trường của người đứng đầu về nhân quyền. Ông đã từng nói rằng các giới chức đã có hành động đúng đắn khi bãi chức ông Zelaya và rằng chính phủ lâm thời có toàn quyền quyết định. Ông Custodio cho biết ông đã nhận được nhiều lời đe dọa về các hành vi của ông, nhưng nói rằng ông sẽ không khiếp sợ.

Những người ủng hộ chính phủ lâm thời đã tổ chức một cuộc tập họp lớn ở thành phố Choluteca miền nam hồi hôm qua, và những cuộc tập họp nhỏ hơn đã diễn ra ở thủ đô Honduras.

Ngoài ra, một số nhân viên y tế và học đường đã lãn công sau khi các công đoàn kêu gọi đình công cho đến khi ông Zelaya trở lại nắm quyền. Nhiều trường học đã đóng cửa kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính, nhưng các cơ sở kinh doanh ở thủ đô vẫn tiếp tục hoạt động.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG