Đường dẫn truy cập

Nhật Bản tạo ra khỉ chuyển gien


Trong mục Khoa Học Đời Sống tuần này, chúng tôi sẽ đem đến quý vị một số thông tin mới về các những chú khỉ xanh với một loại gien từ loài sứa; về các hóa chất nguy hại sắp bị cấm; và về chứng đỏ mặt khi uống rượu.

Khỉ chuyển gien

Các khoa học gia tại Nhật Bản cho biết họ đã tạo ra những chú khỉ với một loại gien khiến cho da của chúng có một màu sắc khác thường. Dưới tia cực tím, nó có màu xanh lá cây rất tươi. Các nhà khoa học nói rằng những chú khỉ này biểu hiện cho một bước quan trọng trong đường hướng tìm hiểu bệnh tật của con người. Những con vật vừa nói là những con đầu tiên được hoàn toàn chuyển gien, gọi là nhóm thú vật sinh học gồm có khỉ và khỉ đột. Một con vật đã nhận được chất liệu gien từ bên ngoài được coi là đã mang tính chuyển gien.

Suốt thời gian gần 30 năm, các nhà nghiên cứu đã dùng chuột chuyển gien để thực hiện những cuộc tìm kiếm sinh học và y học. Để tạo ra loại chuột này, các nhà khoa học chích những gien bên ngoài vào những trứng có thể thụ tinh của chuột, rồi đặt lại vào tử cung của chuột cái. Những gien được lọc lựa đặc biệt sẽ biểu lộ trong một số chuột con sinh ra.

Chuột chuyển gien giúp các nhà khoa học nghiên cứu về hình thái và cách điều trị các loại bệnh tật của con người. Nhưng chuột không hữu ích bằng khỉ trong việc nghiên cứu những cách biểu lộ trong bệnh tật của con người.

Các khoa học gia tại Viện Trung Ương về Giống Vật Thử Nghiệm của Nhật hướng dẫn cuộc nghiên cứu tạo ra khỉ chuyển gien. Họ cho biết đã chích một chất đạm có màu xanh lá cây sáng của loài sứa vào trứng thụ tinh của chuột. Họ chọn loại gien này, vì nó dễ nhìn thấy với ánh sáng huỳnh quang.

Bốn trong số 5 chú khỉ nhỏ được sinh ra trong cuộc thí nghiệm mang gien lạ tại nhiều loại mô. Con thứ 5 chỉ có chất đạm màu xanh sáng tại một mô thuộc cái nhau của nó lúc ra đời. Hai chú khỉ nhỏ ít lâu sau đã cho thấy gien lạ tại những tế bào tái sinh của chúng. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ chuyền gien đạm chất có màu xanh lá cây cho con chúng sau này.

Sau đó ít lâu, một con khỉ đực đã được chuyển gien sinh con và truyền cái gien màu xanh cho chú khỉ nhỏ. Đây là lần đầu tiên các khoa học gia chuyển thành công một gien lạ cho một hế hệ tương lai. Và điều đó có nghĩa là khỉ truyền gien có thể được tạo ra bằng sự sinh sôi nẩy nở thay vì theo quá trình dài dòng hơn là chích gien vào trứng thụ tinh.

Các khoa học gia cho biết một ngày kia, loài khỉ xanh vừa nói sẽ có thể được tạo ra dễ dàng để dùng trong những công cuộc nghiên cứu y khoa. Chúng có thể được dùng để nghiên cứu về những chứng bệnh như là Parkinson, một bệnh khởi đầu bằng chứng run tay chân, hay là Lou Gehrig, một bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh cơ. Một bản phúc trình về cuộc thử nghiệm đã được xuất bản tháng trước trong tạp chí NATURE.

Các hóa chất sắp bị cấm

Các giới chức thuộc 160 quốc gia đã nhất trí cấm sản xuất 9 trong số những hóa chất nguy hiểm nhất thế giới. Thỏa thuận vừa nói đã được công bố tháng trước tại một Hội nghị của Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Thụy Sĩ. Trước đó, đã có 12 hóa chất khác bị cấm theo một thỏa ước có tên là Stockholm Convention. Thỏa ước được ký kết vào năm 2001.

Thỏa ước Stockholm chi phối một số hóa chất công nghiệp và thuốc trừ sâu. Những chất này có thể gây hại cho thần kinh hệ của con người và sức đề kháng tự nhiên đối với bệnh tật. Chúng cũng liên hệ tới bệnh ung thư, các bệnh về sinh nở và ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ em. Những chất đó còn có thể giết người nữa.

Ông Donald Cooper, thư ký chấp hành của Stockholm Convention, nói rằng những chất vừa nói đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng bay qua không khí và đọng lại trên không, dưới đất và dưới nước. Nhiều năm sau độ mạnh của chúng mới bớt đi. Ông Cooper cho biết thêm các chất độc còn tụ lại trong tế bào cây cối, loài vật và con người.

Một trong những hóa chất mới bị cấm là perflurooctane sulfonic acid, gọi tắt là PFOS. Nó được tìm thấy trong những bộ phận phát điện và những sản phẩm chữa cháy. Một hóa chất bị cấm khác là Lindane, được dùng tại một số vùng để diệt chấy rận.

Các chính phủ tại Hội Nghị của Liên Hiệp Quốc cũng đi đến một quyết định về một chất diệt trùng khác gọi là DDT. Họ cho biết cũng muốn cấm DDT, nhưng thừa nhận rằng một số nước cần nó để bảo vệ dân chúng chống những bệnh như sốt rét.

Các chính phủ cho biết họ sẽ cứu xét một dự án tạo ra những chọn lựa hiệu quả nhưng an toàn hơn là DDT. Và họ hy vọng sẽ có thể chấm dứt sử dụng DDT vào năm 2010.

Ðỏ mặt khi uống rượu

Sau cùng, một thính giả Đài Loan đã nêu thắc mắc tại sao mặt ông ta đỏ lên khi uống rượu. Đỏ mặt là phản ứng thông thường khi uống rượu của những người Đông Á. Khoảng 36% các dân số Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên đỏ mặt khi uống rượu.

Đối với nhiều người, chỉ một chút rượu cũng có thể gây khó chịu. Rất thường khi mặt mũi cổ và có khi toàn thể thân mình họ đều đỏ rực. Người ta cũng có thể thấy khó chịu tại dạ dày và choáng váng. Họ có thể có cảm giác nóng rát, tim đập nhanh, khó thở và nhức đầu.

Lý do là một sự khác biệt về gien có từ lúc người ta mới sinh ra. Nó ngăn cơ thể điều tiết rượu giống như những người khác. Nhưng hậu quả có thể nghiêm trọng hơn là một bộ mặt đỏ gay. Các nhà khoa học đã cảnh báo về một liên hệ giữa tình trạng này và nguy cơ cao về bệnh ung thư tại cuống dạ dày đối với những người uống rượu.

Một phúc trình về chứng đỏ mặt mới xuất hiện trên tạp chí PloS Medicine, do Thư Viện Khoa học Công Cộng ấn hành, nói rằng những người uống rượu bị đỏ mặt thì càng uống nhiều càng bị nguy cơ. Bản phúc trình ước lượng có tới 540 triệu người mắc chứng này.

Ung thư cuống dạ dày là một trong những loại ung thư gây tử vong nhiều nhất. Nếu tìm ra sớm nó có thể chữa được. Nhưng khi đã lây lan thì cơ hội sống sót giảm mạnh.

Bác sĩ Philip Brooks là một nhà khoa học thuộc Viện Quốc Gia về Lạm Dụng Rượu và Bệnh Nghiện Rượu. Ông cho rằng cần phải giáo dục mọi người về mối liên hệ giữa chứng mặt đỏ khi uống rượu và bệnh ung thư cuống dạ dày. Ông nói các bác sĩ nên hỏi những bệnh nhân người Đông Á của họ về những kinh nghiệm mặt đỏ khi uống rượu. Những người đã trải qua chứng đó cần được khuyến cáo hạn chế dùng rượu. Họ cũng nên được cảnh báo rằng, hút thuốc đi đôi với uống rượu gia tăng hơn nữa nguy cơ mắc bệnh ung thư cuống bao tử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG