Đường dẫn truy cập

Phản ứng của sinh viên Mỹ trước những diễn biến tại Iran


Thưa quý vị, những cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối kết quả của cuộc bầu cử tại Iran đang được thế giới theo dõi từng ngày. Đề tài này đặc biệt thu hút sự chú ý của giới sinh viên tại Hoa Kỳ vì một lý do đơn giản, là họ cảm thấy đoàn kết với giới trẻ Iran, thành phần đáng kể tham gia các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn tại nhiều thành phố Iran, được giới quan sát quốc tế coi là các cuộc biểu tình đông đảo nhất kể từ sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo cách đây hơn 30 năm trước. Hoài Hương của Ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với một số sinh viên tại các trường đại học ở thủ đô Washington để tìm hiểu phản ứng của họ trước những diễn tiến tại Iran, và tường trình như sau.

Patrick Khayat là sinh viên Kinh Tế của Trường Đại Học Georgetown ở thủ đô Washington. Tuy lớn lên ở Hoa Kỳ, nhưng vì gia đình anh đến từ Libăng, nên Patrick rất quan tâm đến tình hình Trung Đông nói chung, kể cả những gì đang diễn ra tại Iran. Về cuộc bầu cử đang gây nhiều tranh cãi tại nước này, Patrick cho biết ý kiến.

Patrick Khayat: “Mặc dù Tổng Thống Iran Mahmood Ahmadinejad nói cuộc bầu cử vừa rồi là một cuộc bầu cử công bằng, nhưng có một số điểm không nhất quán mà tôi thấy không hợp lý, chẳng hạn ông Ahmadinejad đắc cử tại một số vùng ở Iran, nơi mà ông Mousavi được ủng hộ rộng rãi hơn. Điều đó hơi lạ lùng, cho thấy là có thể đã có gian lận.”

Anh James Yankay, sinh viên ngành ngoại giao cũng theo học tại Đại Học Georgetown, cũng tỏ ra hoài nghi về kết quả cuộc bầu cử, trao phần thắng cho ông Ahmadinejad.

James Yankay: “Tôi thấy khó có thể tin được kết quả bầu cử, bởi vì theo các nguồn tin từ giới truyền thông, thì kết quả được trông đợi là kết quả ngược lại, hơn nữa rõ ràng không một ai trông đợi ông Ahmadinejad đoạt được tỷ lệ phiếu cao đến mức đó.”

Điều gì làm cho hai anh sinh viên lớn lên tại Hoa Kỳ quan tâm nhất về cuộc bầu cử ở Iran?

Patrick Khayat: “Điều làm cho tôi thất vọng nhất là những vụ bạo động đã xảy ra, nghe nói có từ 8 tới 10 người bị giết chết chỉ vì họ chống đối kết quả bầu cử. Theo ý kiến của tôi thì bầu cử không được tổ chức để gây chết chóc hoặc gây ra những vụ bạo động như thế.”

James Yankay: “Tôi rất quan tâm về chuyện chính quyền Iran tìm cách bóp nghẹt công luận và cấm truyền thông nước ngoài tác nghiệp để tường trình về những vấn đề liên quan tới Iran. Rõ rệt điều đó chứng tỏ là có sự thiếu minh bạch trong tiến trình bầu cử, nếu không nói là gian lận, rõ ràng họ muốn bóp nghẹt tiếng nói của công chúng bằng cách trục xuất phóng viên nước ngoài sau cuộc bầu cử, và cùng lúc, hạn chế các dịch vụ điện thoại di động, tiếp cận internet...ngay sau khi có tranh luận về kết quả bầu cử. Theo tôi, thì rõ ràng đây là một hành động can thiệp không cho cử tri nói lên nguyện vọng của mình.”

Thế tình hình náo loạn tại Iran hiện nay có thể được mang ra so sánh với những gì xảy ra trước cuộc Cách Mạng Hồi Giáo cách đây 30 năm về trước hay không, James nói anh không nắm vững tình hình tại Iran đủ để có thể mang cuộc cách mạng năm 1979 ra so sánh, tuy nhiên theo anh thì một tình huống tương tự có triển vọng xảy ra.

Tuy nhiên, anh Patrick thì nói anh hy vọng rằng một cuộc cách mạng khác nữa sẽ không xảy ra.

Patrick Khayat: “Tôi chỉ biết nói là tôi hy vọng cách mạng sẽ không xảy ra, bởi vì có cách mạng là có đổ máu. Vả lại tôi tin rằng những khó khăn hiện tại không phải là không thể nào giải quyết, tình hình không đến nỗi đã đến đường cùng để có thể biện minh cho một cuộc cách mạng.”

Vậy trong tư cách là những người trẻ tuổi, có tâm huyết, các anh có cảm thấy đoàn kết với giới trẻ Iran, một thành phần khá đông đảo tham gia các cuộc biểu tình hay không?

Patrick Khayat: “Tôi nghĩ là tôi đồng cảm với họ, tôi có thể hiểu được nỗi bức xúc của họ khi phải sống dưới chế độ của ông Ahmadinejad trong 4 năm qua, người dân đang muốn tìm một thay đổi, có thể là một chính quyền mới, và họ cảm thấy phẫn nộ và bực dọc vì không đạt được nguyện vọng của mình.”

Bàn về nguyện vọng và vai trò của giới trẻ trong các nỗ lực cải thiện xã hội, anh James Yankay tin rằng giới trẻ có trọng trách phải cải thiện thế giới quanh mình.

James Yankay: “Tôi tin rằng trách nhiệm đã được đặt trên vai giới trẻ chúng tôi phải làm thế nào để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, chúng tôi có năng lực để thực hiện mục tiêu ấy, và đó cũng là điều mà chúng tôi nên làm để hành xử các quyền của mình, bảo đảm các quyền tự do ấy cho tương lai, nhất là quyền được bày tỏ ý kiến.”

Được hỏi liệu các anh có đồng ý với lập trường thận trọng của Tổng Thống Obama, không muốn Hoa Kỳ bị coi như can thiệp vào các diễn biến tại Iran, và do đó không mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ những người biểu tình ở Iran. Anh James, có triển vọng trở thành một nhà ngoại giao của Hoa Kỳ trong tương lai, trả lời.

James Yankay: “Rõ ràng nếu Tổng Thống Obama lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ các cuộc biểu tình, thì điều đó rất có lợi cho phe hậu thuẫn ông Mousavi. Thế nhưng, tôi tin rằng chính sách đúng đắn đối với Hoa Kỳ là phải duy trì thái độ thận trọng trong việc phê phán Iran cho tới khi nào các chứng cớ đã trở nên rõ rệt hơn. Hoa Kỳ không nên trao cho ông Ahmadinejad một cái cớ để đưa ra một hình ảnh về Hoa Kỳ như một đế quốc can thiệp vào nội tình Iran, và qua đó tạo uy tín cho ông Ahmadinejad, gây khó khăn cho tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân hoặc các vấn đề khác với Iran sau này.”

Anh Patrick Khayat cũng đồng ý với James Yankay về điểm đó. Anh nhấn mạnh là Hoa Kỳ không nên can thiệp vào nội tình của Iran.

James Yankay: “Hoa Kỳ phải đứng ngoài, và để Iran tự giải quyết những vấn đề của nước này. Tôi nghĩ có lẽ tôi đang cố gắng đứng vào vị thế của họ, tôi không muốn một nước khác vào nước tôi và can thiệp vào nội tình nước tôi, hay can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi. Dù cho anh có ủng hộ ông Ahmadinejad hay ông Mousavi, hãy để cho nước này tự giải quyết các vấn đề của riêng họ.”

Hai anh sinh viên Mỹ, Patrick và James, hoàn toàn đồng ý với lập trường của Tổng Thống Obama về điểm này. Thế những vấn đề gì khiến cho hai anh trăn trở nhất trong tình hình nước Mỹ và thế giới hiện nay?

Patrick Khayat: “Đó là tình hình kinh tế, bởi vì môn học chính của tôi là Kinh Tế, và trong tư cách đó, tôi thấy được là kinh tế ảnh hưởng tới các vấn đề trên thế giới như thế nào. Thế cho nên vấn đề khiến tôi quan tâm nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bây giờ, và vấn đề Trung Đông. Đó là những vấn đề khiến tôi trăn trở, khó ngủ.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG